Trường hợp nào phải quyết toán thuế thu nhập cá nhân năm 2022?

Những cá nhân không có người phụ thuộc, có tổng thu nhập trên 11 triệu đồng/tháng thì phải nộp thuế TNCN.

Theo quy định hiện hành, cá nhân không có người phụ thuộc khi có tổng thu nhập từ tiền lương, tiền công trên 11 triệu đồng/tháng thì phải nộp thuế thu nhập cá nhân (TNCN).

nop thue thu nhap ca nhan dspl

Cá nhân không có người phụ thuộc, có tổng thu nhập trên 11 triệu đồng/tháng thì phải nộp thuế TNCN. Ảnh minh họa

Thu nhập tính thuế trên đây là thu nhập từ tiền lương, tiền công đã trừ các khoản sau: Các đóng bảo hiểm, quỹ hưu trí tự nguyện, đóng góp từ thiện, khuyến học, nhân đạo; Thu nhập được miễn thuế TNCN; Các khoản không tính thuế như một số khoản phụ cấp, trợ cấp…

Theo quy định hiện nay, các đối tượng sau phải quyết toán thuế TNCN bao gồm: Tổ chức, cá nhân trả thu nhập từ tiền lương, tiền công; Cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công ủy quyền quyết toán thuế cho tổ chức, cá nhân trả thu nhập; Cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công.

Với tổ chức, cá nhân trả thu nhập từ tiền lương, tiền công cho người lao động có trách nhiệm khai quyết toán thuế TNCN (không phân biệt có phát sinh khấu trừ thuế hay không) và quyết toán thuế TNCN thay cho cá nhân có ủy quyền.

Nếu cá nhân có số thuế phải nộp thêm sau khi quyết toán từ 50.000 đồng trở xuống, thuộc diện được miễn thì tổ chức được ủy quyền quyết toán hộ vẫn phải kê khai thông tin này vào hồ sơ.

Trường hợp tổ chức hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp… khiến người lao động chuyển đến tổ chức mới thì tổ chức mới phải quyết toán theo ủy quyền của cá nhân đối với cả phần thu nhập phát sinh tại tổ chức cũ.

Các nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công ủy quyền quyết toán cho tổ chức, cá nhân trả thu nhập thì thời hạn phải quyết toán thuế chậm nhất là 31/3/2022.

Trường hợp trực tiếp đi quyết toán thuế thì thời hạn quyết toán chậm nhất là 30/4/2022.

Trong những ngày qua, một số ý kiến cho rằng, Chính phủ nên có chính sách giảm thuế thu nhập cá nhân cho người làm công ăn lương. Đây không phải là vấn đề mới, những ý kiến này đã được đưa ra sau mỗi chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh được ban hành. Do dịch bệnh, người làm công ăn lương cũng bị giảm thu nhập; các chính sách hỗ trợ chưa quan tâm đến người làm công ăn lương.

Liên quan đến vấn đề này, Tổng cục Thuế cho biết, theo quy định của pháp luật thuế TNCN hiện hành, thu nhập làm căn cứ tính thuế là thu nhập người lao động thực nhận sau khi đã tính các khoản giảm trừ gia cảnh, các khoản đóng góp bảo hiểm bắt buộc, các khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo theo quy định.

Do đó, nếu giảm thuế TNCN cho người làm công ăn lương thì đối tượng được hưởng sẽ chủ yếu rơi vào nhóm có thu nhập nhập cao. Điều này không đúng với mục tiêu hỗ trợ khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, bởi vì số thuế từ nhóm cá nhân có thu nhập cao chiếm 87% trong tổng số thu từ thuế TNCN đối với tiền lương, tiền công.

“Với những người lao động gặp khó khăn do bị mất việc làm, bị giảm sút thu nhập… thì việc giảm thuế không có ý nghĩa do thu nhập của họ chưa đến ngưỡng nộp thuế. Với những đối tượng này, các chính sách chi ngân sách để đảm bảo an sinh xã hội mới thực sự có ý nghĩa”, PGS. TS Lê Xuân Trường- - Trưởng khoa Thuế - Hải quan (Học viện Tài chính)  chia sẻ với Thời báo Tài chính Việt Nam.