Tư vấn pháp luật: Di sản không có di chúc sẽ được phân chia như thế nào?

Phần đất di sản của người đã mất sẽ được phân chia như thế nào trong trường hợp không có di chúc để lại ?

Bạn đọc P.T.H. ở Lào Cai hỏi:

“Ông bà Nội tôi qua đời để lại di sản là mảnh đất 1.000 m2 mà không có di chúc. Ông bà sinh ra được 3 người con: 2 trai, 1 gái. Bố tôi là con cả, đã có nhà riêng; cô út sống và làm việc tại Hà Nội, chú thứ 2 đang sinh sống và sử dụng mảnh đất nêu trên.

Tôi muốn hỏi đất thừa kế chưa phân chia thì ai có quyền sử dụng? Bố tôi cần làm gì nếu muốn yêu cầu chia tài sản thừa kế?

ls-ha-1737044001.jpg
Luật sư Hoàng Văn Hà – Công ty Luật ARC Hà Nội.

Dựa trên thông tin bạn đọc cung cấp, luật sư Hoàng Văn Hà – Công ty Luật ARC Hà Nội tư vấn như sau:

Đầu tiên, gia đình nên có sự thỏa thuận giữa những đồng thừa kế: 3 người con của người đã mất. Những người này có quyền thỏa thuận phân chia di sản.

Sau đó, cần phải lập văn bản thỏa thuận phân chia di sản, có chữ ký của tất cả đồng thừa kế. Văn bản này cần được công chứng tại Văn phòng Công chứng nơi có bất động sản hoặc nơi cư trú của người để lại di sản.

Sau khi hiệp thành thỏa thuận, đồng thừa kế có thể thực hiện thủ tục sang tên quyền sử dụng đất tại cơ quan đăng ký đất đai.

“Quy trình trên dựa theo Điều 57 Luật Công chứng 2014 và Điều 656 Bộ luật Dân sự 2015” – Luật sư Hà nói.

Với trường hợp không đạt thành thỏa thuận, di sản của người đã mất được phân chia theo Điều 651 Bộ luật Dân sự 2015. Theo đó, hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết; những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.

Trong trường hợp cụ thể của bạn đọc P.T.H., hàng thừa kế thứ nhất bao gồm 3 người con của người đã mất. Di sản là mảnh đất 1.000 m² sẽ được chia làm 3 phần, mỗi người được 1/3.

Bên cạnh đó, theo quy định tại Điều 218 Bộ luật Dân sự 2015: tài sản chưa phân chia thuộc sở hữu chung của các đồng thừa kế; mọi giao dịch liên quan đến tài sản cần có sự đồng ý của tất cả đồng thừa kế. Do đó, hiện chú anh H. đang sử dụng mảnh đất, nhưng việc này không đồng nghĩa với việc đó là chủ sở hữu hợp pháp. Các đồng thừa kế khác (bố và cô anh H.) vẫn có quyền yêu cầu chia phần di sản của mình.

thua-ke-12-1737044047.jpg
Ảnh minh họa.

Trong trường hợp cần sự phán quyết của Tòa án, bố anh H. (hoặc cô anh H.) có thể khởi kiện. Hồ sơ cần chuẩn bị bao gồm: đơn khởi kiện yêu cầu chia thừa kế (theo mẫu); giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của mảnh đất 1.000 m² (nếu có); giấy chứng tử của ông bà nội; giấy tờ chứng minh quan hệ giữa ông bà nội với các đồng thừa kế; các tài liệu, chứng cứ khác (nếu có tranh chấp liên quan).

Người khởi kiện nộp hồ sơ khởi kiện tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền (Tòa án nơi có mảnh đất). Sau khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Tòa án sẽ ra thông báo nộp tiền tạm ứng án phí. Tòa án sẽ tổ chức hòa giải để các bên tự thỏa thuận. Nếu hòa giải thành, vụ án kết thúc.

Nếu hòa giải không thành, Tòa án sẽ mở phiên xét xử sơ thẩm để phân chia thừa kế theo pháp luật.

“Bố ông H. nên cân nhắc việc thỏa thuận với các đồng thừa kế trước khi khởi kiện để tiết kiệm thời gian và chi phí” – đại diện Công ty Luật ARC Hà Nội nhấn mạnh.

Giải đáp thắc mắc, tư vấn pháp luật miễn phí: 0941.645.680 

Hoặc gửi về email: toasoan.phunuphapluat@gmail.com

 

Trần Giang