Ảnh: Internet
Tha thứ cho nhau
Xưa nay “nhân vô thập toàn”, con người vốn không ai hoàn thiện. Trong cuộc sống sẽ không tránh khỏi những sai lầm thiếu sót. Đôi khi chỉ vì những sai lầm nhỏ mà dẫn tới những hậu quả khôn lường. Chính vì vậy muốn có cuộc sống vợ chồng hạnh phúc trước hết hãy học “tha thứ cho nhau”. Dĩ nhiên để học được cách tha thứ không phải ai cũng làm được. Vì vậy người trong cuộc xin mách các bạn một bí quyết nhỏ. Khi người bạn đời mắc phải lỗi lầm cần được tha thứ, chúng ta hãy nhắm mắt lại rồi từ từ nhớ lại tất cả những điều tốt đẹp mà bạn đời của mình đã có (Nhớ là chỉ những điều tốt đẹp thôi), sau đó hãy thử một lần đặt mình vào vị trí của người ta xem thử nếu là mình thì sẽ đau khổ và tuyệt vọng biết bao khi không được người mình yêu thương tha thứ. Đã có nhiều người áp dụng bí quyết nhỏ này mà cứu vãn được cuộc hôn nhân của chính mình đấy.
Nhường nhịn nhau
Nhường nhịn vốn là một phẩm chất không kém phần quan trọng trong cuộc sống vợ chồng. Tuy vậy cũng phải công bằng mà thừa nhận, nhường nhịn nhau lại là điều không mấy dễ dàng. Đã có không ít cặp vợ chồng ra toà vì vấn đề tế nhị này.
Trong những trường hợp cần phải nhường nhịn nhau, chúng ta nên nhẩm thuộc hai điều sau:
Điều 1: Vợ (chồng) luôn luôn đúng
Điều 2: Nếu không đúng xin hãy xem lại điều 1
Nghe qua tưởng chừng hài hước và dí dỏm nhưng đấy chính là bí quyết để giữ hoà khí gia đình.
Tôn trọng nhau
Ông cha ta có câu: “Vợ chồng tương kính như khách” để chỉ việc vợ chồng cần biết kính trọng nhau như những người khách. ở đây sự tương kính được hiểu theo nghĩa tôn trọng. Một gia đình hạnh phúc không thể tồn tại sự thiếu tôn trọng giữa vợ và chồng. Người vợ (chồng) đừng bao giờ xem mình “là một, là riêng, là thứ nhất”. Vì điều đó dễ khiến cho họ luôn nghĩ mình là quan trọng, ý kiến của mình là trên hết, mình có quyền quyết định đối với gia đình. Bàn bạc nhau chính là một biểu hiện của sự tôn trọng. “Thuận vợ thuận chồng tát biển đông cũng cạn”, trước bất cứ việc dù to hay nhỏ nếu cần sự quyết định dứt khoát thì cả hai vợ chồng nên bàn bạc rồi cùng đi đến một ý kiến thống nhất, có như vậy mới giúp hai người có một cuộc sống hạnh phúc.
Giúp đỡ lẫn nhau
Giống như những người bạn, vợ chồng rất cần thiết sự giúp đỡ lẫn nhau. Vợ chồng không chỉ có gắn bó nhau theo kiểu ăn đời ở kiếp mà cần biết giúp đỡ lẫn nhau trong mọi lĩnh vực: Hoạn nạn, khó khăn, cơ cực, khổ đau. Đã là vợ chồng thì hãy luôn biết ca lên bài ca “Mình với ta tuy hai mà một, ta với mình tuy một mà hai”. Có như vậy thì khi bạn đời gặp bất cứ điều gì cần sự giúp đỡ, ta mới có được ý niệm là ta đang giúp đỡ chính mình.
Học tập lẫn nhau
Học tập những ưu điểm của nhau. Mỗi người hãy tự mình trau dồi để trở thành những tấm gương cho người kia nhìn vào. Bất cứ ai cũng có những ưu điểm và khuyết điểm cùng tồn tại. Người này học tập những ưu điểm của người kia cũng chính là nhằm hạn chế bớt những khuyết điểm của chính mình. Tuy nhiên cũng có nhiều người lại không thừa nhận đây là một yếu tố quan trọng trong cuộc sống vợ chồng bởi họ quan niệm mỗi người là một cá thể riêng, mỗi người chỉ cần sống là chính mình. Nhưng ý kiến của các nhà tâm lí thì lại cho rằng với cách nghĩ như thế càng dễ khiến cho vợ chồng đi tới xung đột. Học tập lẫn nhau cũng là biết sống hoà hợp cùng nhau.
Bổ sung cho nhau
Lấy ưu điểm của mình để bù khuyết điểm của đối phương. Đây là sự kết hợp giữa hai phẩm chất: Học tập và giúp đỡ nhau. Nhưng bổ sung cho nhau còn là để người này dung hoà người kia nhằm tạo nên một sự “thăng bằng” trong gia đình.
Tuy nhiên chỉ ngần ấy thôi thì chưa đủ mà điều quan trọng và trên hết là phải yêu thương nhau. Tình yêu thương là cội nguồn của mọi phẩm chất để vợ chồng sống hạnh phúc suốt đời bên nhau.
Có thực sự yêu thương nhau mới có thể tha thứ, nhường nhịn, tôn trọng, giúp đỡ, học tập và bổ sung cho nhau. Vợ chồng sống chung trong một mái nhà giống như hai người cùng chèo một chiếc thuyền giữa bao la biển cả. Liệu họ có đưa con thuyền của mình cập được bến bờ hạnh phúc hay không đó thực sự là một nghệ thuật.
Theo Mai Bảo