Cây đào – Thịnh vượng và phát triển, một năm sinh sôi
Người dân miền Bắc thường trưng bày cây đào trong nhà mỗi độ Tết đến xuân về. Hoa đào e ấp vào mùa đông và bung nở khi xuân sang, hứa hẹn một năm mới tươi thắm, rực rỡ và phát triển.
Hoa đào được coi là một biểu tượng linh thiêng biểu thị cho sự đổi mới và sức sinh sôi mạnh mẽ, đồng thời tượng trưng cho sự lãng mạn và thịnh vượng. Trong khi đó, quả đào tương trưng cho tuổi thọ, mang ý nghĩa thêm tuổi mới cho những người trong nhà, người già sống lâu trăm tuổi, trẻ nhỏ được thêm tuổi mới.
Không ai biết chắc thú chơi đào ngày Tết của người Việt bắt nguồn từ đâu và từ khi nào nhưng có một câu chuyện kỳ thú liên quan tới điều này.
Ngày xưa, ở chân núi Sóc Sơn có một cây đào cổ thụ. Đây là nơi cư trú của hai vị thần tiên tên là Trà và Uất Lũy. Ma quỷ khiếp sợ uy vũ của hai vị thần nên sợ luôn chỗ ở của họ, chỉ cần nhìn thấy hoa đào là đã khiếp vía bỏ chạy. Hàng năm, trong mấy ngày Tết, hai vị thần thường lên chầu Ngọc Hoàng. Để tránh ma quỷ đến quấy phá, người dân nghĩ ra cách hái cành đào về cắm trong chai, lọ.
Thời gian qua đi, người Việt vẫn duy trì thú chơi đào ngày Tết, vừa để tránh điều xấu vừa như một cách trang trí nhà cửa, cầu mong một năm sinh sôi phát triển, thuận lợi hanh thông, ăn nên làm ra, gia đình vui vẻ. Hoa đào ngày Tết như gieo vào lòng người hi vọng, niềm tin về những điều tốt đẹp trong tương lai.
Khi chọn cành đào, điểm cần chú ý đầu tiên là tán tròn, hoa (nụ) được phân bố đều khắp trên cành, các nhánh nhỏ đều nhau, không chênh lệch hoặc phân bố lộn xộn, không ngay hàng thẳng lối. Cành mới được cắt từ trên cây, theo đánh giá cảm quan phải còn tươi nguyên thì mới có sức sinh trưởng mạnh.
Sau khi đã chọn được cành đào đẹp, bạn cần lưu ý cắm theo đúng phong thủy, chọn đúng hướng và bình. Năm 2022 là năm Nhâm Dần, bình đào nên đặt theo hướng Đông, chọn bình có màu xanh ngọc hoặc xanh lá cây.
Mai vàng – Sự giàu có và cao quý, ước mong một năm thịnh vượng ấm no
Người dân miền Nam thường bày mai vàng trong nhà vào dịp Tết Nguyên đán. Mai được xếp vào hàng “tứ quý” (gồm tùng, cúc, trúc, mai), chơi mai là thú chơi tao nhã của các văn nhân hiền sĩ ngày xưa.
Khác với hoa đào đủ loại như đào phai, đào thắm, đào rừng…, hoa mai trong suy nghĩ của phần lớn người Việt là loại cây chỉ có một gam màu vàng tươi tượng trưng cho hoàng tộc thời phong kiến, khiến người ta nghĩ đến sự thành đạt, vinh hiển, phát tài và cả hy vọng.
Với ý nghĩa đó, gia đình nào cũng đặt một vài cây hoa mai nở rộ trong nhà với mong muốn năm mới có nhiều niềm hân hoan, hạnh phúc, tiền tài, công danh được dâng cao gấp bội.
Quan niệm từ xa xưa cho rằng nếu cây mai nhà nào chỉ nở toàn hoa mai 7 cánh thì nhà đó sẽ “đại cát đại quý” trong năm đó.
Cũng theo quan niệm xưa, cây mai tượng trưng đủ bốn đức tính quý nhất của người quân tử - bộ Tứ đức (Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí) tương ứng với chu kỳ nhú nụ - nở hoa - ra quả - kết quả.
Khi chọn cây mai để trang trí Tết, ngoài yếu tố hình thức (gốc chắc chắn, tỷ lệ hoa nụ cân đối, lá non hoặc đỏ biếc, mật độ vừa phải,..), bạn cần phải dựa vào diện tích khu vực trưng bày để lựa cây mai có kích thước phù hợp.
Chậu mai bày tết trong nhà không quá to hoặc quá bé, tạo cảm giác hài hòa, cân bằng, ấm cúng, phù hợp với không khí những ngày đầu năm.
Những dáng cây hoa mai đẹp thường có hình Chân quỳ, Hạc bay, Phụng hoàng... với những cây nhánh đẹp cân đối, sự phân chia các nhánh hợp lý trên thân cây. Cây mai nên có vỏ đen tự nhiên, không đốm vảy nấm mốc, bông rải đều, nhánh to khỏe, nhánh uyển chuyển, nụ mập, lá non vừa nhú.
Cây quất – Phong phú và hạnh phúc, ước mong một năm đủ đầy sung túc
Theo quan niệm từ xưa của người Việt, cây quất (hoặc quýt) tượng trưng cho sự thu hoạch bội thu, cũng là khởi đầu năm mới tốt đẹp. Cây càng xum xuê, lá xanh tốt, quả trĩu cây thì hứa hẹn một năm mới càng tốt đẹp và tiền tài, lộc lá càng nhiều. Các quả quất trông giống như mặt trời và là một biểu tượng tốt đẹp của sự phong phú và hạnh phúc.
Trong quan niệm dân gian, cây quất còn là biểu tượng cho sức khỏe, bình an, trường thọ và sự may mắn trong tình uyên. Bên cạnh đó, cây lại “đạt” được yếu tố ngũ hành, cụ thể kim (hoa màu trắng) sinh thủy (lá xanh đậm), thủy sinh mộc (thân cây), mộc sinh hỏa (quả chín màu cam), hỏa sinh thổ (đất trong chậu) và thổ sinh kim (hoa màu trắng).
Trưng quất trong nhà ngày Tết không chỉ tô điểm cho ngôi mà còn mang hy vọng về một năm nhiều niềm vui nhiều may mắn cho gia đình. Với người làm kinh doanh, đặt quất ở cửa hàng, văn phòng cầu mong cát khí thuận lợi, đầu tư sáng suốt và thu được nhiều tài lộc.
Theo truyền thống ở Việt Nam và một số nước khác, trên cây quất thường treo hoặc đặt một vài chiếc lì xì màu đỏ. Những chiếc lì xì này dành để tặng cho trẻ nhỏ với ý nghĩa mang lại điều tốt đẹp, may mắn trong năm mới.
Một cây quất chơi Tết lý tưởng là cây quất có lá to màu xanh đậm và bóng mượt, quả quất đều, căng mọng, bên cạnh đó, có nhiều nụ, lộc non. Thường một cây quất đẹp, gốc to, thân ngắn chẻ làm nhiều nhánh nhỏ là thể hiện sự sum vầy của gia đình nhiều thế hệ. Dáng quất phải tròn hoặc hình tháp, chẻ ngang để tạo thế.
Nếu muốn để quất ở vị trí trung tâm thì bạn nên chọn cây quất cân đối, không có phía nào bị lép. Trường hợp chỉ định đặt cây ở góc nhà hoặc tiền sảnh thì cây bị khuyết một chút cũng không có vấn đề gì. Tuy nhiên, dù định trưng bày ở đâu, cây quất nhất định phải có đủ quả xanh, quả chín và hoa.
Đào, mai hay quất đều là những loại cây, hoa tượng trưng cho Tết. Để cây vừa đẹp, vừa mang may mắn trong năm mới, bạn nên chú ý các cắm cây, hoa sao cho hợp phong thủy. Ngoài ra, chọn mua cây phù hợp với diện tích và không gian. Khi mua cây về nhà, nhớ tưới đủ nước, chăm sóc cây cẩn thận, tránh để cây hoa héo, úa vào ngày đầu năm.