Tin tức 24h: Vụ cô gái bị đâm tử vong ở Hà Nội: Nghi phạm định tự tử khi ra đầu thú

CTV
Ngay sau khi đâm cô gái nhiều nhát, đối tượng đã bỏ đi nhưng lại quay lại đâm nạn nhân thêm khoảng 10 nhát nữa trước khi bỏ trốn.

Vụ cô gái bị đâm tử vong ở Hà Nội: Nghi phạm định tự tử khi ra đầu thú

Ngày 15/1, Công an quận Thanh Xuân cùng Phòng Cảnh sát hình sự, Công an TP Hà Nội và đơn vị khác đang khẩn trương điều tra, xử lý đối tượng liên quan đến vụ án mạng khiến 1 cô gái tử vong trên phố Vương Thừa Vũ, phường Khương Trung, quận Thanh Xuân.

Nghi phạm được xác định là Hoàng Văn Thành (SN 1998, ở xã Quyết Thắng, TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên), làm nghề thợ cắt tóc tự do tại Hà Nội.

Sau khi bắt giữ nghi phạm, bước đầu Công an quận Thanh Xuân đã làm rõ nguyên nhân. Theo Công an quận Thanh Xuân, Thành và chị P. có quan hệ tình cảm từ năm 2020 đến nay.

Ngày 12/1, Thành có rủ chị P. đi chơi nhưng chị P. nói bận do phải làm việc tại cửa hàng. Đến khoảng 22h55 cùng ngày, Thành đến nơi làm việc của chị P. nhưng thấy đóng cửa.

Hoàng Văn Thành tại cơ quan công an.

Lập tức, Thành chụp ảnh và gửi cho chị P. nhưng thời điểm này chị P. không trả lời nên Thành điều khiển xe mô tô về tắm, thay quần áo.

Sau đó, Thành tiếp tục đi xe mô tô đến nơi làm của chị P. Khi đến nơi thì thấy chị P. đứng cùng anh D. trước cửa nhà số 84 Vương Thừa Vũ nên Thành xuống xe hỏi về mối quan hệ.

Sau khi biết anh D. là người yêu của chị P. thì giữa Thành và chị P. xảy ra cãi vã. Thời điểm này, Thành yêu cầu chị P. gọi điện cho mẹ chị P. để Thành nói chuyện về việc đang có quan hệ tình cảm với Thành nhưng lại có quan hệ tình cảm với người khác. Tuy nhiên, người này không nghe máy.

Giữa Thành và chị P. tiếp tục xảy ra cãi vã, do quá bức xúc nên Thành đã lái xe đi mua dao ở phố Hoàng Văn Thái rồi quay lại tìm chị P. Thời điểm này, Thành tiếp tục hỏi về mối quan hệ giữa chị P. và anh D. rồi bất ngờ rút dao đâm chị P.

Thấy vậy, anh D. lao vào can ngăn thì bị Thành đẩy ra ngoài, đồng thời Thành tiếp tục lao vào, tay trái ôm chị P., vật ngã ngồi xuống đất rồi đâm nạn nhân. Trước khi bỏ đi, đối tượng còn đá thẳng vào mặt chị P. khiến người này ngã ra đất và đâm thêm nạn nhân.

Tuy nhiên đi được chừng khoảng 10m, Thành tiếp tục quay lại đâm khoảng 10 nhát dao vào người nạn nhân. Đâm xong, Thành vứt con dao lại hiện trường rồi lên xe máy bỏ trốn. Vụ việc khiến cô gái tử vong tại hiện trường, anh D. được đưa đi cấp cứu.

Rời khỏi hiện trường, Thành đi sang quận Long Biên và gửi xe tại tòa nhà, sau đó bỏ chạy lên khu vực đường Nguyễn Lam.

Quá trình bỏ chạy, Thành có gọi điện cho 1 người nói đã giết chị P. Sau đó Thành nhắn tin cho 1 người khác nói đã giết P. và sẽ đi tự sát.

Đến ngày 14/1, sau khi nhận thức được hành vi vi phạm pháp luật của mình, biết không thể trốn thoát, Thành đã đến Công an quận Thanh Xuân để xin đầu thú, đồng thời khai toàn bộ hành vi vi phạm.

Rơi máy bay chở 72 người ở Nepal: Ít nhất 16 người đã thiệt mạng

Reuters đưa tin, một chiếc máy bay chở khoảng 72 người từ Kathmandu đã bị rơi ở Pokhara - Nepal sáng 15/1 (giờ địa phương), khiến ít nhất 16 người thiệt mạng.

"Chúng tôi vẫn chưa rõ liệu có còn ai sống sót hay không", người phát ngôn của hãng Yeti Airlines Sudarshan Bartaula trả lời truyền thông, đồng thời xác nhận trên máy bay có 72 người, trong đó có 2 trẻ sơ sinh, 4 thành viên phi hành đoàn và 10 người nước ngoài.

Lửa bùng lên dữ dội tại vị trí chiếc máy bay rơi. Ảnh: Kathmandu Post

Hàng trăm nhân viên cứu hộ đã có mặt tại hiện trường vụ tai nạn ở khu vực sườn núi. Nhà báo người Nepal Dilip Thapa nói với đài NDTV rằng hoạt động cứu hộ gặp nhiều khó khăn do ngọn lửa bùng lên dữ dội tại hiện trường.

Thủ tướng Nepal Pushpa Kamal Dahal 'Prachanda' đã triệu tập cuộc họp nội các khẩn cấp.

Cơ quan Hàng không Dân dụng Nepal (CAAN) cho hay máy bay cất cánh từ Kathmandu lúc 10h33 ngày 15/1 (giờ địa phương). Khi nó sắp hạ cánh xuống sân bay Pokhara thì bị rơi xuống bờ sông Seti. Vụ tai nạn xảy ra khoảng 20 phút sau khi máy bay cất cánh, cho thấy máy bay có thể đang hạ độ cao. Thời gian chuyến bay ước tính khoảng 25 phút.

Người phát ngôn CAAN Jagannath Niroula ví vụ rơi máy bay hôm 15/1 như là tai nạn hàng không khủng khiếp nhất tại quốc gia này trong vòng 5 năm trở lại đây. Ông Niroula đồng thời nhấn mạnh công tác cứu hộ đang được tích cực triển khai.

Theo New York Post, tai nạn hàng không thường xuyên xảy ra ở Nepal, quốc gia có 8/14 ngọn núi cao nhất thế giới. Do có địa hình cao hơn mực nước biển hàng nghìn mét, nên khí hậu ở quốc gia này thường thay đổi đột ngột và phát sinh các điều kiện thời tiết bất thường dẫn đến các vụ tai nạn hàng không.

Bất ngờ lời khai của nam sinh lớp 12 giết chủ cửa hàng vàng ở Hải Dương

Liên quan đến vụ án mạng khiến chủ cửa hàng vàng tử vong ở gốc cây, trên cổ có vết cắt, Công an huyện Kim Thành đã phối hợp với Phòng hình sự Công an tỉnh Hải Dương đã bắt giữ nghi phạm.

Theo đó, nghi phạm được xác định là Đ.V.K. (SN 2005), trú tại thị trấn Phú Thái, huyện Kim Thành (Hải Dương), hiện đang là học sinh lớp 12. Bước đầu, tại cơ quan công an, nghi phạm Đ.V.K. đã bước đầu thừa nhận hành vi của mình.

Công an tổ chức khám nghiệm hiện trường.

Theo khai nhận của Đ.V.K., thời gian gần đây nghi phạm có vay bạn bè khoảng 5 triệu đồng để nạp tiền chơi điện tử nhưng chưa trả được.

Trước đó, vào khoảng 1h10 ngày 13/1, người dân đi đánh cá trên sông, đoạn sau quảng trường 20/9, thuộc địa phận thị trấn Phú Thái bàng hoàng phát hiện một người đàn ông tử vong cạnh gốc cây.

Nhận được tin báo, lực lượng chức năng nhanh chóng có mặt, giải quyết vụ việc và phong tỏa hiện trường, phục vụ điều tra.

Nạn nhân được xác định là Đ.V.T. (SN 1985, trú tại thị trấn Phú Thái, Hải Dương). Được biết, T. là chủ cửa hàng kinh doanh vàng bạc và mỹ nghệ.

Quá trình khám nghiệm hiện trường, công an phát hiện dụng cụ câu cá của nạn nhân. Thời điểm tử vong, trên cổ nạn nhân có vết cắt sâu. Ngoài ra, các tài sản trên người, xe máy của nạn nhân còn nguyên.

Hiện vụ việc vẫn đang được điều tra, làm rõ.

Không khí lạnh mạnh tràn về miền Bắc, nền nhiệt giảm sốc

Theo Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, chiều 15/1, không khí lạnh đã ảnh hưởng đến hầu hết khu vực phía Đông Bắc Bộ. Ở vịnh Bắc Bộ đã có gió đông bắc cấp 6, giật cấp 8; biển động.

Dự báo trên đất liền, chiều tối và đêm 15/01, không khí lạnh tiếp tục ảnh hưởng đến các nơi khác ở Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, sau đó ảnh hưởng tới khu vực Trung Trung Bộ. Gió Đông Bắc trong đất liền mạnh cấp 3, vùng ven biển cấp 4-5, giật cấp 6-7.

Ở khu vực Bắc Bộ và Thanh Hóa-Thừa Thiên Huế trời rét. Từ đêm 15/1 đến khoảng ngày 18/1, ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ trời rét đậm, vùng núi rét hại. Trong đợt không khí lạnh này nhiệt độ thấp nhất ở Bắc Bộ phổ biến từ 9-12 độ, khu vực vùng núi Bắc Bộ phổ biến 6-9 độ, vùng núi cao có nơi dưới 3 độ; khu vực Bắc Trung Bộ phổ biến 11-14 độ; khu vực từ Quảng Bình đến Thừa Thiên Huế phổ biến 14-17 độ.

Dự báo chi tiết

Dự báo trên biển, ở vịnh Bắc Bộ gió Đông Bắc mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9, sóng biển cao 2,0-3,5m, biển động mạnh; khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có gió Đông Bắc mạnh cấp 7, giật cấp 9, sóng biển cao 4,0-6,0m, biển động mạnh.

Vùng biển từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi gió Đông Bắc mạnh dần lên cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8-9, sóng biển cao 2,0-4,0m, biển động mạnh. Từ ngày 16/01, vùng biển từ Bình Định đến Cà Mau, khu vực Giữa Biển Đông, vùng biển phía Tây khu vực Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển phía Tây quần đảo Trường Sa) có gió Đông Bắc mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8-9, sóng biển cao 3,0-5,0m, biển động mạnh.

Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia cảnh báo từ đêm 15-18/1, khu vực từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi có mưa, mưa rào, cục bộ có mưa vừa, mưa to và dông. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Từ đêm 15-18/1, vùng núi cao ở khu vực Bắc Bộ có khả năng xảy ra mưa tuyết và băng giá.

Công an TP Hà Nội chỉ dẫn phân biệt pháo hoa và pháo hoa nổ

Công an TP Hà Nội đã đưa ra chỉ dẫn để người dân phân biệt rõ giữa pháo hoa với pháo hoa nổ để tránh vi phạm pháp luật.

Cụ thể, theo Công an TP Hà Nội, ngày 27/11/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định 137/2020/NĐ-CP về quản lý, sử dụng pháo. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 11/1/2021 và thay thế Nghị định số 36/2009/NĐ-CP. Tại Điều 17 Nghị định có quy định về các cơ quan, tổ chức, cá nhân có đầy đủ năng lực hành vi dân sự thì được phép sử dụng pháo hoa. Tuy nhiên, một số người dân đang có sự nhầm lẫn, chưa phân biệt giữa pháo hoa và pháo hoa nổ.

Điều 3 Nghị định 137/2020/NĐ-CP quy định: Pháo hoa là sản phẩm được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện tạo ra các hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màu sắc trong không gian, không gây ra tiếng nổ.

Như vậy, pháo hoa mà cơ quan, tổ chức, cá nhân được phép sử dụng theo quy định tại Điều 17 của Nghị định này được hiểu là: Sản phẩm có chứa thuốc pháo hoa, khi đốt chỉ gây ra hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màu sắc trong không gian và đặc biệt là không gây ra tiếng nổ. 

Còn pháo nổ là sản phẩm được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện gây ra tiếng nổ hoặc gây ra tiếng rít, tiếng nổ và hiệu ứng màu sắc trong không gian. Pháo nổ gây ra tiếng rít, tiếng nổ và hiệu ứng màu sắc trong không gian được gọi là pháo hoa nổ. Pháo hoa nổ tầm thấp là quả pháo có đường kính không lớn hơn 90mm hoặc tầm bắn không vượt quá 120m. Pháo hoa nổ tầm cao là quả pháo có đường kính trên 90mm hoặc tầm bắn trên 120m. 

Công an TP Hà Nội đã và đang đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức của người dân, ngăn chặn các hành vi chế tạo, sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng pháo trái phép; qua đó thể hiện quyết tâm của lực lượng Công an thành phố trong việc đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm liên quan trước thềm Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.

Chìm ghe, 2 cha con mất tích tại bán đảo Sơn Trà - Đà Nẵng

Ngày 15-1, Đồn Biên phòng Sơn Trà - Bộ đội Biên phòng TP Đà Nẵng cho biết đang chỉ đạo cán bộ, chiến sĩ và huy động ngư dân địa phương tìm kiếm thi thể nạn nhân, trục vớt phương tiện gặp nạn tại khu vực Mũi Nghê, bán đảo Sơn Trà (phường Thọ Quang, quận Sơn Trà).

Trước đó, ngày 11-1, Đồn Biên phòng Sơn Trà nhận thông tin phối hợp từ Đồn Biên phòng Cửa Đại - Bộ đội Biên phòng Quảng Nam về việc có phương tiện đường thủy đi qua khu vực.

Sau đó, Đồn Biên phòng Sơn Trà nhận tin báo của người nhà ông D.V.C (SN 1960) và con là anh D.V.T (SN 1982, cùng trú thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên – Huế) về việc phương tiện gặp nạn.

Khu vực Mũi Nghê, Bán đảo Sơn Trà - TP Đà Nẵng.

Theo trình báo, 2 cha con ông D.V.C từ Thừa Thiên – Huế vào Quảng Nam để mua ghe. Khi di chuyển trở ra, đến khu vực Mũi Nghê ở bán đảo Sơn Trà thì ghe chìm, 2 cha con mất tích.

Ngay sau đó, Đồn Biên phòng Sơn Trà huy động lực lượng, phối hợp với ngư dân địa phương để tìm kiếm tung tích nạn nhân.

Tuy nhiên, khu vực Mũi Nghê thường xuyên xuất hiện xoáy nước, sóng lớn, thời tiết diễn biến thất thường. Thời điểm phương tiện gặp nạn không có tàu thuyền lân cận để hỗ trợ. Phương tiện của 2 nạn nhân không khai báo với các trạm biên phòng nên công tác cứu hộ cứu nạn gặp nhiều khó khăn.

Vụ bé 6 tháng tuổi bị đánh dập não: Nạn nhân thương tích 99%

Ngày 15/1, nguồn tin từ Công an quận Bình Tân cho biết đang phối hợp cùng các đơn vị nghiệp vụ thuộc Công an TPHCM điều tra vụ bạo hành trẻ em xảy ra ở chung cư Lê Thành (phường Tân Tạo, quận Bình Tân).

Theo điều tra của cơ quan công an, do không có việc làm và để kiếm thêm thu nhập, bà Võ Thị Mỹ Linh (sinh năm 1993, thường trú huyện Tân Hưng, tỉnh Đồng Tháp. Nơi ở hiện nay: chung cư Lê Thành, phường Tân Tạo, quận Bình Tân) đã tự nhận giữ trẻ tại căn hộ đang sinh sống với chi phí từ 3-4 triệu đồng/cháu/tháng, thời gian từ 7 - 18h hàng ngày (trừ thứ bảy và chủ nhật).

Linh nhận giữ 4 trẻ em, trong đó 3 trẻ từ 1 - 2 tuổi và bé N.Đ.H.A (6 tháng tuổi).

Từ ngày 3/1 đến ngày 10/1, anh N.Đ.T (sinh sống tại chung cư Lê Thành, phường Tân Tạo, quận Bình Tân) là ba ruột bé A đã mang con đến căn hộ của Linh để nhờ chăm sóc trong thời gian vợ chồng anh T đi làm

Khoảng 12h ngày 10/1, bé A ngủ dậy liên tục quấy khóc và đi vệ sinh trong tã. Linh đặt bé A nằm trên một tấm chăn trải dưới nệm để thay tã. Tuy nhiên, bé vẫn liên tục quấy khóc, tay chân cử động làm Linh không thay tã được. Tức giận, nữ bảo mẫu dùng lòng bàn tay phải (phần gần cổ tay) đánh vào vùng đầu của bé hướng từ trên xuống khoảng 2 – 3 cái.

Bị đánh đau, bé A khóc nhiều hơn nhưng sau khi được bảo mẫu Linh thay tã, vệ sinh thì bé nín khóc.

Bé A hiện vẫn đang hôn mê sâu, tiên lượng xấu. (Ảnh: Gia đình cung cấp)

Bảo mẫu Linh đặt bé A nằm trên võng rồi đi hâm nóng sữa và cho bé bú sữa bình nhưng bé tiếp tục quấy khóc, không chịu uống sữa, thậm chí dùng lưỡi nhè ra. Nữ bảo mẫu tức giận tiếp tục dùng lòng bàn tay phải đánh từ trên xuống vào vùng đầu của bé H.A nhiều cái.

Bị đánh, bé A khóc nhiều hơn, khóc nấc, biểu hiện tím tái mặt và dần lịm đi nên Linh hoảng sợ vội gọi điện thoại cho chị P.T.N.A (mẹ ruột bé A), nói dối là bé bị té khi đang nằm võng.

Chị P.T.N.A đã đến nhà Linh đưa con đi cấp cứu tại bệnh viện Nhi đồng Thành phố (huyện Bình Chánh). Tại đây, gia đình bé A được bác sĩ cho biết cháu bé bị dập não, phải phẫu thuật gấp.

Phía bệnh viện cũng cho biết cháu bé có dấu hiệu bị đánh dẫn đến thương tích gây nguy hiểm đến tính mạng. Vì vậy, sau khi hội ý với gia đình cháu bé, bệnh viện đã gọi điện thoại thông báo vụ việc cho cơ quan Công an. Anh T (bố ruột bé A) đã đến Công an phường Tân Tạo (quận Bình Tân) trình báo vụ việc.

Tiếp nhận tin báo, cơ quan Công an đã mời bảo mẫu Võ Thị Mỹ Linh đến làm việc. Tại cơ quan Công an, Linh thừa nhận toàn bộ hành vi dùng bàn tay phải đánh bé A.

Bảo mẫu này còn khai nhận bản thân từng nuôi con nhỏ nên hiểu rõ vùng đầu của trẻ mới 6 tháng tuổi như bé A rất dễ bị tổn thương và đánh vào vùng đầu sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng của bé A.

Bảo mẫu Linh thừa nhận, do tức giận nhất thời, không kiềm chế được hành động của bản thân nên đã đánh bé A và tỏ ra rất hối hận.

Công an quận Bình Tân đã phối hợp với Trung tâm Pháp y TPHCM tiến hành giám định thương tích của bé N.Đ.H.A. Kết quả giám định sơ bộ thương tích của bé là 99%. Sau khi phẫu thuật não, nạn nhân vẫn hôn mê sâu, tiên lượng xấu.

Căn cứ tài liệu, chứng cứ thu thập được, cơ quan CSĐT Công an quận Bình Tân (TPHCM) xác định Võ Thị Mỹ Linh đã có hành vi dùng tay đánh nhiều cái vào vùng đầu là vùng nguy hiểm đối với bé A mới 6 tháng tuổi, dẫn đến tỷ lệ thương tích 99%, tiên lượng xấu. Hành vi của bà Linh có dấu hiệu phạm tội “Giết người” quy định tại Điều 123 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

Xét thấy cần áp dụng biện pháp ngăn chặn để điều tra Công an quận Bình Tân đã ra "Lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp" đối với bảo mẫu Võ Thị Mỹ Linh. Lệnh bắt giữ này đã được Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp phê chuẩn.