Tp.HCM: Đảm bảo cung ứng đầy đủ hàng hóa khi tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch

Thực hiện các biện pháp nâng cao phòng chống dịch, Tp.Hồ Chí Minh đảm bảo không thiếu hàng hóa và đang triển khai các kênh cung ứng phù hợp trong tình hình mới.

Đi chợ mỗi tuần một lần

Chiều 21/8, ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 của Tp.Hồ Chí Minh tổ chức họp báo để thông tin về việc triển khai các biện áp tăng cường giãn cách từ 0h ngày 23/8.

Tại các “vùng cam” (nguy cơ cao) và “vùng đỏ” (nguy cơ rất cao) đối với dịch Covid-19, tổ công tác đặc biệt của UBND phường, xã sẽ đi chợ giúp, người dân trả tiền với tần suất một tuần một lần.

Người dân tại các “vùng xanh”, an toàn với dịch Covid-19 sẽ được phát phiếu đi chợ. Mỗi hộ gia đình nhận 1 phiếu/tuần.

Tp.Hồ Chí Minh đã cung cấp cho các phường, xã gần 3.000 địa chỉ cung ứng hàng hoá thiết yếu. Trường hợp địa bàn thiếu hàng hoá, Thành phố sẽ đưa xe lưu động mang lương thực, thực phẩm tới để người dân mua sắm.

Trao đổi với Người Đưa Tin bên lề họp báo, ông Lê Huỳnh Minh Tú, Phó Giám đốc sở Công Thương Tp.Hồ Chí Minh nói: “Việc đi chợ như thế không thể thoái mái như tự đi chợ. Nhưng trong tình hình phức tạp, mong người dân thông cảm. Chính quyền đang cố gắng hỗ trợ tốt nhất có thể, mang hàng hóa đến cho người dân".

Tiêu dùng & Dư luận - Tp.HCM: Đảm bảo cung ứng đầy đủ hàng hóa khi tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch

Ông Lê Huỳnh Minh Tú, Phó Giám đốc sở Công Thương Tp.Hồ Chí Minh.

Trên địa bàn Tp.Hồ Chí Minh, các khu vực vùng xanh đang tích cực mở lại hoạt động cho chợ truyền thống theo tiêu chí phòng chống dịch chặt chẽ.

“Các nơi này chủ yếu bán hàng lương thực, thực phẩm và các mặt hàng phục vụ nhu cầu sinh hoạt cơ bản. Hoạt động của chợ phải giãn cách giữa các gian hàng, người đi mua đồ đi vào, đi ra theo 1 chiều khác nhau để đảm bảo phòng chống dịch”, ông Tú cho biết.

Đối với các vùng đỏ, vùng cam mà tổ công tác đi chợ thay người dân, lãnh đạo sở Công Thương Tp.Hồ Chí Minh đánh giá, các địa phương đang tổ chức khá tốt.

Hầu hết các hộ dân đã biết cách, họ lên danh sách cần mua với số lượng, mặt hàng cụ thể để tổ công tác hỗ trợ. Một số địa phương lập mẫu để người dân đánh dấu vào, xác định nhu cầu mua sắm nhanh hơn, tiện hơn.

“Thành phố không quy định cách tổ chức rập khuôn. Các quận, huyện có thể triển khai chủ động, triệt để, đảm bảo an toàn cho người dân an tâm phòng chống dịch”, ông Tú nhận định.

Không thiếu hàng hóa, chỉ lo ùn tắc người mua sắm

Tính đến ngày 21/8, Tp.Hồ Chí Minh có 194/234 chợ truyền thống ngưng hoạt động, đang hoạt động 40 chợ. Hệ thống cửa hàng tiện lợi ghi nhận 168/2.895 địa chỉ phải ngưng hoạt động. Các siêu thị vẫn đảm bảo an toàn khi chỉ có 9/106 siêu thị ngưng.

Trên cơ sở hướng dẫn của HCDC, khi phát hiện có liên quan đến ca bệnh, các cơ sở mua sắm phải cô lập những người có liên quan, đưa đi cách ly y tế, phun khử khuẩn và quay lại hoạt động với ekip mới, đảm bảo phục vụ nhu cầu cho người dân.

Qua nắm tình hình, đại diện sở Công Thương Tp.Hồ Chí Minh cho biết, các siêu thị đã chủ động tăng thêm lượng hàng nhập vào, đảm bảo hàng hóa đầy đủ phục vụ người dân.

Hệ thống Co.opmart, Co.opXtra, MM Mega Market cho biết đã tăng lượng rau củ quả gấp 3 lần. Hệ thống Aeon đã ngừng hoạt động bán hàng lưu động, tập trung toàn bộ hàng hóa cho các siêu thị và kiểm soát lượng khách vào mua sắm, chỉ tiếp nhận khách có phiếu mua hàng.

Tiêu dùng & Dư luận - Tp.HCM: Đảm bảo cung ứng đầy đủ hàng hóa khi tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch (Hình 2).

Hệ thống siêu thị, cửa hàng của Saigon Co.op đang nhanh chóng điều phối, bổ sung các mặt hàng thực phẩm tươi sống, thực phẩm khô...trước nhu cầu mua sắm tăng cao.

Ông Đinh Quang Khôi, Trưởng phòng Marketing MM Mega Market Việt Nam cho biết, trong chiều 20/8 và sáng 21/8, lượng khách hàng mua sắm khá đông khiến siêu thị phải tạm đóng cửa một khung giờ để chờ giãn khách mới phục vụ tiếp.

"Để phục vụ nhu cầu mua sắm, đơn vị đã tăng lượng đặt hàng, dự trữ các loại rau củ, quả tăng gấp 3 lần so với cao điểm thị trường hồi đầu tháng 7. Ngoài ra, đơn vị còn đẩy mạnh các hình thức bán hàng trực tuyến, cố gắng đưa hàng đến người tiêu dùng nhanh nhất có thể ", ông Đinh Quang Khôi cho biết.

Ông Nguyễn Tô Kiều Trinh, Giám đốc Vận hành VinMart miền Nam cho biết, đơn vị đã triển khai phân luồng, hướng dẫn người dân bảo đảm giãn cách khi vào các siêu thị của đơn vị.

Về hàng hóa, hệ thống VinMart chuẩn bị phương án tăng cường 300% các mặt hàng thịt, rau xanh, thực phẩm thiết yếu.

Tương tự, ông Đỗ Quốc Huy, Giám đốc kinh doanh Liên hiệp HTX Thương mại Tp.Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) cho biết, Saigon Co.op đã nhanh chóng điều phối, bổ sung các mặt hàng thực phẩm tươi sống, thực phẩm khô… ngay trong ngày 20/8.

Kế hoạch của Saigon Co.op là dự trữ càng nhiều càng tốt tại kho trung tâm và các kho hàng tại từng quận, huyện và Tp.Thủ Đức để đảm bảo tốt nguồn cung hàng hóa cho người dân trong khu vực.

Đại diện các siêu thị cũng cho biết thêm, nguồn hàng từ các tỉnh, thành có thể cung ứng cho Tp. Hồ Chí Minh đang rất dồi dào nhưng khâu vận chuyển còn gặp khó khăn do Tp. Hồ Chí Minh cùng nhiều địa phương khác đang thực hiện giãn cách xã hội.

 

Nguyễn Thành NhânNgười Đưa Tin Pháp Luật