Trước khi rời sàn chứng khoán, Thép Đà Nẵng kinh doanh thế nào?

Trước khi bị huỷ tư cách công ty đại chúng, Thép Đà Nẵng đã có một khởi đầu năm 2021 khá thuận lợi với sự tăng tốc đáng kể về lợi nhuận.

Mới đây, sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) có thông báo về việc hủy đăng ký giao dịch đối với cổ phiếu của công ty Cổ phần Thép Đà Nẵng (Mã: DNS).

Theo đó, 21,6 triệu cổ phiếu DNS sẽ hủy đăng ký giao dịch trên UpCOM từ ngày 13/7, ngày giao dịch cuối cùng là 12/7. Theo thông báo, lý do hủy đăng ký giao dịch là Thép Đà Nẵng hủy tư cách công ty đại chúng.

Thép Đà Nẵng đưa gần 6 triệu cổ phiếu lên giao dịch trên UpCOM từ ngày 5/4/2010. Trong hơn 11 năm giao dịch trên thị trường chứng khoán, công ty có hai đợt tăng vốn điều lệ lên 216 tỷ đồng thông qua việc chia cổ tức bằng cổ phiếu (tỷ lệ 10%) và chào báo ưu đãi cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 2:1 với giá 10.000 đồng/cp.

Trước khi rời sàn chứng khoán, cổ phiếu DNS có nhịp tăng giá mạnh hơn 5 lần từ 10.000 đồng/cp vào giữa tháng 4 lên mức đỉnh 56.400 đồng/cp tại ngày 7/5. Mặc dù có 11 phiên tăng kịch trần liên tiếp, cổ phiếu DNS chủ giao dịch với khối lượng dưới 30.000 đơn vị mỗi phiên.

z-a-8005-1624806212.jpg

Việc hủy tư cách công ty đại chúng của Thép Đà Nẵng sẽ kèm theo việc cổ phiếu của doanh nghiệp này bị hủy giao dịch trên sàn chứng khoán.

Tại cuộc họp đại hội đồng cổ đông thường niên 2021, HĐQT Thép Đà Nẵng đã trình và được cổ đông thông qua việc hủy tư cách công ty đại chúng để phù hợp với quy mô hiện tại. Nguyên nhân là do tỷ lệ sở hữu của cổ đông lớn chiếm 97,15% số cổ phần có quyền biểu quyết, tỷ lệ sở hữu của các cổ đông khác chỉ chiếm 2,85% không đảm bảo điều kiện tối thiểu 10% theo quy định.

Thép Đà Nẵng có hai cổ đông lớn là công ty TNHH An Hưng Tường gần 66% vốn và tổng công ty Thép Việt Nam giữ 31% vốn.

Doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh phôi thép, thép xây dựng các loại, tôn mạ màu, xà gỗ, lưới thép, thép chế tạo thông dụng… và thực hiện các hợp đồng bán phôi thép cho hầu hết các công ty sản xuất thép và xuất khẩu cho các đối tác tại Philippines. Việc hủy tư cách công ty đại chúng sẽ kèm theo việc cổ phiếu của doanh nghiệp bị hủy giao dịch trên UpCOM.

Về tình hình kinh doanh, Thép Đà Nẵng ghi nhận lợi nhuận năm 2020 đạt 5,4 tỷ đồng, cải thiện so với số lỗ 46 tỷ đồng năm trước.

thep-da-nang-1624806244.png

Sang năm 2021, doanh nghiệp này đặt ra mục tiêu doanh thu 1.650 tỷ đồng và lãi trước thuế 45 tỷ đồng. Kết thúc quý I/2021, doanh thu thuần công ty đạt 406,2 tỷ đồng, tăng 42,3% so với cùng kỳ năm trước.

Nhờ sự tăng tốc của doanh thu, lợi nhuận gộp quý I/2021 đã có sự chuyển biến rõ rệt từ mức âm 1,3 tỷ đồng cùng kỳ năm trước lên mức dương 46,3 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế cũng đạt gần 40 tỷ đồng, khác biệt hoàn toàn so với kết quả âm 11,2 tỷ đồng trong quý I/2020.

Cũng như nhiều doanh nghiệp ngành thép khác, Thép Đà Nẵng cũng hưởng lợi từ việc giá thép tăng phi mã trong thời gian dài. Như vậy, sau một quý đầu năm, công ty thép miền Trung này đã đạt được khoảng 24,6% mục tiêu về doanh thu.

Mặc dù lãi lớn trong những tháng đầu năm 2021, nhưng Thép Đà Nẵng vẫn còn chồng chất khó khăn phía trước. Công ty vẫn bị âm dòng tiền kinh doanh khá lớn khi lưu chuyển tiền thuần trong hoạt động kinh doanh quý I/2021 âm tới 123,8 tỷ đồng, lớn hơn nhiều so với mức âm 14 tỷ đồng cách đó một năm.

Lý do dòng tiền kinh doanh âm lớn trong quý I/2021 là Thép Đà Nẵng phải tập trung tiền vào tích trữ hàng tồn kho, số tiền tăng thêm cho hàng tồn kho lên tới 122,7 tỷ đồng.

Thép Đà Nẵng hiện cũng không phải là doanh nghiệp có sức mạnh tài chính lớn để có thể chịu đựng được rủi ro nếu hàng tồn kho bị tồn quá lâu. Nợ phải trả của công ty ở mức cao hơn vốn chủ sở hữu, lần lượt là 340 tỷ và 224 tỷ đồng. Vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn có xu hướng tăng mạnh, từ mức 94,6 tỷ đồng lên 142,9 tỷ đồng (tăng 51%).

Các khoản phải thu ngắn hạn khách hàng tăng từ 84,4 tỷ đồng lên 135,4 tỷ đồng (tăng 60,4%). Đây cũng là một nguyên nhân đóng góp vào tình trạng dòng tiền âm trong quý I/2021 của doanh nghiệp này.

Theo Người Đưa Tin Pháp Luật