VASEP: Trung Quốc tăng cường nhập khẩu, tôm Việt Nam hưởng lợi

Xuất khẩu tôm Việt Nam sang thị trường Trung Quốc trong tháng 5/2023 đạt 78 triệu USD - kim ngạch cao nhất kể từ đầu năm nay.

Theo báo cáo mới được công bố của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (VASEP), nhu cầu nhập khẩu tôm của Trung Quốc dần phục hồi trở lại với lượng tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, giá tôm nhập khẩu vẫn ở mức thấp trong bối cảnh thị trường toàn cầu suy giảm.

Dẫn số liệu của Hải quan Trung Quốc, chuyên gia VASEP cho biết, lượng tôm nhập khẩu của nước này trong tháng 5 tăng mạnh 77% so với cùng kỳ năm ngoái lên 100.310 tấn. Giá trị nhập khẩu tăng 55% lên 579 triệu USD. Tính chung 5 tháng qua, lượng tôm nhập khẩu tăng 48% lên 415.305 tấn; kim ngạch cũng tăng 28% lên 2,3 tỷ USD.

Tuy nhiên, giá tôm nhập khẩu vẫn ở mức thấp trong bối cảnh thị trường toàn cầu suy giảm. Theo đó, giá tôm nhập khẩu trong tháng 5 trung bình ở mức 5,77 USD/kg, tăng nhẹ so với mức thấp nhất 1 năm hồi tháng 4 là 5,33 USD/kg.

Ecuador là nhà cung cấp tôm lớn cho Trung Quốc trong tháng 5, ở mức 72.520 tấn, tăng gấp đôi so với cùng kỳ. Kim ngạch cũng tăng 70% lên 392 triệu USD. Tuy nhiên, đơn giá trung bình cho 1 kg tôm giảm 16% so với cùng kỳ xuống 5,41 USD/kg.

Ấn Độ đứng thứ hai với 10.872 tấn, tăng 30% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, kim ngạch chỉ tăng 7% lên 62 triệu USD do giá bán giảm tới 23% xuống 5,73 USD/kg.

Hiện nuôi tôm ở Trung Quốc rất khó khăn do chi phí đầu vào tăng cao, giá tôm nguyên liệu giảm nên Trung Quốc sẽ vẫn tăng cường nhập khẩu tôm từ nước ngoài.

Theo VASEP, trong tháng 5, Trung Quốc đứng thứ nhất về thị trường tiêu thụ tôm Việt Nam, chiếm tỉ trọng 23%. Mỹ đứng ở vị trí thứ hai, chiếm tỉ trọng 21%.

Xuất khẩu tôm sang thị trường Trung Quốc trong tháng 5 đạt 78 triệu USD - kim ngạch cao nhất kể từ đầu năm nay. Con số này vẫn ghi nhận tăng trưởng âm nhưng tốc độ giảm đã ít hơn so với những tháng trước đó (tháng 3 ghi nhận mức giảm 40%, tháng 4 giảm 22%, tháng 5 mức giảm là 11%).

Các chuyên gia VASEP nhận định, về tình hình thả giống tôm trong nước, 6 tháng đầu năm nay, lượng thả giống tôm chân trắng của cả nước giảm nhẹ 1,8%, lượng thả giống tôm sú tăng 12,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng trong tháng 3 năm nay, lượng thả giống tôm chân trắng giảm 14%, lượng thả giống tôm sú tăng 10%.

6 tỉnh trọng điểm (Kiên Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Cà Mau) trong tháng 3/2023, ghi nhận lượng thả giống tôm sú tăng tại 5 tỉnh trừ Cà Mau. Lượng thả giống tôm chân trắng tại Kiên Giang tăng, tại Bến Tre, Bạc Liêu, Cà Mau giảm nhẹ; tại Trà Vinh, Sóc Trăng giảm nhiều hơn. 

Do vậy, dự đoán nguồn cung tôm nguyên liệu của Việt Nam trong tháng 7 và các tháng cuối năm nếu có giảm, cũng không quá trầm trọng.

Theo dữ liệu thu thập, ước tính lượng ao treo, không nuôi ở Ấn Độ khoảng từ 30% đến 50%; tại Ecuador đang bị EI Nino gây thiệt hại khoảng 30% vùng nuôi, lượng tôm sẽ giảm.

Trước bối cảnh trên, VASEP dự báo, mặc dù vẫn đang là thời điểm khó khăn, nhưng nhiều tín hiệu lạc quan đã được đưa ra về triển vọng xuất khẩu tôm Việt Nam những tháng cuối năm đi các thị trường như Trung Quốc, Mỹ. Dù chưa thể phục hồi mạnh so với năm ngoái nhưng ít nhất sẽ khả quan hơn so với giai đoạn đầu năm nay.

PV