Người Việt đón Trung Thu vào ngày rằm tháng 8 âm lịch. Trong dịp này, người dân làm cỗ cúng gia tiên, bày bánh trái ra sân cúng mặt trăng. Còn trẻ em rước đèn, đi xem múa lân và thưởng thức bánh kẹo.
Theo các nhà khảo cổ học, Trung Thu ở Việt Nam có từ thời xa xưa, được in trên mặt trống đồng Ngọc Lũ. Theo văn bia chùa Đọi năm 1121 từ đời nhà Lý, Trung Thu được chính thức tổ chức ở kinh thành Thăng Long với các hội đua thuyền, múa rối nước và rước đèn. Đến đời Lê - Trịnh thì Trung Thu được tổ chức xa hoa trong phủ Chúa.
Có nhiều truyền thuyết được lưu truyền trong dân gian về nguồn gốc ra đời của ngày Trung Thu như chuyện nhà vua dạo chơi cung trăng vào rằm tháng 8, sự tích chị Hằng Nga, sự tích chú Cuội, sự tích Thỏ Ngọc… Không chỉ ở Việt Nam, Trung Thu còn là ngày lễ của các quốc gia như Trung Quốc, Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc...
Vào ngày này, theo phong tục người Việt, người lớn thường chuẩn bị mâm cỗ dâng lên cúng tổ tiên, những người đã khuất. Sau đó, tất cả các thành viên trong gia đình quây quần bên nhau cùng phá cỗ, thưởng trăng. Người Việt cũng thường mượn dịp này để tỏ lòng hiếu kính với ông bà, cha mẹ bằng những món quà, lời thăm hỏi.
Người Việt tổ chức múa sư tử, múa lân, hát Trống Quân trong dịp Trung Thu. Trước đây, nam thanh, nữ tú hát Trống Quân để biểu diễn trong những đêm trăng rằm. Họ hát đối đáp với nhau vừa để vui chơi vừa để chọn bạn trăm năm.
Trung thu ban đầu là Tết của người lớn để thưởng thức cảnh đẹp thiên nhiên, ăn bánh, uống trà, ngắm trăng rằm vào giữa tiết Thu. Dần dần ngày này trở thành Tết thiếu nhi. Trẻ em các vùng miền trên cả nước được rước đèn, phá cỗ, xem múa lân, ngắm trăng… cùng bạn bè.
Theo quan niệm dân gian, Trung thu còn là dịp người dân ngắm trăng tiên đoán mùa màng. Nếu trăng thu màu vàng thì sẽ trúng mùa tằm tơ, màu xanh hay lục thì năm đó sẽ có thiên tai, mưa bão, nếu trăng thu màu cam trong sáng thì đất nước sẽ thịnh trị.