Lao động ở nước ngoài giảm mạnh do covid-19
Ngày 15/1, tại quận Đồ Sơn, TP.Hải Phòng, văn phòng Thường trực về Nhân quyền của Chính phủ đã tổ chức hội thảo bảo đảm quyền của người lao động Việt Nam di cư.
Tại hội thảo, Phó cục trưởng cục Quản lý người lao động ngoài nước Nguyễn Gia Liêm cho biết, số lượng người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài tăng đều hàng năm. Đặc biệt trong 5 năm gần đây, mỗi năm tăng thêm khoảng 10.000 người, năm 2016 là 126 nghìn người; năm 2017 là 135 nghìn người; năm 2018 có khoảng 143 nghìn người; năm 2019 có 152 nghìn người. Riêng 2020, do ảnh hưởng của đại dịch covid-19, số lượng người lao động đi làm việc ở nước ngoài giảm xuống còn hơn 78 nghìn.
Cùng với số lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài tăng lên, số lượng người lao động Việt Nam hiện đang làm việc tại các thị trường lao động ngoài nước cũng tăng lên đáng kể, từ khoảng 500 nghìn người những năm 2010 đến nay tăng lên khoảng 580 nghìn người. Người lao độngViệt Nam đi làm việc ở nước ngoài chủ yếu trong các lĩnh vực xây dựng, sản xuất chế tạo, giúp việc gia đình, chăm sóc người già, người bệnh, nông nghiệp, thủy sản,... ở các thị trường chính như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Trung Đông, Malaysia...
Trong đó, phần lớn người lao động đi làm việc ở các thị trường khu vực Đông Bắc Á là những thị trường có thu nhập khá cao, khoảng 1.200 - 1.400 USD/tháng ở Hàn Quốc, Nhật Bản; 700 - 800 USD/tháng ở Đài Loan, châu Âu; 400 - 600 USD/tháng ở thị trường Trung Đông, châu Phi và Malaysia.
Quang cảnh buổi hội thảo bảo đảm quyền của người lao động Việt Nam di cư.
Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài được các quốc gia tiếp nhận, người sử dụng lao động đánh giá tốt: khéo tay, cần cù, khả năng nắm bắt công việc nhanh, ham học hỏi, sáng tạo, năng động, làm việc năng suất, chất lượng. Lượng kiều hối do người lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài chuyển về trong nước hàng năm ước đạt từ 3 – 4 tỷ đô la Mỹ.
Theo đánh giá chung, trong bối cảnh tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với các nước và các khu vực trên thế giới, sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, cũng như tình hình dịch bệnh hiện nay và nguy cơ tiềm ẩn khoảng hoảng kinh tế, chính trị trên thế giới ảnh hưởng đến lĩnh vực người lao động đi làm việc ở nước ngoài, dự kiến năm 2021 kế hoạch khoảng 90.000 người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Những năm tiếp theo, khi tình hình ổn định có khoảng 120 – 150 nghìn người lao động đi làm việc ở nước ngoài hàng năm.
“Nóng” hoạt động mua bán người với lao động Việt Nam di cư
Theo báo cáo của cơ quan phòng, chống tội phạm và ma túy Liên hợp quốc (UNODC), trên thế giới có khoảng 244 triệu người di cư và vẫn tiếp tục tăng lên do ảnh hưởng của khủng bố, xung đột, bạo lực…, nhiều người trong số đó trở thành nạn nhân của khoảng 510 đường dây mua bán người trên thế giới.
Khu vực các nước Tiểu vùng sông Mê- Kông, trong đó có Việt Nam vẫn được đánh giá là điểm nóng của tình trạng mua bán người, di cư bất hợp pháp. Ước tính lợi nhuận từ hoạt động mua bán người tại khu vực lên tới hàng chục tỷ đô la/năm.
Chia sẻ về tình hình hoạt động tội phạm mua bán người tại Việt Nam, Thượng tá Cao Quốc Việt, cục Cảnh sát Hình sự, bộ Công an cho biết, giai đoạn 2016 - 2020, toàn quốc đã phát hiện xảy ra 1.266 vụ, với 1.690 đối tượng, lừa bán 2.956 nạn nhân.
Thượng tá Cao Quốc Việt: Tình trạng tội phạm mua bán người qua con đường lao động di cư vẫn diễn ra hết sức nóng bỏng.
Trong đó, tại các tuyến biên giới, các đối tượng hình thành nhiều đường dây, băng nhóm liên tỉnh, xuyên quốc gia với tính chất, thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, để lừa bán ép hoạt động mại dâm, bán làm vợ, đẻ thuê…, trong đó sang Trung Quốc (chiếm trên 75%), sang Lào và Campuchia (chiếm 11%), còn lại là đưa sang các nước khác thông qua đường hàng không và đường biển.
“Các đối tượng lợi dụng khó khăn về kinh tế, sự nhẹ dạ cả tin, mất cảnh giác hoặc tục lệ cưới hỏi của đồng bào dân tộc ít người để lừa phụ nữ bán sang Trung Quốc tại các tỉnh miền núi phía Bắc; hoặc lừa gạt, dụ dỗ phụ nữ có thai ngoài ý muốn, phụ nữ có thai nhưng hoàn cảnh gia đình khó khăn xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc sinh con, sau đó bán trẻ sơ sinh.
Tình trạng mua bán trẻ em, nhất là học sinh các trường dân tộc nội trú diễn biến phức tạp. Các đối tượng lợi dụng sự quản lý lỏng lẻo của gia đình, nhà trường; thông qua các trang mạng xã hội, tiếp cận, rủ rê, lôi kéo đi du lịch, mua tặng quà, làm thuê thu nhập cao, lừa nhiều em gái ở các tỉnh đưa về thành phố bán cho nhà hàng, quán karaoke hoặc massage ở các khu du lịch, khu công nghiệp hoặc ven tuyến quốc lộ để tổ chức hoạt động mại dâm, cưỡng bức lao động, cho vay nặng lãi...; hoặc giả danh là cán bộ công an, bộ đội biên phòng gọi điện tán tỉnh, làm quen nạn, giả vờ yêu đương, hứa hẹn tổ chức đám cưới, hẹn hò, rủ đi chơi hoặc khống chế, đe dọa nạn nhân, sau đó bán ra nước ngoài”, Thượng tá Việt nói.
Vẫn theo Thượng tá Việt, đối tượng phạm tội rất lưu manh chuyên nghiệp, có tiền án, tiền sự về tội mua bán người; móc nối, cấu kết với cò mồi, môi giới người Việt Nam, dẫn dắt hình thành những đường dây mua bán người xuyên quốc gia. Trong khi đó, nạn nhân thường tập trung ở những vùng nông thôn, miền núi, nhất là vùng sâu, vùng xa, đa phần không có việc làm, thiếu hiểu biết về xã hội và kỹ năng sống, nhẹ dạ cả tin.
Cần rà soát những bất cập để đảm bảo quyền lợi cho lao động di cư
Phó cục trưởng cục Phòng, chống tệ nạn xã hội, bộ LĐ-TB&XH, Nguyễn Thùy Dương cho hay, trước thực trạng tình hình mua bán người diễn biến phức tạp, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quan tâm, chỉ đạo sâu sát công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về.
Từ năm 2011 - 2015, lực lượng chức năng đã tổ chức giải cứu, tiếp nhận 5.359 nạn nhân. Ngành LĐ-TB&XH các địa phương đã tiếp nhận, hỗ trợ cho 2.213 nạn nhân bị mua bán có nhu cầu trở về hòa nhập cộng đồng. Giai đoạn 2016 - 2017, các đơn vị chức năng đã xác minh, giải cứu, tiếp nhận gần 3.500 trường hợp, trong đó, xác định 1.117 trường hợp là nạn nhân bị mua bán. Năm 2018 là 322; năm 2019 là 340 và năm 2020 là 115 nạn nhân.
Số lượng nạn nhân bị mua bán được tiếp nhận, hỗ trợ ban đầu tập trung đông tại một số tỉnh: Lào Cai, Hà Giang, Quảng Ninh, Nghệ An, Lạng Sơn, Lai Châu, Sơn La, Nam Định, Thừa Thiên Huế, Hậu Giang, Vĩnh Phúc, An Giang, Kiên Giang... 100% nạn nhân bị mua bán, sau khi tiếp nhận được lực lượng chức năng gồm Công an, Bộ đội Biên phòng, chính quyền địa phương phối hợp bảo vệ, tổ chức bàn giao, cung cấp thông tin và thực hiện dịch vụ hỗ trợ, để nạn nhân nhanh chóng tái hòa nhập cộng đồng.
Hầu hết các trường hợp nạn nhân trở về chính thức, tự trở về hoặc được giải cứu đều nhận được sự hỗ trợ phù hợp: cung cấp nơi ăn nghỉ tạm thời, tư vấn tâm lý xã hội, đối với các trường hợp ốm đau, sức khỏe yếu được hỗ trợ chữa trị ban đầu; trợ cấp tiền tàu xe, tiền ăn khi trở về gia đình. Các nạn nhân cũng được hỗ trợ pháp lý (làm thủ tục về hộ khẩu, cấp chứng minh thư nhân dân, giấy khai sinh), học nghề, hỗ trợ việc làm, học văn hóa và bảo vệ nạn nhân tố giác tội phạm.
Bà Dương nhấn mạnh, khó khăn lớn nhất hiện đang gặp phải nằm ở tiêu chí xác định nạn nhân giữa Việt Nam và một số nước còn chưa thống nhất dẫn đến việc có trường hợp Việt Nam coi là nạn nhân nhưng phía nước ngoài không coi là nạn nhân và ngược lại.
Tại hội thảo, PGS Nguyễn Thanh Tuấn, nguyên Phó viện trưởng viện Quyền con người, cho rằng để bảo hộ lao động Việt Nam di cư ở nước ngoài, phải rà soát để có định hướng khắc phục những bất cập trong thực thi pháp luật đảm bảo quyền đối với lao động di cư tự do.
Ông cũng đề nghị thành lập cơ quan và đào tạo đội ngũ cán bộ chuyên trách có đủ năng lực, tận tụy và có tâm với người lao động di cư, thiết lập sự hợp tác chặt chẽ giữa Việt Nam với các quốc gia nhận và gửi lao động.