3 lực lượng hỗ trợ thường xuyên, nòng cốt
Tại Kỳ họp thứ 5, các ĐBQH đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Trên cơ sở ý kiến của các ĐBQH, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã chỉ đạo Cơ quan chủ trì thẩm tra, Cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật và xây dựng dự thảo báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý. Dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở trình Quốc hội thông qua gồm 5 chương, 34 điều.
Dự thảo Luật quy định kiện toàn thống nhất các lực lượng bảo vệ dân phố, dân phòng, Công an xã bán chuyên trách, các chức danh đội trưởng, đội phó đội dân phòng thành một lực lượng chung với tên gọi là lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Một số ý kiến đề nghị mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật để bao quát hết các lực lượng có tính chất tự nguyện, tự quản tham gia hỗ trợ Công an cấp xã bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
Về ý kiến nêu trên, Bộ Công an đã phối hợp với Thường trực Uỷ ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội nghiên cứu và đề nghị không mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật; bởi: Theo quy định tại Điều 46 Hiến pháp năm 2013 thì mọi công dân đều có nghĩa vụ tham gia bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.
Luật Công an nhân dân (khoản 1 Điều 14) quy định cơ quan, tổ chức, cá nhân hoạt động trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và cơ quan, tổ chức, công dân Việt Nam ở nước ngoài có trách nhiệm tham gia, phối hợp, cộng tác, hỗ trợ Công an nhân dân thực hiện chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn theo quy định của pháp luật.
Cụ thể hóa quy định của Hiến pháp, Luật Công an nhân dân và các luật khác có liên quan như Luật Thanh niên năm 2020, Pháp lệnh Cựu chiến binh năm 2005, Luật Phòng cháy, chữa cháy năm 2001 (sửa đổi, bổ sung năm 2013) và điều lệ của các tổ chức hội, đoàn thể thì trên thực tế có nhiều lực lượng tình nguyện, tự quản tham gia hỗ trợ Công an nhân dân trong việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
Tuy nhiên, hỗ trợ có tính chất thường xuyên, nòng cốt, có quá trình thực hiện lâu dài trên phạm vi toàn quốc thì chỉ có 3 lực lượng, đó là bảo vệ dân phố, dân phòng và công an xã bán chuyên trách; còn lực lượng thuộc các tổ chức hội, đoàn thể, lực lượng tình nguyện, tự quản khác… tham gia thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự trên cơ sở pháp lý được quy định trong các văn bản pháp luật có liên quan;
Đồng thời, vị trí, chức năng, nhiệm vụ, tổ chức hoạt động của các lực lượng này là khác biệt so với 3 lực lượng được kiện toàn nêu trên.
Mục tiêu của việc xây dựng Luật này là tạo cơ sở pháp lý để sắp xếp, kiện toàn lại các lực lượng, chức danh sẵn có thành một lực lượng thống nhất với chức năng, nhiệm vụ tập trung, làm nòng cốt trong hỗ trợ Công an chính quy bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
Việc mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với lực lượng thuộc các tổ chức hội, đoàn thể, lực lượng tình nguyện, tự quản, bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp, bảo vệ chung cư sẽ không phù hợp về vị trí, vai trò, cũng như tính chất hoạt động giữa lực lượng do chính quyền thành lập với lực lượng hoạt động tự nguyện, tự quản ở cộng đồng dân cư, cơ sở.
Về phạm vi điều chỉnh của Luật đã được Chính phủ thảo luận, cân nhắc thận trọng và có đầy đủ căn cứ, cơ sở nên đề nghị Quốc hội không mở rộng phạm vi điều chỉnh để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.
Không quy định mức tối thiểu hỗ trợ thường xuyên
Liên quan đến đề nghị quy định khung, quy định cụ thể mức tối thiểu hỗ trợ thường xuyên hằng tháng, mức hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế trong dự thảo Luật, dự thảo Luật không quy định khung, không quy định cụ thể mức tối thiểu hỗ trợ thường xuyên hằng tháng, mức hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế.
Theo Bộ Công an, lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là lực lượng quần chúng được tuyển chọn tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, dưới sự quản lý và do chính quyền cơ sở bảo đảm kinh phí chi trả chế độ, chính sách;
Nếu quy định “cứng” trong Luật về khung mức hỗ trợ thường xuyên hằng tháng và khung mức hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế sẽ không phù hợp với thực tế, nhất là ở các địa phương còn khó khăn về kinh tế, xã hội và có thể là áp lực về ngân sách đối với các địa phương chưa tự chủ được ngân sách.
Về nội dung này trong quá trình hoàn thiện dự án Luật, Bộ Công an cho hay đã trao đổi, xin ý kiến và các địa phương thống nhất quy định theo hướng mở như thể hiện trong dự thảo Luật.
Do đó, Bộ Công an đề nghị tiếp tục giữ nguyên nội dung đã được Chính phủ báo cáo Quốc hội quy định theo hướng mở để chính quyền địa phương quyết định mức hỗ trợ thường xuyên hằng tháng, quyết định mức hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế đối với người tham gia lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở để phù hợp với thực tế điều kiện ở từng địa phương và bảo đảm tính khả thi của Luật.
Theo Bộ Công an, tính đến hết tháng 12/2022, tổng số thôn, tổ dân phố trong toàn quốc đã giảm xuống còn 84.721 thôn, tổ dân phố (hồ sơ dự án Luật vào thời điểm khảo sát là 103.568 thôn, tổ dân phố) và mức lương cơ sở từ ngày 1/7/2023 đã điều chỉnh tăng lên là 1.800.000 đồng (hồ sơ dự án Luật đang tính theo mức lương cơ sở trước ngày 1/7/2023 là 1.490.000 đồng).
Trường hợp 84.721 thôn, tổ dân phố đều thành lập Tổ bảo vệ an ninh, trật tự thì toàn quốc có 84.721 Tổ bảo vệ an ninh, trật tự (trung bình mỗi Tổ có 3 người) và dự kiến tổng kinh phí cần bảo đảm để thực hiện theo quy định của dự thảo Luật là 3.505 tỷ đồng/năm. Trung bình 1 tỉnh, thành phố cần bảo đảm khoảng 55.6 tỷ đồng/năm, tương ứng khoảng 4.6 tỷ đồng/1 tháng.
Tuy nhiên, do dự thảo Luật quy định mỗi tổ bảo vệ an ninh, trật tự có thể phụ trách một hoặc một số thôn, tổ dân phố thuộc cấp xã hoặc tại huyện nơi không tổ chức đơn vị hành chính cấp xã nên khi triển khai thi hành Luật thì tổng số Tổ bảo vệ an ninh, trật tự có thể giảm xuống, kéo theo tổng kinh phí bảo đảm cũng sẽ giảm theo.
Như vậy, nếu thành lập Tổ bảo vệ an ninh, trật tự với nguồn nhân lực trước hết là được kiện toàn từ lực lượng Bảo vệ dân phố, Công an xã bán chuyên trách đang được tiếp tục sử dụng, đội trưởng, đội phó đội dân phòng và với cách dự tính nêu trên thì sẽ không tăng về số lượng người tham gia hoạt đông và không tăng về tổng kinh phí bảo đảm so với thực tiễn đang chi trả hiện nay.
Về lâu dài, tổng số lượng thôn, tổ dân phố tiếp tục giảm do sáp nhập nên các địa phương sẽ có điều kiện tập trung bảo đảm chế độ, chính sách tốt hơn nữa cho lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
PV