Những ngày vừa qua, nhiều người Hà Nội lo lắng khi thông tin về số ca mắc COVID-19 gia tăng. Theo Bộ Y tế, Hà Nội là địa phương có số ca mắc tăng nhiều nhất so với tuần trước. Ghi nhận tại BV Thanh Nhàn cho thấy, trong tháng 3, cơ sở y tế này ghi nhận 25 bệnh nhân mắc COVID-19, nhưng riêng 10 ngày đầu tháng 4 đã tiếp nhận 75 bệnh nhân (tăng gấp 3 lần).
Sáng 14/4, ông Khổng Minh Tuấn - Phó giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cho rằng, so với những tuần trước thì số ca mắc COVID-19 có gia tăng, nhưng nếu tính số ca mắc trên 10 triệu dân thì con số này không có gì đáng kể. Dù số ca mắc có tăng hơn so với những tuần trước đó nhưng thành phố vẫn duy trì được sự kiểm soát, chưa xuất hiện biến chủng mới, đa số các ca mắc nhẹ, trường hợp nhập viện là người cao tuổi, có bệnh nền.
Đa số ca mắc ghi nhận là người có bệnh lý nền. (Ảnh minh họa)
Theo ông Tuấn, số ca mắc ghi nhận gia tăng là do thay đổi thời tiết, nhiệt độ nóng ẩm thất thường tạo điều kiện cho virus phát triển. Ngoài ra, người dân đang lơ là trong việc phòng bệnh, điển hình như việc quên tiêm vắc xin, không đeo khẩu trang nơi công cộng...
Riêng đối với việc tiêm vắc xin, ông Tuấn cho biết, mọi người có thể tiêm tại trạm y tế các phường, xã trên địa bàn mình sống. Tuy nhiên, hiện nay có thể có chỗ đã tiêm hết vắc xin nhưng chưa kịp phân bổ, vì thế nếu đến phường này không tiêm được thì đi sang phường khác. Vắc xin COVID-19 không quy định là ai ở đâu phải tiêm ở phường đó.
“Với vắc xin COVID-19, việc tiêm vẫn có thể mắc bệnh, nhưng sẽ giảm được những biến chứng nặng, vì thế mọi người nên tiêm đầy đủ, nhất là giai đoạn này. Nếu ai chưa tiêm đủ 2 mũi cần đi tiêm. Ai tiêm đủ rồi, đến thời gian tiêm nhắc lại mũi 3, mũi 4 thì nên đi tiêm theo đúng lịch”, ông Tuấn khuyên.
Nhiều phụ huynh lo lắng dịch lây lan vào trường học, liệu học sinh có phải học online, ông Tuấn thông tin: “Trường hợp học sinh mắc COVID-19, nếu nhẹ thì có thể cho nghỉ ở nhà để chăm sóc, cách ly. Trường hợp nặng thì nên đến viện, bác sĩ sẽ có tư vấn cụ thể để xem có cần điều trị nội trú hay không. Nếu lớp học có ca mắc, có thể học sinh sẽ phải đeo khẩu trang khi học. Tuy nhiên, như đã nói trên, hiện số ca mắc vẫn trong kiểm soát, không thể vì lớp có 1 đến 2 ca mắc mà cho cả lớp, cả trường nghỉ học được”.
Học sinh nếu mắc COVID-19 trường hợp nặng mới cần đến viện.
Để phòng bệnh, trong nhà trường, với trẻ đủ điều kiện tiêm vắc xin, bố mẹ hãy cho con tiêm đầy đủ. Ngoài ra, nên khuyến khích trẻ đeo khẩu trang, nhất là giờ ra chơi, giải lao. Khử khuẩn tay sạch sẽ cũng là biện pháp phòng bệnh quan trọng. Ngoài ra, việc vệ sinh lớp học cũng cần thiết. Gia đình, nhà trường cần kết hợp phát hiện triệu chứng bất thường để phát hiện sớm trẻ có biểu hiện nghi ngờ hoặc mắc bệnh, từ đó cho nghỉ học để tránh lây lan.
Trong cộng đồng, mọi người cũng cần tiêm đầy đủ vắc xin theo đúng lịch. Đặc biệt đối với các trường hợp nguy cơ cao, như người già, người có bệnh mạn tính, béo phì, suy giảm miễn dịch…; trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi. Thực hiện khuyến cáo 2K là khẩu trang và khử khuẩn. Đặc biệt cần đeo khẩu trang ở nơi đông người, nơi công cộng, nhất là trong không gian kín, chật hẹp.