Tin tức 24h: Tiết lộ nội dung cuộc gọi kêu cứu "có thể bị đè chết" 4 giờ trước thảm kịch Itaewon

CTV
Cảnh sát Hàn Quốc vừa công bố bản ghi âm rùng mình của 11 cuộc gọi khẩn cấp trước thảm họa giẫm đạp tại Itaewon, trong đó người gọi đầu tiên, tận 4 tiếng trước thảm kịch, đã cầu cứu vì cho rằng "có thể bị đè chết".

Itaewon: Tiết lộ nội dung cuộc gọi kêu cứu "có thể bị đè chết" 4 giờ trước thảm kịch

"Có vẻ như bạn có thể bị đè chết khi mọi người tiếp tục đến đây trong khi không có chỗ cho mọi người đi xuống. Tôi gần như xoay sở để rời khỏi nhưng có quá nhiều người. Có vẻ như bạn nên đến và kiểm soát" - Reuters trích dẫn cuộc gọi khẩn cấp đến tổng đài cảnh sát từ một người dân mắc kẹt trong đám đông Itaewon từ lúc 18 giờ 34 phút chiều 29-10, tức khoảng 4 giờ trước khi thảm họa thực sự xảy ra.

Cảnh sát Hàn Quốc cũng thừa nhận họ đã nhận được 10 cuộc gọi tương tự khác trước khi sự hỗn loạn được biết đến và trở nên nghiêm trọng.

Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol và các quan chức tại địa điểm người dân đặt hoa tưởng niệm ngay gần con hẻm là tâm điểm của thảm kịch Itaewon - Ảnh: REUTERS

Reuters bình luận: Các bản ghi âm, được công bố trên phương tiện truyền thông hôm 1-11, đưa ra dự đoán lạnh lùng về việc thảm kịch sẽ xảy ra như thế nào.

"Mọi người đang đổ xuống đường, trông như thể có tai nạn, trông rất nguy hiểm" - một người khác gọi vào lúc 20 giờ 33 phút.

Cuộc gọi khác lúc 10 giờ 11 phút, khoảng 20 phút trước thảm họa, như một lời kêu cứu khác: "Mọi người sẽ bị đè chết ở đây. Thật hỗn loạn". Bản ghi âm này cũng đi kèm với những tiếng la hét xung quanh.

Ước tính đã có khoảng 100.000 người đến Itaewon vào đêm xảy ra thảm họa, một khu vực nội tiếng với những ngọn đồi và các con hẻm hẹp. Cảnh sát Hàn Quốc đã nhận trách nhiệm về vụ việc. Có 137 cảnh sát túc trực tại Itaewon vào đêm xảy ra thảm họa, một lực lượng được cho là quá mỏng đối với đám đông khổng lồ trong một lễ hội không có người tổ chức.

Sáng 2-11, Thủ tướng Hàn Quốc Han Duck-soo nhấn mạnh cảnh sát sẽ phải giải thích cách họ phản ứng sau khi nhận nhiều cuộc gọi khẩn cấp hàng giờ và vào phút trước thảm họa ở Itaewon.

Hiện đã có 156 người tử vong do thảm kịch và 151 người khác bị thương, phần lớn là các thanh niên ở độ tuổi 20.

Bộ GD&ĐT thông tin về việc điều chỉnh học phí năm học 2022-2023

Theo đó, thời gian qua Bộ GD&ĐT luôn chủ động, tích cực phối hợp với các bộ, ngành, địa phương nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc rà soát, đánh giá tác động của việc tăng học phí tới học sinh, sinh viên, hộ gia đình thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn, đề xuất chính sách học phí năm học 2022-2023 phù hợp, ưu tiên kiểm soát lạm phát.

Bộ đang hoàn thiện dự thảo nghị quyết về vấn đề trên để trình Chính phủ (đã xin ý kiến góp ý của các thành viên Chính phủ).

Dự kiến, năm học 2022-2023, mức học phí của các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập được giữ ổn định, bằng mức học phí của năm học 2021-2022 do HĐND các tỉnh ban hành áp dụng tại địa bàn.

"Nếu địa phương tăng học phí năm học 2022-2023 thì sẽ dùng ngân sách địa phương bù vào phần chênh lệch tăng thêm so với năm học 2021-2022. Mức hỗ trợ cho từng cơ sở giáo dục do địa phương xem xét quyết định", báo cáo nêu rõ.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn báo cáo giải trình trước Quốc hội. (Ảnh: Quochoi.vn)

Cơ sở giáo dục tự bảo đảm chi thường xuyên sẽ xây dựng mức thu học phí trên cơ sở định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức chi phí, trình UBND để đề nghị HĐND cấp tỉnh xem xét phê duyệt. Trong đó, khuyến khích địa phương bố trí ngân sách tăng chi thường xuyên cho các cơ sở giáo dục.

Với học phí các trường đại học công lập, Nghị quyết dự kiến giữ ổn định mức thu học phí năm học 2022 - 2023 bằng mức thu học phí của năm học 2021 - 2022.

Nhà nước sẽ cấp bù tiền miễn, giảm học phí theo mức trần học phí năm học 2021 - 2022 đã quy định tại Nghị định số 81/2021.

Bộ GD&ĐT khuyến khích các địa phương bố trí và huy động các nguồn lực hợp pháp để thực hiện việc hỗ trợ tiền đóng học phí năm học 2022 - 2023 đối với học sinh, sinh viên đang theo học các ngành, nghề đào tạo đáp ứng nhu cầu nhân lực cho các ngành nghề bị tác động do dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế - xã hội theo tinh thần Nghị quyết số 11 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Cũng liên quan tới học phí, hồi đầu tháng 8/2022, Bộ GD&ĐT đề xuất Chính phủ miễn giảm học phí bậc THCS. Tuy nhiên, đến nay phương án này chưa được chấp thuận. Do vậy, hầu hết các địa phương trên cả nước chưa quyết định mức thu và phương án thu học phí năm học 2022 - 2023 nhằm mục đích chờ quyết định của Chính phủ và hướng dẫn từ Bộ GD&ĐT.

Giá USD loạn nhịp, vàng đứng im

Trên thị trường tiền tệ trong nước, ngày 2/11 tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước niêm yết ở mức 23.688 đồng/USD, giảm 19 đồng/USD so với phiên giao dịch trước đó. Tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước ở mức 24.870 đồng/USD, giữ nguyên so với phiên giao dịch hôm qua.

Tại ngân hàng thương mại, Ngân hàng Vietcombank niêm yết tỷ giá ở mức 24.571 - 24.881 đồng/USD, tăng 2 đồng/USD; Ngân hàng Vietinbank niêm yết mức 24.602– 24.872 đồng/USD, tăng 4 đồng/USD.

Trên thị trường tiền tệ quốc tế, thời điểm 8h30 ngày 2/11 (giờ Việt Nam), chỉ số US Dollar Index (DXY) đo lường biến động đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) ở mức 111,58; giảm 0,11% so với cuối phiên giao dịch trước đó.

Thời điểm 8h30 ngày 2/11, giá vàng miếng trong nước được Tập đoàn Phú Quý niêm yết ở mức 66 – 66,9 triệu đồng/lượng, giữ nguyên ở chiều mua vào và giảm 100.000 đồng/lượng ở chiều bán ra. Nhẫn tròn trơn niêm yết ở mức 51,7 – 52,55 triệu đồng/lượng, giảm 50.000 đồng/lượng so với trước đó.

Tập đoàn vàng bạc đá quý Doji niêm yết giá vàng miếng trong nước ở mức 65,9 – 66,9 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), giữ nguyên ở cả 2 chiều mua vào và bán ra so với hôm qua.

Sáng 2/11 (giờ Việt Nam), giá vàng thế giới ở mức 1.650 USD/ounce, tăng 8 đồng/USD so với cuối giờ chiều hôm trước. Theo tỷ giá hiện hành tại Vietcombank, giá vàng thế giới khoảng 49,5 triệu đồng/lượng (chưa tính thuế, phí).

Vụ Tịnh thất Bồng Lai: Bố, mẹ Diễm My xác nhận công an đã bàn giao con cho gia đình

Hôm nay (2/11), tại phiên tòa xét xử vụ 'Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân' xảy ra tại nơi gọi là 'Tịnh thất Bồng Lai' (huyện Đức Hòa, tỉnh Long An), HĐXX đã trình chiếu clip chứng cứ, sau đó xét hỏi bị cáo, nhân chứng và người liên quan.

Clip trình chiếu tại tòa có nội dung quay cảnh tại trụ sở Công an huyện Đức Hòa, có nội dung xuyên tạc, xúc phạm Công an huyện Đức Hòa. Trong video có tiếng hô lớn “công an bắt cóc, công an bắt cóc người”, kết quả giám định xác định giọng nói này của bị cáo Lê Thanh Nhất Nguyên.

Tuy nhiên, cả 4/6 bị cáo có mặt tại phiên tòa là Lê Thanh Hoàn Nguyên (32 tuổi), Lê Thanh Nhất Nguyên (31 tuổi), Lê Thanh Trùng Dương (27 tuổi) và Lê Thanh Nhị Nguyên (24 tuổi), cùng nói là không xác định được những người trong clip, không xác định được giọng nói trong clip mà Tòa vừa trình chiếu là ai.

4 bị cáo (mặt áo nâu) tại phiên tòa phúc thẩm hôm nay.

Ông Nguyễn Sơn (Trưởng Công an huyện Đức Hòa, đại diện bị hại) xác định, clip mà Tòa phúc thẩm vừa trình chiếu là quay tại Công an huyện Đức Hòa, xảy ra ngày 12/12/2019. Ông Sơn nói clip đã ảnh hưởng, xúc phạm tới Công an huyện Đức Hòa. Về hình sự, ông Sơn đề nghị HĐXX xử lý nghiêm minh, nhằm răn đe các bị cáo gây ra. Về dân sự, ông Sơn nói không yêu cầu.

Tường trình tại tòa, ông Trần Quốc Thắng (Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự Công an huyện Đức Hòa) cho biết, thời điểm 2019, ông Thắng đang là điều tra viên của Cơ quan CSĐT Công an huyện Đức Hòa. Ngày 12/12/2019, được sự phân công của lãnh đạo, ông Thắng có triệu tập Võ Thị Diễm My cùng bố, mẹ của Diễm My là ông Võ Văn Thắng và bà Đào Thị Tuyết Mai đến Công an huyện để giải quyết đơn thư của ông Thắng và bà Mai. Trong quá trình làm việc, Diễm My không hợp tác nên không làm việc được nên Diễm My, ông Thắng và bà Mai ra về.

Trả lời HĐXX, bố đẻ của Diễm My xác nhận, ngày 12/12/2019, Công an huyện Đức Hòa có mời vợ chồng ông và con gái đến làm việc. Thấy Diễm My tinh thần bất loạn, không bình thường nên Công an đã giao cho gia đình đưa cháu về chữa bệnh. Cùng với đó, bà Đào Thị Tuyết Mai cũng xác nhận với HĐXX lời vừa khai của chồng bà là đúng.

Hồi tháng 5 vừa qua, Cơ quan ANĐT Công an tỉnh Long An phát thông báo truy tìm Võ Thị Diễm My (SN 1999, HKTT tại phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân, TPHCM; chỗ ở khác, số 191A, ấp Lập Thành, xã Hòa Khánh Tây, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An), để phục vụ công tác điều tra vụ án xảy ra tại ‘Tịnh thất Bồng Lai’.

Tuy nhiên, đến nay, cơ quan chức năng vẫn chưa tìm thấy cô gái này.

Công an thông tin nguyên nhân vụ chém bố và cậu ruột của người yêu

Ngày 2/11, trao đổi với PV, một lãnh đạo Công an TP Thái Bình, tỉnh Thái Bình cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an TP đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam 4 tháng đối với Trần Quang Thành (19 tuổi, trú huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng) về tội Cố ý gây thương tích.

Lực lượng công an bắt giữ Thành tại nhà bạn gái, đồng thời là hiện trường vụ án.

Quá trình điều tra, Công an TP Thái Bình xác định Thành quen biết và có mối quan hệ tình cảm với chị N.T.T.H (19 tuổi, trú khu đô thị Damsan Phú Xuân, TP Thái Bình).

Sáng 24/10, Thành đến nhà chị H. chơi, sau đó hai người cùng đi ra ngoài.

Khoảng 11h cùng ngày, bố chị H. là ông D. (47 tuổi) gọi điện thoại cho cả 2 người về ăn cơm nhưng 2 người không về. Chiều cùng ngày, ông D. tiếp tục gọi điện mắng con gái và ngăn cấm không cho chị H. qua lại với Thành. Lúc này, Thành và H. nảy sinh ý định mua dao, đe doạ gia đình sẽ tự tử nếu không cho hai người yêu nhau.

Tối 24/10, Thành cùng chị H. trở về nhà.

Trong bữa cơm tối "ra mắt", Thành nảy sinh mâu thuẫn, lớn tiếng cãi vã với bố bạn gái. Thấy vậy, cậu ruột của chị H. là anh Q. (30 tuổi) kéo Thành ra chỗ khác để ngăn việc cãi vã thì bất ngờ bị Thành dùng dao chém. Thấy em vợ bị chém, ông D. chạy tới can ngăn thì bị Thành dùng dao chém vào tay. Hai nạn nhân được đưa đi cấp cứu tại bệnh viện ngay lúc đó.

Ít phút sau, Thành bị cơ quan công an bắt giữ.

Khởi tố phụ huynh vác dao đến trường bắt hiệu trưởng quỳ xin lỗi

Chiều 2/11, trao đổi với Tiền Phong, lãnh đạo Công an huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) cho biết, đơn vị vừa ra quyết định tố vụ án, khởi tố bị can đối với ông Võ Văn Điệp (trú thôn Lâm Bình, xã Sơn Lâm, huyện Hương Sơn) về tội "Làm nhục người khác".

Trước đó, chiều 31/10, ông Võ Văn Điệp (trú tại thôn Lâm Bình, xã Sơn Lâm, phụ huynh có 2 con học lớp 1 và lớp 5 tại Trường Tiểu học Sơn Lâm) đã vác dao xông vào trường, lăng mạ giáo viên. Sau đó, ông Điệp tìm gặp hiệu trưởng, đe dọa và bắt thầy giáo này quỳ xuống xin lỗi.

Trường Tiểu học Sơn Lâm nơi xảy ra sự việc.

Nguyên nhân được phía trường báo cáo đến cơ quan chức năng là do sáng ngày 24/10, sau tiết chào cờ đầu tuần, Hiệu trưởng trường Tiểu học Sơn Lâm có gọi 30 học sinh chưa tham gia Bảo hiểm y tế lên trước sảnh văn phòng để vận động, tuyên truyền các em trao đổi với bố mẹ về việc tham gia công tác bảo hiểm y tế.

Những ngày sau đó một số phụ huynh đã tham gia đóng Bảo hiểm y tế cho học sinh. Đến ngày 30/10 còn lại 14 em chưa tham gia. Nhà trường tiếp tục gửi giấy mời phụ huynh lên trường để cùng trao đổi về sự cần thiết tham gia Bảo hiểm y tế cho học sinh.

Đến ngày thứ 2 (tức ngày 31/10), trong buổi chào cờ đầu tuần, nhà trường tiếp tục mời một số học sinh, trong đó có hai người con của ông Điệp đứng dậy. Đến chiều cùng ngày thì xảy ra sự việc nêu trên.

Hiện vụ việc đang được hoàn tất hồ sơ xử lý đối tượng trước pháp luật.