Vì sao nam giới thời xưa thích cưới thiếu nữ 13, 14 tuổi: Ba lý do thực tế và đau lòng

Trong xã hội hiện đại, lứa tuổi 13-14 còn ngồi trên ghế trung học nhưng, ở thời phong kiến, đây lại là độ tuổi kết hôn và sinh con.

Hoàng hậu Thượng Quan nhập cung năm 6 tuổi hay Hoàng hậu Trường Tôn kết hôn với Lý Thế Dân khi mới 13 tuổi khiến hậu thế không khỏi ngạc nhiên. Tại sao xã hội thời xưa lại ưu tiên việc kết hôn sớm như vậy? Thực tế, đằng sau hiện tượng này là sự kết hợp của nhiều yếu tố xã hội, kinh tế và văn hóa. Có ba nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này:

- Tuổi thọ thấp và áp lực sinh tồn

Khoa học kỹ thuật lạc hậu và y học kém phát triển khiến bệnh tật thời xưa trở thành mối đe dọa khôn lường. Những căn bệnh đơn giản như cảm sốt cũng có thể cướp đi mạng sống. Theo thống kê, tuổi thọ trung bình của người xưa chỉ khoảng 40 tuổi, thậm chí các bậc đế vương cũng chỉ sống đến khoảng 30 tuổi.

Trong bối cảnh cái chết luôn rình rập, việc kết hôn sớm và sinh con đẻ cái được coi là giải pháp cấp thiết để duy trì nòi giống. Câu nói “Đông con nhiều phúc” không chỉ phản ánh quan niệm gia đình thịnh vượng, mà còn là biện pháp để bù đắp tỷ lệ tử vong cao và bảo toàn huyết mạch.

ket-hon-som-1-1733729555.jpg
Vì sao nam giới thời xưa thích cưới thiếu nữ 13, 14 tuổi: Ba lý do thực tế và đau lòng. Ảnh minh họa

- Chính sách khuyến khích sinh sản

Dưới thời phong kiến, các triều đại luôn coi việc gia tăng dân số là quốc sách hàng đầu. Thời Tây Chu, tuy khuyến khích “Nam 30 tuổi mới cưới, nữ 20 tuổi mới gả”, nhưng đến thời Xuân Thu đầy biến động, các nước đua nhau giảm độ tuổi kết hôn để bổ sung binh lực.

Ví dụ, Tề Hoàn Công hạ độ tuổi kết hôn xuống còn 20 tuổi cho nam và 15 tuổi cho nữ, giúp Tề Quốc trở thành một trong “Xuân Thu Ngũ Bá”. Việt Vương Câu Tiễn thậm chí áp đặt hình phạt cho cha mẹ nếu con gái 17 tuổi chưa gả chồng, con trai 20 tuổi chưa cưới vợ.

Chính sách này cùng với áp lực sinh tồn khiến việc kết hôn sớm trở thành một điều tất yếu, không thể tránh khỏi.

- Quan niệm trọng nam khinh nữ

Trong xã hội nông nghiệp lạc hậu, con cái, đặc biệt là con trai, được xem là nguồn lao động chính cho gia đình. Việc kết hôn và sinh con sớm giúp gia đình có thêm người làm việc.

Ngược lại, con gái bị coi là “của nợ”, không mang lại lợi ích kinh tế. Câu tục ngữ “Con gái gả chồng như bát nước đổ đi” thể hiện rõ tư tưởng trọng nam khinh nữ. Gả con gái sớm không chỉ giúp giảm bớt gánh nặng kinh tế mà còn đem về một khoản sính lễ cải thiện đời sống.

Đồng thời, trong xã hội phong kiến, phụ nữ bị tước đoạt quyền học hành và tham gia các hoạt động xã hội. Quan niệm “Nữ tử vô tài mới là đức hạnh” càng bóp nghẹt cơ hội phát triển bản thân của họ, buộc họ chỉ còn con đường lập gia đình và phục vụ chồng con.

Nhìn lại lịch sử, hiện tượng nữ giới kết hôn sớm thời xưa phản ánh sự đan xen của áp lực sinh tồn, chính sách nhà nước và tư tưởng xã hội. Họ là những nạn nhân của chế độ phong kiến và tư tưởng nam quyền, bị đẩy vào hôn nhân khi còn quá trẻ.

Minh Khuê (Theo Sohu)