Tỷ phú Elon Musk lo ngại nguy cơ Mỹ sẽ "cạn tiền" nếu không giải quyết được vấn đề nợ quốc gia

Tỷ phú Elon Musk, người được Tổng thống mới đắc cử Donald Trump chọn làm lãnh đạo một bộ mới của Mỹ, đã thẳng thắn cảnh báo về hậu quả nếu Mỹ không đối phó được với sự gia tăng nợ công.

Trong một thông điệp đăng tải trên mạng xã hội X ngày 6/12, tỷ phú Elon Musk viết: "Nếu chúng ta không giải quyết được tình trạng tăng trưởng theo cấp số nhân của nợ quốc gia, sẽ không có tiền cho bất cứ thứ gì, bao gồm cả các dịch vụ thiết yếu”.

Báo cáo Giám sát tài chính vào cuối tháng 10 của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho thấy, nợ công của Mỹ dự kiến ​​sẽ tăng lên đến 121% GDP vào năm 2024 và đạt 131,7% vào năm 2029.

1-1733501022.png
Tỷ phú công nghệ Elon Musk. (Ảnh: Getty)

Trước đó, ngày 12/11, Tổng thống mới đắc cử Donald Trump đã thông báo đề cử ông Musk và doanh nhân Vivek Ramaswamy sẽ đứng đầu Bộ Hiệu quả chính phủ (DOGE) mới thành lập trong nhiệm kỳ lãnh đạo Nhà Trắng thứ 2 của ông. Vị tổng thống thứ 47 của Mỹ tin tưởng bộ đôi Musk và Ramaswamy sẽ giúp chính quyền của ông “phá bỏ bộ máy quan liêu của chính phủ, cắt giảm các quy định dư thừa, cắt giảm chi tiêu lãng phí và tái cấu trúc các cơ quan liên bang".

Trong bài viết đăng trên tờ Wall Street Journal ngày 20/11, ông Musk và ông Ramaswamy tiết lộ, mục tiêu ban đầu của DOGE là nhắm đến những hoạt động ngoài phạm vi chính phủ, đồng thời cố vấn cho các quan chức liên bang. Tuy nhiên, tỷ phú công nghệ Musk cũng cam kết sẽ cắt giảm 2.000 tỷ USD ngân sách hàng năm của Mỹ, đồng thời cho rằng chính phủ chỉ cần 99 cơ quan, thay vì hơn 400 cơ quan như hiện nay.

Trong giai đoạn cắt giảm, DOGE sẽ làm việc với các viên chức nhằm xác định số lượng nhân viên tối thiểu cần thiết để đảm nhận các “chức năng theo Hiến pháp và luật định”. Số lượng nhân viên không cần thiết bị cắt giảm sẽ tỉ lệ thuận với số quy định bị loại bỏ nhằm tinh gọn bộ máy.

Bên cạnh đó, số liệu do Bộ Tài chính Mỹ công bố ngày 18/10 cho thấy, trong tài khóa 2024 (kết thúc ngày 30/9), thâm hụt ngân sách nước này đã lên 1.833 tỷ USD. Con số này tăng 8% so với tài khóa trước, và là mức thâm hụt liên bang cao thứ 3 trong lịch sử nước Mỹ, chỉ sau tài khóa 2020 và 2021 do đại dịch.

Nguyên nhân chủ yếu là tiền trả lãi tăng 29% lên 1.133 tỷ USD, do lãi suất cao và Mỹ vay nợ nhiều hơn. Tài khóa trước cũng là lần đầu tiên số tiền chính phủ Mỹ chi ra để trả lãi vượt 1.000 tỷ USD. Con số này còn lớn hơn chi phí chăm sóc cho người cao tuổi và chi tiêu quốc phòng.

Ngọc Bảo (T/h theo Vietnamnet, Dân Việt)