“Giả thành thật”
Trong cuộc sống vợ chồng không thể không tránh khỏi đôi lúc có xô xát, mâu thuẫn, cứ mỗi lần như vậy, chị Nguyễn Mai H. (38 tuổi, ở Đông Anh, Hà Nội) lại chìa ra tờ giấy ly hôn, yêu cầu anh Trần Hải N. (chồng chị H.) ký tên vào. Sau 7 lần chị H. viết đơn “dọa” chồng thì cuối năm 2015, anh N. dắt vợ ra tòa xin ly hôn thật. Thay vì vun vén cho con trẻ, lúc này, hai bên thông gia cũng xảy ra “đại chiến”.
Lý do anh N. trình bày trong đơn xin ly hôn gửi tới tòa huyện Đông Anh trình bày rằng, chị H. kết hôn với anh nhưng lúc nào cũng vương vấn tình cũ; cứ mỗi lần vợ chồng mâu thuần, người vợ lại viết đơn ly hôn. Đến ngày 25/9/2015, đỉnh điểm của mâu thuẫn, anh N. trả vợ về nơi sản xuất để gia đình ngoại dạy dỗ lại con gái. “Đến nay, xác định mâu thuẫn vợ chồng đã trầm trọng trong thời gian dài, không còn khả năng đoàn tụ, tôi không yêu thương H. nữa, kiên quyết xin ly hôn”. Lời anh N.
Trong khi chị H. một mực khẳng định, vợ chồng chị không có mâu thuẫn gì, vẫn yêu thương nhau. Anh N. đòi ly hôn là do tác động của mẹ anh và gia đình nên chị H. không đồng ý ly hôn.
Sau nhiều lần hòa giải và cuối cùng phán quyết của tòa huyện “đường ai nấy đi” là kết quả sau những lần dọa viết đơn ly hôn từ giả mà lại thành thật. Không đồng ý với phán quyết này, chị H. đã có đơn kháng cáo gửi lên cấp cao hơn mong muốn được nối lại tình cảm.
Níu kéo không thành
Một buổi sáng cuối tháng tư năm 2016, chị H. gặp lại chồng sau nhiều tháng ngày xa cách, sắc mặt anh N. vẫn lạnh lùng, kiên quyết như ngày đầu ra tòa; trong khi bản thân người vợ luôn tha thiết được hàn gắn, quay trở về với anh N.
Không khí tại phiên xử phúc thẩm vụ án ly hôn càng thêm căng thẳng khi cả hai bà thông gia cũng có mặt.
Được quyền trình bày, trước HĐXX cấp phúc thẩm, chị H. vẫn bảo lưu quan điểm của mình rằng anh N. ly hôn do mẹ anh tác động. Hé lộ lý do mẹ chồng không ưa nàng dâu, theo lời chị H., mẹ chồng chị là hiệu trưởng của một trường mầm non. Thấy con dâu làm công việc kế toán vừa vất vả, thu nhập thấp nên bà muốn con dâu bỏ nghề theo nghiệp mẹ chồng. Lúc đầu chị không đồng ý, khiến mâu thuẫn mẹ chồng nàng dâu mỗi ngày một dày thêm. Từ đó, cuộc sống hôn nhân của chị cũng lục đục, không khí vợ chồng lúc nào cũng trong tình trạng ngột ngạt, căng thẳng.
Cũng thử hy sinh công việc mình yêu thích để chuyển sang đi học mầm non, nhưng quả thực chị H. không thích hợp với nghề trông trẻ.
Là những người làm cha làm mẹ, nay thấy các con sống không hạnh phúc, đã chẳng vun vén, họ lại còn “đổ thêm dầu vào lửa”. Nghe con gái trình bày trong hai hàng nước mặt, mẹ chị H. xác định, giữa hai gia đình thông gia không còn tình cảm gì, vợ chồng H. không thể chung sống với nhau. Trong khi đó, mẹ anh N. ép con trai phải chọn giữa mẹ và vợ...
Mặc cho chị H. cố gắng níu kéo thế nào, nhưng trước thái độ kiên quyết dứt tình của người chồng, vị thẩm phán quay sang chị H và nói: “Vợ chồng cốt ở cái tình cảm. Tòa chấp nhận kháng cáo, nhưng liệu anh L. có còn tình cảm với chị được không?”. Nghe đến đây, người vợ chỉ im lặng.
Căn cứ vào diễn biến phiên tòa và tình hình thực tế, cuối cùng, HĐXX cấp phúc thẩm bác đơn kháng cáo của người vợ. Sau tiếng bế mạc phiên tòa của vị Chủ tọa, anh N. và mẹ rảo bước nhanh ra khỏi phòng xử bỏ mặc lại chị H. ngồi thẫn thờ với hai hàng nước mắt rơi.