Vụ mía 2021/2022, ngành mía đường sản xuất gần 742.000 tấn đường

Đến ngày 31/07/2022 ngành đường Việt Nam đã hoàn thành vụ mía 2021/2022. Lũy kế đến kết thúc vụ toàn ngành đã ép được 7,523,728 tấn mía sản xuất được 741,666 tấn đường. So sánh cùng kỳ với vụ ép mía 2020/2021 cho thấy sự tăng trưởng với sản lượng mía ép đạt 111,63% và sản lượng đường đạt 107,51%.

Theo thông tin từ Hiệp hội Mía đường Việt Nam, niên vụ vừa qua, toàn ngành ép được 7,523,728 tấn mía, sản xuất được 741.666 tấn đường.

Trên thế giới, thông tin từ tổ chức ISO cho biết thêm, trong nửa đầu tháng 07/2022 cho thấy chỉ số giá giao dịch hàng hóa đường thô và đường trắng dao động theo xu hướng tăng. Có vẻ như sản lượng mía của Brazil có tiến độ kém so với cùng kỳ và sự chần chừ của Ấn Độ trong việc quyết định bổ sung lượng đường xuất khẩu đã có tác động đến xu hướng tăng của cả hai thị trường đường.

Tuy nhiên xu hướng tăng không tồn tại lâu, đến nửa cuối tháng 07/2022, chỉ số giá giao dịch hàng hóa của cả hai thị trường đã chuyển sang xu hướng giảm.

Tại Việt Nam, trong nửa đầu tháng 07/2022, nguồn cung đường từ nhập khẩu tiếp tục đưa đường vào thị trường thông qua nhập khẩu trực tiếp chính ngạch từ các nước ASEAN và đường gian lận thương mại qua biên giới Tây Nam với Campuchia và Lào đang tràn vào, cộng với đường từ vụ ép 2021/2022 và cả đường lỏng siro ngô tiếp tục được nhập khẩu. Các nguồn cung dồi dào trong khi nhu cầu tiêu thụ đường chưa tăng nên các loại đường có nguồn gốc nhập khẩu đặc biệt là đường lậu tiếp tục chiếm ưu thế trên thị trường.

Trong tháng 7/2022 Văn phòng chính phủ đã có văn bản số 4080/VPCP-V.I gửi Bộ Công An, Bộ Công Thương và Ban Chỉ đạo 389 các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại đối với mặt hàng đường cát.

Nửa cuối tháng 7/2022, các địa phương đã đồng loạt triển khai các công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại đối với mặt hàng đường cát theo chỉ thị của Văn phòng chính phủ nên các hoạt động gian lận thương mại đường nhập lậu có tạm thời giảm bớt. Thời hạn kết thúc điều tra áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đối với một số sản phẩm đường mía dự kiến vào ngày 21 tháng 7 năm 2022 cũng khiến cho dòng đường nhập khẩu từ các nước ASEAN giảm bớt. Sự giảm bớt nguồn cung từ các loại đường có nguồn gốc nhập khẩu đã tạo điều kiện cho đường sản xuất từ mía có thể tiêu thụ được và cũng cải thiện được giá bán.

s-1660790272.png

Giá đường sản xuất từ mía trong nước tùy phẩm cấp đường (chất lượng và cỡ hạt) và đường nhập lậu (giá có VAT, đ/kg)

Dự báo tháng 08/2022, ngày 01 tháng 8 năm 2022, bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 1514/QĐ-BCT áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đối với một số sản phẩm đường mía nhập khẩu từ Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia và 7 Myanmar.

Với biện pháp chống lẩn tránh phòng vệ thương mại được áp dụng, lượng đường từ Thái Lan, Lào và Myanmar sẽ không bị ảnh hưởng bởi biện pháp chống lẩn tránh PVTM nên vẫn sẽ được nhập khẩu tương đương với mức đã nhập khẩu đầu năm 2022, và đường nhập lậu cũng vẫn sẽ duy trì mức nhập khẩu đầu năm 2022.

Một loại đường khác là đường nhập khẩu theo loại hình sản xuất xuất khẩu cũng sẽ không bị ảnh hưởng bởi biện pháp chống lẩn tránh nên vẫn sẽ được nhập khẩu tương đương với mức đã nhập khẩu đầu năm 2022.