Tin vui: 62 bệnh, nhóm bệnh được 100% mức hưởng BHYT khi vượt tuyến

Trong danh sách, nhiều nhất là các bệnh lý về u ác tính, rối loạn chuyển hóa, dị tật bẩm sinh...
thu-tuc-chuyen-tuyen-kham-chua-benh-1701866197078723855309-1735803294.jpg
Ảnh minh họa.

Từ năm 2024 về trước, người mắc một số bệnh hiểm nghèo, bệnh nặng, bệnh cần sử dụng kỹ thuật cao muốn lên tuyến trên (không phải nơi đăng ký BHYT ban đầu) phải đi theo trình tự là lấy giấy chuyển tuyến trong năm từ cơ sở y tế tuyến dưới lên cơ sở tuyến trên đủ năng lực điều trị.

Bộ Y tế đánh giá việc bỏ thủ tục chuyển tuyến này sẽ giúp giảm thủ tục, tạo thuận lợi, giảm chi tiền túi cho người dân, tiết kiệm chi phí cho Quỹ BHYT.

Bộ Y tế ngày 1/1 ban hành Thông tư số 1 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế. Điểm đáng chú ý trong Thông tư này là danh mục một số bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo, bệnh cần phẫu thuật hoặc sử dụng kỹ thuật cao được 100% mức hưởng (theo quy định tại Điểm a khoản 4 Điều 22 của Luật Bảo hiểm y tế) khi đi khám chữa bệnh tại cấp chuyên sâu, VietNamNet đưa tin.

Danh mục này gồm 62 tên bệnh, nhóm bệnh và các trường hợp, kèm theo mã ICD-10 và tình trạng, điều kiện được hưởng. Theo Bộ Y tế, người tham gia BHYT thuộc trường hợp quy định trong danh mục này không phải thực hiện quy định về chuyển cơ sở khám chữa bệnh. Trong danh sách, nhiều nhất là các bệnh lý về u ác tính, rối loạn chuyển hóa, dị tật bẩm sinh...

Ví dụ, người mắc bệnh u ác tụy (mã C25), u ác tuyến ức (C37), u ác của mãng não (C70), u ác của não (C71), đái tháo đường sơ sinh (P70.2)... được hưởng quyền lợi ngay trong lượt khám chữa bệnh có kết quả chẩn đoán xác định mắc bệnh.

Bệnh nhân suy tim đã có kết luận chẩn đoán giai đoạn 3, giai đoạn 4 cũng được lên thẳng cấp chuyên sâu.

Người mắc các bệnh trong nhóm u ác tính (có mã từ C00 đến C97) có đủ 2 điều kiện sau đây sẽ được lên thẳng cấp chuyên sâu mà không cần làm thủ tục chuyển tuyến theo quy định (còn gọi là vượt tuyến):

- Người dưới 18 tuổi.

- Không áp dụng đối với trường hợp đã được chẩn đoán xác định nhưng không có chỉ định điều trị đặc hiệu.

Với bệnh lý đái tháo đường, bệnh nhân để được lên thẳng cấp chuyên sâu phải đáp ứng một số điều kiện.

Đơn cử, người bệnh phụ thuộc insuline (mã E10.7) có biến chứng loét bàn chân độ 2 hoặc có bệnh thận mạn giai đoạn 3 trở lên hoặc có ít nhất 2 trong số các biến chứng: tim mạch, mắt, thần kinh, mạch máu.

Bệnh nhân không phụ thuộc insuline (mã E11.7) có biến chứng loét bàn chân độ 2 hoặc có bệnh thận mạn giai đoạn 3 trở lên.

Người tham gia BHYT được hưởng quyền lợi sau khi đã được chẩn đoán xác định mắc bệnh thuộc danh mục 62 bệnh, nhóm bệnh trên đây.

Theo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh hiện hành, hệ thống khám chữa bệnh được chia thành 3 cấp chuyên môn: Ban đầu - Cơ bản - Chuyên sâu (thay vì 4 tuyến trung ương - tỉnh - huyện - xã).

Năm 2024, Bộ Y tế đã hướng dẫn xếp cấp chuyên môn, kỹ thuật với các cơ sở. Trong đó, bệnh viện cấp chuyên sâu thường là bệnh viện tuyến Trung ương (như Bệnh viện Bạch Mai, K, E, Việt Đức, Da liễu...), một số bệnh viện cấp tỉnh (như Quảng Ninh có cơ sở gồm: Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí, Đa khoa tỉnh và Bãi Cháy).

 

Bảo Vy (t/h)