Vạch mặt chiêu trò lừa đảo qua “Hợp đồng đầu tư”

Lợi dụng nhiều người dân có nguồn tiền nhàn rỗi, mong muốn đầu tư, kinh doanh để kiếm lời nên nhiều đối tượng đã xây dựng, biến tướng việc hợp tác đầu tư thành các chiêu trò, thủ đoạn để lừa đảo chiếm đoạt tài sản người dân.

Chiêu trò “né” trách nhiệm

Vừa qua, TAND tỉnh Hậu Giang đã xét xử Võ Thanh Long - cựu tổng giám đốc khu du lịch sinh thái Phú Hữu (huyện Châu Thành, Hậu Giang) cùng các đồng phạm về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Vụ án có tới 816 bị hại trên khắp cả nước đã bị lừa tổng số tiền gần 160 tỉ đồng.

Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Hậu Giang, từ tháng 4/2017 đến tháng 10/2019, bị cáo Long không thực hiện các thủ tục pháp lý theo quy định để triển khai dự án khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Phú Hữu. Dù chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép hoạt động nhưng Long đã cùng các đồng phạm lợi dụng dự án để huy động vốn theo phương thức đa cấp qua các hình thức như hợp đồng hợp tác đầu tư...

Trước tình trạng lừa đảo qua hình thức này xuất hiện ngày càng nhiều trong thời gian gần đây, luật sư Nguyễn Ngọc Hùng (Trưởng văn phòng luật sư Kết Nối, Đoàn luật sư TP Hà Nội) đã chỉ ra thủ đoạn, chiêu trò của hình thức lừa đảo này.

anh-1-ls-hung-1663377285.jpg
Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng

Trước hết, nhằm mục đích “né” tránh các trách nhiệm hình sự, vin vào lý do các bên tự nguyện thỏa thuận để cùng làm ăn, đầu tư chung trên nguyên tắc lời ăn, lỗ chịu. Vì thế, khi thất thoát, thua lỗ thì cùng chịu chứ không thể quy trách nhiệm cho phía công ty được. Tuy nhiên, dưới góc độ luật có thể thấy rằng, các hành vi, thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo vẫn có rất nhiều dấu hiệu hình sự rất rõ ràng.

Cụ thể, thông tin về dự án hợp tác đầu tư là gian dối. Nhiều trường hợp ký kết hợp đồng nội dung không rõ ràng. Các thông tin về dự án như: vị trí, tổng mức đầu tư, chi phí đầu tư, thời hạn triển khai đều không có các giấy tờ pháp lý liên quan đến dự án. 

 Thậm chí, dự án đầu tư vốn rất thấp nhưng cố tình lợi dụng để vẽ vời dự án, huy động vốn lên gần cả trăm, nghìn lần. Các đối tượng cố tình lập lờ, ko rõ ràng về thông tin dự án, hợp tác đầu tư. Chính vì thế, các đối tượng không hề có việc ghi chép, báo cáo thuế gì về hoạt động kinh doanh.

Thường cam kết lợi nhuận “khủng”

Về nguyên tắc, lợi nhuận chỉ được tính khi lấy tổng doanh thu trừ đi các chi phí giá vốn, lãi ngân hàng, chi phí vận hành… Như vậy, lợi nhuận chỉ biết được sau một chu kỳ kinh doanh (có thể tính theo năm tài chính hoặc một chu kì vận hành của dự án). 

Từ cơ sở này có thể khẳng định rằng, các bên cam kết về lợi nhuận tối thiểu, cam kết về lãi suất đều không có căn cứ và không có cơ sở thực hiện. Thậm chí, nhiều đối tượng cam kết lợi nhuận không tưởng từ 20-30 % hoặc có những trường hợp lên đến 50 -70% năm. 

 Đây là những chiêu trò phổ biến để các đối tượng khiến người dân tin tưởng, ký kết hợp đồng. Các cam kết này chỉ là "hứa hẹn" chứ không hề có bất cứ biện pháp đảm bảo thực hiện như thế chấp tài sản hay bảo lãnh ngân hàng.

“Con mồi” thường nộp tiền vào tài khoản cá nhân của các cổ đông/người đại diện của Công ty hoặc nộp bằng tiền mặt (ghi nhận bằng phiếu thu tiền). Với hình thức này, thực tế tiền không được đưa vào các tài khoản ngân hàng công ty. Các đối tượng dễ dàng sử dụng, chuyển tiền và sử dụng trái mục đích.

Những dấu hiệu vi phạm

 Các công ty thường mập mờ về thu nộp tiền là cách để lách, trốn trác trách nhiệm, nhất là việc trốn tránh việc quản lý, theo dõi của các cơ quan thuế, các cơ quan nhà nước. Vì vậy, nhiều vụ vỡ lở chúng ta thấy số tiền thiệt hại lên đến cả trăm, nghìn tỷ.

Bên cạnh đó, các công ty không có bộ máy kiểm soát, vận hành liên quan dự án. Vì thế không có bất cứ thông tin gì về việc triển khai hoạt động kinh doanh của công ty. Những người góp vốn mù tịt thông tin, thậm chí không biết gì về hoạt động kinh doanh thực tế.

 Không có sổ sách, kế toán, ghi chép gì về việc kinh doanh, đầu tư, nguồn tiền, chi phí... Hoặc ghi chép không rõ ràng, không theo luật kế toán. Vì thế không biết nguồn tiền thu được chi phí mục đích gì.

Tình trạng sử dụng sai mục đích dòng tiền thu được. Chủ yếu dùng trả nợ, trả lãi cho người trước, sử dụng vào tiêu dùng cá nhân dẫn đến thất thoát, mất khả năng thanh khoản, không còn khả năng trả nợ.

Theo luật sư Hùng nhận định, việc xử lý các vụ án liên quan đến lừa đảo qua hình thức trên thường rất khó khăn phức tạp. Nhưng với các dấu hiệu như trên, rõ ràng vẫn có đủ căn cứ chứng minh các dấu hiệu "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" qua hình thức Hợp đồng góp vốn, hợp tác đầu tư.

Đặng  Thuỷ