Hot mom Hà Nội dạy con “Từ nào đồng nghĩa với thoải mái”, ái nữ lớp 3 đưa ra câu trả lời hút 14 nghìn người chú ý

Không ai ngờ đến bé gái tiểu học lại có thể nghĩ ra được đáp án “bá đạo” đến vậy.

Khi con đến tuổi đi học, đó cũng là lúc bố mẹ sẽ đồng hành cùng đứa trẻ của mình trên hành trình chinh phục tri thức. Và khoảng thời gian đáng nhớ nhất với các bậc phụ huynh có lẽ cũng sẽ là chặng đường mà bố mẹ giáo dục, uốn nắn con. Với sự ngô nghê, hóm hỉnh của lứa tuổi học sinh, nhiều trẻ sẽ khiến bố mẹ rơi vào những tình huống “dở khóc dở cười”. Tương tự như câu chuyện dạy con học tiếng Việt của một hot mom Hà Nội nổi tiếng - Heo Mi Nhon.

Theo đó được biết, Heo Mi Nhon (Hoàng Thanh Loan) từng là hot teen nổi tiếng trong giới trẻ Hà Thành với gương mặt xinh, ngọt ngào cùng phong cách thời trang cá tính, còn hiện tại cô là một trong những hotmom đình đám nhất trên mạng xã hội. Ông xã của cô - Kiên Hoàng cũng là một Youtuber nổi tiếng.

Gia đình hot mom Heo Mi Nhon.

Cặp bố mẹ đình đám này có một cô con gái cực kỳ xinh xắn tên Cam Cam (tên thật Hoàng Phương Hải Chi). Mới đây trên trang cá nhân, Heo Mi Nhon chia sẻ hình ảnh ái nữ, kèm với đó là tình huống dạy nàng công chúa học tiếng Việt đã thu hút 14 nghìn sự quan tâm của đông đảo cộng đồng mạng.

Cụ thể, nàng hotmom Hà Thành cho biết cô đã “dở khóc dở cười” khi nghe câu trả lời của con gái Cam Cam lúc được mẹ hỏi một câu liên quan đến ngữ pháp tiếng Việt lớp 3: “Từ nào đồng nghĩa với thoải mái”, cô bé đã đáp là từ “phê”. Trước đó khi Cam Cam còn học lớp 1, Heo Mi Nhon kể cô cũng đã hỏi con gái câu tương tự: “Từ nào trái ngược với chăm chỉ”, và “chi chẳm” chính là đáp án mà con gái cô đưa ra.

Cô con gái xinh như tiểu mỹ nhân nhà Heo Mi Nhon.

Tình huống dạy con học tiếng mẹ đẻ của hot mom Heo Mi Nhon khiến dân tình ai nghe qua cũng không nhịn được cười. Có lẽ, không riêng gì Heo Mi Nhon mà nhiều bậc phụ huynh trong quá trình dạy con học, cũng ít nhất một lần trải qua hoàn cảnh hài hước này. 

Trên thực tế, ở bậc tiểu học, trẻ đã được tiếp xúc với đa dạng các bài tập tiếng Việt như điền từ, đặt câu, tìm từ đồng nghĩa và trái nghĩa. Mặc dù đây là những dạng bài không có tính lắt léo hay mẹo gì cả, nhưng đòi hỏi trẻ phải có một lượng từ vựng phong phú để có thể tìm ra được đáp án chuẩn xác nhất. 

Nhận biết và sử dụng thành thạo các nhóm từ đồng nghĩa và trái nghĩa có ý nghĩa rất lớn đối với việc nâng cao kỹ năng sử dụng ngôn ngữ của học sinh.

Trong đó, từ đồng nghĩa là những từ có nghĩa giống nhau hoặc gần giống nhau. Có thể chia từ đồng nghĩa thành hai loại:

- Từ đồng nghĩa hoàn toàn (tuyệt đối): Là những từ có nghĩa tương đồng tuyệt đối, không có bất kỳ sự khác biệt nào. Có thể hoán đổi lẫn nhau trong bất kỳ văn bản, hoàn cảnh mà không làm thay đổi ý nghĩa. Ví dụ: "má" và "mẹ" - hai từ này có thể thay thế cho nhau một cách trọn vẹn.

- Từ đồng nghĩa không hoàn toàn (tương đối): Là những từ cùng chia sẻ một phần nghĩa chung, nhưng vẫn có những khác biệt nhất định về sắc thái cảm xúc, ý vị, cách diễn đạt. Không thể hoàn toàn thay thế lẫn nhau trong mọi trường hợp, chỉ có thể thay thế ở một số ngữ cảnh cụ thể. Ví dụ: "chết" và "mất" - cùng chỉ về sự không còn sự sống, nhưng "mất" mang sắc thái lịch sự, trang trọng hơn.

Để trẻ nâng cao vốn từ vựng tiếng Việt, có một số biện pháp sau đây mà cha mẹ có thể áp dụng:

- Đọc truyện, sách, báo hàng ngày: Cùng trẻ đọc, gợi ý trẻ đoán nghĩa từ ngữ mới. Giải thích ý nghĩa các từ mới, cách sử dụng chúng trong câu.

- Tương tác thường xuyên bằng tiếng Việt: Nói chuyện, hỏi đáp, thảo luận với trẻ bằng tiếng Việt. Khuyến khích trẻ phát âm đúng, sử dụng từ ngữ phù hợp.

- Chơi trò chơi từ vựng: Trò chơi liên quan đến nhận biết, phân loại, tìm kiếm từ ngữ. Tăng cường sự tò mò và hứng thú của trẻ với ngôn ngữ.

- Dạy từ vựng theo chủ đề: Chia nhóm từ theo lĩnh vực, hoạt động quen thuộc với trẻ. Giúp trẻ liên kết và ghi nhớ các từ có cùng chủ đề.

- Khuyến khích trẻ sáng tạo câu, đoạn văn: Trao đổi, thảo luận về những gì trẻ viết. Giúp trẻ sửa lỗi, tìm từ ngữ diễn đạt phù hợp hơn.

KIỀU TRANG