Vợ mới của chồng cũ mời tôi về sống chung nhà, sự thật phía sau liên quan đến con trai khiến tôi khóc ngất

CTV
Tôi không những được mời về sống chung với chồng cũ, mà còn nhận số tiền hậu hĩnh.

Làm gì có người mẹ nào không muốn cho con mình một gia đình hoàn chỉnh, nhưng đôi khi vì hoàn cảnh khiến con người không điều khiển được lý trí và cuối cùng phải đưa ra những lựa chọn sai lầm, thậm chí khiến họ phải hối hận. Chẳng may sao, tôi lại là người rơi đúng vào trường hợp đó.

Tôi lập gia đình từ khá sớm vì nhà nghèo không có tiền học đại học, ông xã của tôi cũng không khấm khá hơn là bao. Nhưng ngày đó nhỡ mang bầu con trai nên tôi và anh quyết định cưới nhau dù cả hai chưa có gì trong tay, xe cộ không, nhà cửa lại càng không.

Ảnh minh hoạ.

Những ngày tháng khốn khó cũng bắt đầu từ đó. 3 năm sau khi con trai sắp bước vào độ tuổi lên 4, vì không chịu được hoàn cảnh khổ cực, chồng làm lụng vất vả cũng không dư lấy một đồng, thậm chí còn thiếu nữa. Vậy là tôi đã gây ra một lỗi lầm lớn mà cho đến nay, dù hối hận nhưng đã quá muộn để tôi có thể sửa chữa nó.

Là người phụ nữ đã có gia đình và một đứa con, vậy mà tôi lại phải lòng người đàn ông khác lớn hơn tôi 6 tuổi, anh ấy có đầy đủ tất cả và đặc biệt gia thế cũng không phải dạng vừa. Chúng tôi lén lút hẹn hò, cho đến khi chồng tôi phát hiện và cuối cùng cả hai đã phải đi đến quyết định ly hôn.

Ảnh minh hoạ.

Tôi không biết thời gian đó bản thân đã bị bỏ bùa mê gì, hay do đồng tiền làm mờ mắt mà ngay đến con trai cũng không còn đoái hoài đến. Chúng tôi ly hôn không tranh chấp quyền nuôi con, vì tôi là người chủ động muốn anh nuôi đứa trẻ. Dĩ nhiên là một người bố, anh ấy ngay lập tức đồng ý và sau đó anh đưa con về bên nội ở, còn tôi sang sống cùng người yêu mới của mình.

Thỉnh thoảng tôi vẫn sang nhà anh thăm con. Ly hôn được 5 tháng thì tôi nhận được tin chồng cũ lấy vợ mới. Mặc dù điều này diễn ra khá nhanh, và tôi rất sốc nhưng cũng không còn quyền gì nữa mà lên tiếng. Tôi nghĩ hiện tại cuộc sống của cả hai đều ổn theo cách riêng và lựa chọn riêng của bản thân là tốt rồi. Nào ngờ ngay sau đó một khoảng thời gian, tôi suýt ngất khi biết mình đã bị lừa dối bấy lâu này và vô tình trở thành kẻ thứ ba. Người yêu mới của tôi vậy mà đã lập gia đình, và có vợ con đang sống bên Mỹ.

Không do dự tôi ngay lập tức chấm dứt mối quan hệ sai trái này, tôi đã rơi vào khủng hoảng trầm trọng trong một khoảng thời gian sau đó. Lúc này tôi như vô định vì không biết bản thân nên làm gì và đi về đâu, tôi đã mất tất cả những gì quý giá nhất của cuộc đời mình vào tay người khác. Một gia đình nhỏ có đứa con trai cực kỳ đáng yêu và một người chồng hết mực yêu thương vợ con, dù ngày đó có cực nhọc khốn khó.

Vậy mà tôi lại là loại người "đứng núi này trông núi nọ", để rồi hôm nay nhận kết cục thê thảm thế này. Vì ngày trước chồng cũ là người lo kinh tế chính nên tôi chỉ ở nhà làm mẹ toàn thời gian, giờ tay trắng đến cả công việc tôi cũng chả biết phải bắt đầu từ đâu và bắt đầu như thế nào.

Giữa lúc hoang mang vô định, tôi như vớ được "phao cứu sinh" khi bất ngờ nhận được một đề nghị từ vợ mới của chồng cũ. Cô ấy muốn tôi về nhà sống chung. Tôi không hiểu chuyện gì đang xảy ra, và thậm chí còn nghĩ xấu cô ta đang cố tình trêu đùa mình.

Ảnh minh hoạ.

Vì lòng tự trọng, dĩ nhiên tôi thẳng thừng từ chối, nhưng sau khi nghe cô ấy nói lý do, tôi đã bật khóc nức nở. Thì ra vì con trai tôi còn quá nhỏ nhưng phải chịu đựng hết đả kích này đến đả kích khác từ các mối quan hệ gia đình không ổn định, chính vì thế mà thằng bé đã gặp rắc rối về tâm lý. 

Kể từ khi chồng cũ tôi đưa con về sống với vợ mới, dù cô ấy đối xử với con trai tôi vô cùng kiên nhẫn và nhẹ nhàng, nhưng đã thử hết mọi cách mà thằng bé vẫn chưa mở lòng với cô ấy. Ngược lại, một người mẹ không ra gì, vì tiền mà sẵn sàng bỏ con như tôi lại là người đứa trẻ cần và bày tỏ mong muốn được ở bên cạnh.

Để có thể giúp cho con chữa lành những tổn thương về tâm lý, chồng cũ của tôi và vợ mới anh ấy đã đi đến lựa chọn này. Cô ấy thậm chí còn đưa ra một đề nghị rằng, tôi có thể trở thành bảo mẫu của con trai và chăm sóc đứa trẻ cho đến khi con ổn định hẳn, cô ấy sẽ trả lương cho tôi giống như một công việc bình thường để tôi không phải ngại. 

Nhưng sự thật thì người ngại, người xấu hổ chính là tôi. Kể từ lúc cuộc nói chuyện giữa tôi và vợ mới của chồng cũ diễn ra, đêm nào tôi cũng khóc mà không thể chợp mắt được. Tôi vô cùng hối hận vì quyết định trong quá khứ của bản thân đã làm tổn thương con trai của mình.

Vậy mà từ trước đến nay tôi lại không hề hay biết gì, bởi tôi cho rằng con còn nhỏ nên sẽ không hiểu được những chuyện như thế này. Đến cả một người không máu mủ ruột rà còn quan tâm đến thằng bé thế kia, tôi thực sự không xứng đáng làm mẹ. Tôi nên làm gì với lời đề nghị ấy bây giờ, ai đó có thể cho tôi lời khuyên không?

Tâm sự từ độc giả linhchi...@gmail.com

Theo chuyên gia tâm lý, khi bố mẹ ly hôn, trẻ em ở các độ tuổi khác nhau sẽ có những phản ứng khác nhau, nhưng phần lớn sẽ trải qua cảm giác bất lực, đau khổ, tự ti, tức giận, tội lỗi, khó hiểu, oán hận,... và chịu áp lực tâm lý rất lớn.

Bố mẹ trước hết phải có hiểu biết nhất định về đặc điểm tâm lý của trẻ ở từng độ tuổi, lựa chọn cách giáo dục con phù hợp, có mức độ thả lỏng, giao tiếp bình đẳng, đặc biệt là lắng nghe con nhiều hơn, chứ không chỉ đơn thuần là thuyết giáo, kiểm soát.

Vì đứa trẻ nào trong hoàn cảnh này cũng sẽ dễ hình thành tâm lý không ổn định. Nên thay vì ép con phải chấp nhận sự thật ngay lập tức, thì bố mẹ cần phải cho trẻ thời gian, đồng thời đồng hành cùng con để giúp con dần lấy lại nhịp sống bình thường.

Thứ hai, bố mẹ hãy vượt qua nỗi đau của mình cho tốt, hãy thực sự thoát ra khỏi cái bóng của ly hôn, đừng đẩy bất hạnh hôn nhân lên đầu con cái, đừng trút những cảm xúc tiêu cực lên đầu con cái. Chỉ khi bố mẹ bình tĩnh lại, không coi con là kẻ ngang ngược thì mới hiểu được nguyên nhân đằng sau những hành vi "bất thường" của con, và để con được bộc lộ hết cảm xúc bên trong mình.

Thứ ba, bố mẹ nên để con cái cảm thấy gia đình ly hôn cũng là một hiện tượng bình thường trong xã hội ngày nay thông qua lời nói và việc làm, gia đình ly hôn cũng có thể ấm êm hạnh phúc, việc giao tiếp giữa bố mẹ và con cái cũng dễ chịu, thoải mái và tự do. Khi bố mẹ tạo ra một bầu không khí như vậy và làm gương, con cái sẽ dần thay đổi quan điểm và hành vi của mình, và sẵn sàng xây dựng một gia đình mới cùng bố mẹ.