Trẹo chân khi bế cháu, người phụ nữ phải cắt cụt chân vì sai lầm nhiều người mắc

Người phụ nữ trong lúc bế cháu bị trẹo chân, nhưng lười không đi khám vì Tết dẫn đến phải cắt cụt 2 chân.

Người phụ nữ trong lúc bế cháu bị trẹo chân, nhưng lười không đi khám vì Tết dẫn đến phải cắt cụt 2 chân.

Bác sĩ Lê Văn Thiệu, Khoa Nhiễm khuẩn Tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, mới đây bác sĩ vừa tiếp nhận trường hợp bệnh nhân 55 tuổi phải cắt cụt 2 chân vì hoại tử nặng.

Khai thác bệnh sử, được biết bệnh nhân mới phát hiện tiểu đường. Trước Tết nữ bệnh nhân trong lúc bế cháu có bị trẹo chân trái.

Sau khi chấn thương, bệnh nhân tự ý tiêm loại thuốc không rõ nhãn hiệu để điều trị. Tuy nhiên, chân trái bệnh nhân tiếp tục xuất hiện tình trạng viêm.

Vì thời điểm mắc bệnh xảy ra trong kỳ nghỉ Tết, người phụ nữ này không đi khám mà tiếp tục điều trị thuốc tại nhà. Thời gian gần đây, tình trạng tổn thương nặng hơn, kèm đó là việc hoại tử 2 bên chân buộc bệnh nhân phải nhập viện.

Sức khoẻ - Làm đẹp - Trẹo chân khi bế cháu, người phụ nữ phải cắt cụt chân vì sai lầm nhiều người mắc Tự ý dùng thuốc không rõ nguồn gốc khiến người phụ nữ mắc sai lầm

“Khi đến viện tình trạng hoại tử ở 2 chân của bệnh nhân đã vô cùng nặng, nên chúng tôi chỉ định cắt 2 chân để bảo toàn phần còn lại.

Nguyên nhân có thể là do bệnh nhân bị viêm mô mềm một bên chân sau đó làm khởi phát các rối loạn khác, đặc biệt là rối loạn đông máu gây tắc mạch chi. Bản thân tình trạng viêm, phù nề cũng gây chèn ép tắc mạch chi dẫn đến hoại tử chi.

Ngoài ra, chính quá trình rối loạn đông máu khởi phát dẫn đến gây tắc mạch chi 2 bên dần dẫn đến viêm hoại tử hai bên chân", BS Thiệu phân tích.

XEM THÊM: Vụ chung cư mini nứt toác cột bê tông ở Hà Nội: Chủ đầu tư phải sửa chữa, gia cố công trình

Cũng theo vị bác sĩ, viêm mô mềm là tình trạng viêm nhiễm thường gặp, thường do vi khuẩn gây ra. Vùng mô mềm bị tổn thương sưng, nóng, đỏ, đau. Vùng tổn thương có thể khu trú tại một nơi, hoặc tiến triển lan tỏa, thậm chí gây hoại tử mô cơ. Người có các tình trạng nặng có thể tiến triển đến sốc, nguy cơ ảnh hưởng tính mạng.

Sức khoẻ - Làm đẹp - Trẹo chân khi bế cháu, người phụ nữ phải cắt cụt chân vì sai lầm nhiều người mắc (Hình 2). Sai lầm khi không đi khám kịp thời khiến người phụ nữ phải cắt cụt 2 chân

Các vi khuẩn gây viêm mô mềm hay gặp là tụ cầu, liên cầu. Các vi khuẩn này thường cư trú trên bề mặt da. Dưới tác động của các sự thay đổi cơ thể như xước tay chân, nhiễm bẩn, các vi khuẩn này xâm nhập mô mềm gây bệnh tại chỗ.

Người có các bệnh lý nền như đái tháo đường, gút, suy giảm miễn dịch, thường có nguy cơ cao bị viêm mô mềm. Căn nguyên viêm mô mềm phụ thuộc từng đối tượng. Căn nguyên thay đổi ở các nhóm người có bệnh lý nền, nghề nghiệp, tuổi tác. Bệnh cảnh lâm sàng thay đổi theo từng căn nguyên khác nhau.

Theo BS Thiệu, việc cắt cụt chi là biện pháp để điều trị vùng chi tổn thương bị hoại tử. Bản thân phần hoại tử giải phóng độc tố vào máu và các vi khuẩn.

Ngoài ra, việc cắt bỏ phần hoại tử cũng kích thích tân tạo tế bào phục vụ cho quá trình liền vết thương. Bên cạnh đó, các bác sĩ cũng kết hợp kháng sinh để điều trị tình trạng nhiễm trùng.

"Đây là câu chuyện rất đáng tiếc vì bệnh nhân chủ quan xử lý sai cách khi chỉ là vấn đề nhỏ dẫn đến tình trạng nghiêm trọng. Việc phải cắt cụt chi cũng sẽ ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân sau này", BS Thiệu nhấn mạnh.

Qua trường hợp của nữ bệnh nhân trên, BS Thiệu khuyến cáo người dân khi có bất kỳ dấu hiệu nào về sức khỏe thì cần đi khám ngay, không tự ý dùng thuốc không rõ nguồn gốc để tránh trường hợp tiền mất tật mang.

 

 

Mộc Trà/Đời sống pháp luật