Ngày 30 Tết hàng năm, hai nghi lễ cúng tất niên và cúng giao thừa được các gia đình Việt rất coi trọng. Vào đêm 30 Tết, hay còn gọi là đêm trừ tịch, được coi là khoảng thời gian thiêng liêng nhất của năm khi các gia đình sum họp, chuẩn bị đón năm mới với những điều tốt lành sẽ đến và tiễn trừ năm cũ.
Bữa cơm chiều cuối năm - điểm khởi đầu của sự kết thúc
|
PGS.TS Phạm Ngọc Trung |
Đối với mỗi người Việt, bữa cơm tất niên chiều cuối năm là một bữa cơm vô cùng đặc biệt, nó không chỉ là bữa ăn bình thường mà còn là dịp để mọi thành viên trong gia đình sum họp, quây quần bên nhau sau những tháng ngày bận rộn, vất vả với những lo toan bộn bề của cuộc sống.
Bữa cơm cuối năm dù giản dị thôi nhưng lại là thời điểm hết sức đầm ấm, gắn kết mọi người, ngồi ôn lại chuyện năm cũ bàn chuyện năm mới.
Nói về ý nghĩa của bữa cơm tất niên, PGS.TS Phạm Ngọc Trung – chuyên gia văn hóa cho rằng, qua một năm lao động vất vả, thậm chí nhiều gia đình mỗi người mỗi nơi, người Bắc kẻ Nam, người ở ước ngoài về,... nên bữa cơm tất niên là để hội tụ, gặp gỡ các thành viên trong gia đình, cùng ngồi lại với nhau để chia sẻ tất cả những năm tháng lao động sản xuất, học hành, nói về những kế hoạch hay dự định cho năm mới.
"Thông qua bữa cơm tất niên đó, những thành viên trong gia đình gắn kết hơn, hiểu biết nhau hơn, từ đó tạo ra động lực để tiếp tục phấn đấu năm sau. Đồng thời, để các thành viên trong gia đình chia sẻ với nhau những khó khăn, vướng mắc để những thành viên khác như ông bà, cha mẹ, anh chị em,... góp ý và tìm ra hướng giải quyết", PGS.TS Phạm Ngọc Trung nói.
Bên cạnh đó, mâm cơm tất niên không chỉ mang ý nghĩa là buổi gặp mặt bình thường của các thành viên trong gia đình nữa mà cũng là dịp để con cháu dâng cơm, tưởng nhớ đến ông bà, tổ tiên, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc. Qua đó, cũng được sự chứng kiến của ông bà, cha mẹ hoặc những người đã khuất để phù hộ cho các thành viên trong gia đình cho năm mới.
Bàn về bữa cơm tất niên, chuyên gia phong thủy Nguyễn Hồng Sơn cho biết, bữa cơm tất niên mang ý nghĩa quan trọng trong truyền thống văn hóa của người Việt từ xưa đến nay. Năm nào cũng vậy, cứ vào chiều 30 Tết, gia đình lại tất bật chuẩn bị mâm cỗ đầy, trước để kính mời ông bà, tổ tiên về thăm con cháu, sau là để đoàn tụ cả gia đình quây quần bên mâm cơm cuối năm.
Bữa cơm chiều 30 Tết là bữa cơm gắn kết mọi thành viên, thế hệ trong gia đình. Đây cũng chính là dịp để bố mẹ trong gia đình giới thiệu các con, cháu; con cháu có dịp ra mắt với ông bà, tổ tiên.
Không chỉ mang ý nghĩa gia đình sum họp, bữa cơm tất niên còn là nghi thức để tiễn biệt năm cũ, đón năm mới. Sau bữa cơm tất niên, gia đình sẽ sửa soạn để cúng giao thừa, tiễn năm cũ và đón chào năm mới.
Buổi tiệc để “tống cựu nghinh tân”
Bên cạnh bữa cơm tất niên, thì mâm cúng giao thừa đêm 30 Tết (âm lịch) là phong tục cổ truyền của người Việt Nam, với ý nghĩa tiễn năm cũ đi và đón chào năm mới.
Theo PGS.TS Phạm Ngọc Trung, nghi lễ cúng giao thừa không chỉ là mâm cỗ, mà theo phong tục người Việt Nam nói riêng, thậm chí một số nước phương Đông thì năm hết tết đến là giai đoạn chuyển giao thời khắc lịch sử, từ năm cũ sang năm mới, từ mùa đông sang mùa xuân, từ giai đoạn không khí giá lạnh sang mùa xuân ấm áp.
"Theo quan niệm của người Việt, đây cũng là thời khắc vị Hành khiển cũ đã cai quản hạ giới trong năm cũ sẽ bàn giao công việc cho vị Hành khiển mới đi xuống cai quản hạ giới trong năm mới. Vì vậy, người dân làm lễ cúng giao thừa với ý nghĩa vị thần cũ giao lại công việc để thần mới tiếp nhận", PGS.TS Phạm Ngọc Trung cho biết.
Cúng giao thừa trong dân gian như là buổi tiệc để “tống cựu nghinh tân”, tiễn đưa những vị thần năm cũ và nghinh đón những vị thần mới. Xin các vị thần linh phù hộ cho gia đình một năm mới bình an, hạnh phúc.
Theo ông Trung, việc cúng lễ giao thừa thường được coi trọng và chuẩn bị cầu kỳ. Mâm cỗ này được người dân chuẩn bị rất thịnh soạn, đầy đủ món ăn theo từng vùng miền.
"Thông qua nghi lễ cúng giao thừa, mọi người muốn cảm ơn những vị thần linh trong năm vừa qua đã giúp đỡ cho gia đình được may mắn, sức khỏe, tăng gia sản xuất tốt, gia đình hạnh phúc,... đồng thời đón năm mới đến, tiếp tục cầu mong vị thần linh phù hộ cho gia đình mình được may mắn như năm trước hoặc hơn những năm trước", ông Trung cho biết thêm.
Theo ông Trung, phong tục Việt Nam từ xa xưa, trong mâm cỗ cúng giao thừa thường có một đĩa xôi và một con gà trống miệng ngậm một bông hồng đỏ. Ngoài ra có rượu, trà, mâm ngũ quả, bánh chưng, bánh tẻ,... tùy theo vùng miền.
Trong tín ngưỡng người Việt, hình tượng con gà không còn xa lạ. Con gà tượng trưng cho những điều lành, tương lai tốt đẹp. Ngoài ra, con gà còn gắn với đời sống sinh hoạt, văn hóa cộng đồng, từ văn hóa ẩm thực cho tới các hoạt động tâm linh.
Theo quan niệm, gà là con vật thiêng, nó tượng trưng cho ánh sáng mặt trời, truyền tải được những giá trị tinh thần, niềm ước mơ của con người. Con gà có thể gọi mặt trời thức dậy, báo hiệu thời khắc lịch sử, năm cũ qua đi, năm mới đến.
"Thêm vào đó, tiếng gà gáy còn xua đuổi tà ma, xua tan đêm đông giá rét, bỏ hết đi những điều xấu của năm cũ để chào đón năm mới. Tiếng gà tạo ra âm thanh khiến cuộc sống của con người đẹp đẽ và có sức sống", ông Trung nói thêm.
PGS.TS Phạm Ngọc Trung cho biết thêm, sự cầu kỳ trong việc lựa chọn gà cúng lễ cũng thể hiện ước vọng của người Việt, mong cho một năm mới an khang, thịnh vượng hơn năm cũ.
Về mặt hình thức, người Việt thường chọn gà cúng lễ giao thừa rất cẩn thận. Gà cúng thường là gà trống đẹp, khỏe mạnh, bộ lông cánh sặc sỡ, đủ độ nặng nhất định, béo tốt,... Ngoài ra, mào gà phải to, nhiều răng cưa, điều này thể hiện được sự sung mãn của năm mới. Bên cạnh đó, khi luộc gà tránh để nứt da, chín quá, nên giữ thế 2 cánh cân đối, hướng dương ra như đang bay,...
PGS.TS Phạm Ngọc Trung cho biết thêm, lễ cúng giao thừa phải cúng đúng thời khắc chuyển giao. Việc cúng giao thừa thường được thực hiện vào giờ chính Tý (tức đúng 12h đêm hôm 30 tháng Chạp) để tiễn đưa những vị thần năm cũ và nghênh đón những vị thần mới.
Theo quan niệm của người Việt, cúng giao thừa nên bầy ngoài trời chứ không phải trong nhà. Người Việt quan niệm bầy mâm cỗ ra ngoài trời thì các vị thần linh trên trời mới nhìn thấy và sẽ phù hộ cho gia đình một năm mới bình an, hạnh phúc.
Nói thêm về ý nghĩa của lễ cúng giao thừa, chuyên gia phong thủy Nguyễn Hồng Sơn cho biết, lễ giao thừa là lễ quan trọng nhất trong dịp Tết Nguyên đán. Theo ông, người ta làm lễ trừ tịch vào thời khắc giao thừa để tiễn vị thần năm cũ và đón vị thần năm mới. Vị thần cũ giao lại công việc để thần mới tiếp nhận.
Cũng theo ông Sơn, lễ cúng giao thừa được thực hiện ở ngoài trời và trong thời gian giờ Tý (23h ngày 30 tháng Chạp đến 1h sáng ngày mùng 1 Tết).
Lễ vật cúng giao thừa ngoài trời gồm: Hương, nến, trầu, rượu, vàng, tiền (hàng mã)… Ngoài ra, lễ vật cần thêm gà trống luộc (cả con, đủ bộ), xôi nếp, bánh chưng,… tùy theo từng vùng miền.
Ông Sơn cho biết thêm, theo quan niệm dân gian, một số món ăn tuy tươi ngon, hấp dẫn nhưng lại không phù hợp để đặt lên mâm cỗ cúng vì chúng mang ý nghĩa không may mắn cho gia chủ. Tùy theo vùng miền, có nơi quan niệm vịt hay đen, hay mắm tôm, cá mè, thịt chó, trứng vịt lộn,... là những món không nên đưa lên mâm cỗ cúng giao thừa.
Theo PGS.TS Phạm Ngọc Trung, gà luộc thắp hương giao thừa thường là luộc nguyên con. Trước khi cho vào nồi luộc, cần định hình gà cho đẹp, có thể dùng lạt buộc cổ giữa hai cánh gà, cổ vươn cao, hai cánh xòe ra,... Chuẩn bị nồi sâu lòng để luộc gà và nên để lửa vừa nhỏ để gà được chín đều, không bị nứt thịt… |