Một số trẻ có chỉ số thông minh cao thường có những hành vi rất lạ khi được 2-3 tuổi. Tuy nhiên, những hành vi này thường bị cha mẹ lầm tưởng là thói quen xấu, là trẻ hư. Nhưng trong mắt một số bác sĩ và chuyên gia nuôi dạy con cái, đây là dấu hiệu cho thấy trẻ có chỉ số IQ cao vượt trội.
1. Thích ném đồ đạc
Nếu để ý bạn sẽ thấy rằng một số em bé trong độ tuổi từ 2-3 tuổi rất thích ném đồ đạc. Mẹ nhặt lên món đồ nào là bé thích ném đi món đồ đó. Điều này khiến nhiều người mẹ cảm thấy tức giận. Thực ra, sở dĩ bé hay ném đồ như vậy là do bé đang nhận thức và nhận biết thế giới bằng đôi tay của mình.
Khi mới sinh, bé thường dùng miệng để nhận biết kích thước, kết cấu và hình dạng của đồ vật. Khi cơ thể phát triển, khi trẻ bắt đầu nhận thức thế giới bằng tay, trẻ bắt đầu thích ném đồ vật chứ không cố ý nghịch ngợm và làm phiền mẹ đâu.
Bé biết ném đồ không chỉ góp phần phát triển sức mạnh cánh tay, phối hợp tay mắt mà còn giúp thúc đẩy sự phát triển về nhận thức, tư duy, khả năng tập trung và quan sát của bé. Lúc này, cha mẹ không nên ngăn cản việc ném đồ của trẻ, hãy đặt cạnh bé những món đồ chơi không gây hại để bé có thể ném khi muốn.
2. Thích mút tay
Bé khoảng 2 tuổi có thói quen mút tay. Tuy nhiên, nhiều mẹ lo lắng bé sẽ nuốt phải vi khuẩn, vi rút trên tay. Mỗi khi thấy bé mút tay, nhiều mẹ sẽ la mắng và không muốn cho trẻ mút tay nữa. Thực tế, việc các bé ở độ tuổi này thích mút tay không phải là điều xấu mà là một điều tốt.
Não bộ của bé ở tuổi này cần được kích thích nhiều hơn. Việc bé đưa tay vào miệng là dấu hiệu cho thấy sự phát triển nâng cao của hệ giác quan và hệ vận động, đồng thời là dấu mốc quan trọng trong quá trình phát triển. Ngoài ra, việc bé tự tay xúc ăn cũng là cách thể hiện sự phát triển nhận thức của bản thân bé. Nếu sau 4 tuổi mà bé vẫn mút tay thì mẹ mới cần chấn chỉnh.
3. Không thích đi giày
Nhiều em bé rất thích đi chân trần và không thích đi giày. Bé không thích đi giày vào mùa hè và cũng không thích đi tất vào mùa đông. Nhiều bậc cha mẹ lo rằng con mình sẽ bị cảm lạnh. Trên thực tế thì không phải như thế.
Bàn chân của con người có vô số kinh mạch và huyệt đạo. Đầu tiên, đi chân đất sẽ tăng kích thích bàn chân giúp dẫn truyền thông tin giữa thần kinh thị giác, thần kinh xúc giác và não bộ. Thứ hai, đi chân trần khiến bé nhạy cảm hơn với mặt đất, giúp điều chỉnh nhịp độ, do đó các động tác phối hợp nhịp nhàng hơn và bước đi vững vàng hơn.
4. Xé giấy
Xé giấy cũng là một bài tập IQ của trẻ. Mẹ biết không, hành vi xé giấy của bé tuy khiến bố mẹ hoang mang, giận dữ nhưng lại thể hiện được sức bền, sự dẻo dai cho cơ tay của bé và còn thúc đẩy sự phát triển trí tuệ.
5. Nói chuyện với chính mình
Một số em bé thường thích nói chuyện với chính mình khi chúng đang chơi trò chơi. Đôi khi, bé vừa lau nước mắt cho búp bê vừa nói: “Em ơi, đừng khóc, có chị đây rồi." Đây chính là cách để bé chơi trò chơi bằng tư duy và logic của mình. Trong quá trình chơi trò chơi này, bé sẽ rất phát huy trí tưởng tượng và khả năng logic của bé.
6. Sợ người lạ
Khi người thân và bạn bè đến nhà, nhiều phụ huynh sẽ nhắc bé chào khách đến chơi. Nhưng một số bé không chào khách mà còn quấy khóc. Thực tế, lúc này bé đã cho thấy được khả năng phân biệt đâu là người thân, đâu là người lạ. Đây là phản ứng bình thường chứng tỏ bé có khả năng tự bảo vệ mình.
Theo Emdep.vn