Theo tin tức báo Pháp luật TP.HCM đăng tải, Công ty Nhật Cường được thành lập năm 2001, do Bùi Quang Huy (hiện bỏ trốn, đang bị truy nã) làm Tổng giám đốc. Ngoài ra, Huy còn thành lập Công ty Nhật Cường Quảng Châu (đặt tại Trung Quốc) chuyên tiếp nhận hàng hóa từ Hong Kong về Quảng Châu, sau đó đưa vào Việt Nam.
Từ năm 2014 đến 2019, Huy chỉ đạo và tổ chức mua 255.311 sản phẩm điện thoại di động, máy nghe nhạc, máy tính bảng, đồng hồ… (cả cũ và mới) từ 16 nhà cung cấp nước ngoài, với tổng trị giá 2.927 tỉ đồng.
Tại chi nhánh Nhật Cường ở Trung Quốc, Bùi Quang Huy thuê Trần Tất Khoa (SN 1981, quê Thanh Hóa) và Lê Hoài Phương (SN 1987, quê Tiền Giang) làm việc.
Trong đó, Trần Tất Khoa làm Giám đốc, Lê Hoài Phương là nhân viên của công ty này.
Đến cuối năm 2018, Công ty Nhật Cường Quảng Châu dừng hoạt động, Khoa, Phương về Việt Nam làm việc tại Công ty Nhật Cường.
Báo Dân Việt đưa tin, theo kết luận điều tra, trong thời gian làm tại Công ty Nhật Cường Quảng Châu, Bùi Quang Huy chỉ đạo Trần Tất Khoa, Lê Hoài Phương thực hiện việc tiếp nhận hàng hóa, chủ yếu là mặt hàng điện thoại di động các loại, máy tính bảng từ Hồng Kông, do đường dây vận chuyển Tiến Lokchum vận chuyển từ Hồng Kông giao cho Công ty Nhật Cường Quảng Châu.
Toàn bộ hàng hóa tiếp nhận đều không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc.
Sau khi tiếp nhận, Khoa, Phương cùng Đàm Văn Hiệp (đã chết) thực hiện nhiệm vụ kiểm đếm, đóng thùng, gửi hàng về Việt Nam giao cho Công ty Nhật Cường.
Tại Cơ quan điều tra, Trần Tất Khoa, Lê Hoài Phương xác định, do hàng hóa không có hóa đơn, chứng từ nên không tiến hành làm thủ tục khai báo hải quan để nhập khẩu, mà thực hiện việc gửi hàng theo đường bộ. Cụ thể, từ Bằng Tường (Trung Quốc) về Lạng Sơn, và từ Đông Hưng (Trung Quốc) về Móng Cái. Đồng thời số lượng hàng hóa lớn, không thể vận chuyển qua biên giới với lượng lớn nên phải chia nhỏ thành nhiều chuyến.
Từ tháng 11/2015 đến tháng 12/2017, theo chỉ đạo của Bùi Quang Huy, Khoa và Phương đã tham gia kiểm đếm, đóng gói, vận chuyển trái phép từ Trung Quốc về Việt Nam giao cho Công ty Nhật Cường 33.129 sản phẩm. Các sản phẩm này gồm điện thoại di động các loại, máy tính bảng,… với tổng giá trị hơn 447 tỷ đồng.
Theo kết luận điều tra, Công ty Nhật Cường do Bùi Quang Huy làm tổng giám đốc được thành lập năm 2001.
Từ năm 2013-2019, Công ty Nhật Cường kinh doanh mua bán điện thoại di động và các thiết bị điện tử khác. Tuy nhiên, doanh nghiệp này nhập hàng của nước ngoài về bán tại Việt Nam không qua hải quan, không nộp thuế.
Trong đó, giai đoạn 2014 - 2019 Nhật Cường bán hơn 255.000 sản phẩm điện thoại, thiết bị điện tử với giá trị hơn 2.927 tỉ đồng. Bùi Quang Huy bỏ ra hơn 72 tỉ đồng để vận chuyển trái phép các thiết bị từ Trung Quốc về Việt Nam phân phối, hưởng lợi bất chính hơn 221 tỉ đồng.
Bùi Quang Huy cũng chỉ đạo ghi sổ sách kế toán trên 2 hệ thống, đầy đủ trên hệ thống bí mật, nội bộ và không ghi chép hết trên hệ thống công khai với cơ quan quản lý nhà nước.
Trong vụ án này, cơ quan điều tra đã tách hồ sơ các hành vi "Rửa tiền" và "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" ra xử lý sau do Bùi Quang Huy đang bỏ trốn.
Quá trình điều tra, cảnh sát cũng phong tỏa một số tài khoản trị giá hơn 8 tỉ đồng; tạm giữ gần 2.000 sản phẩm điện thoại, đồng hồ Apple, máy tính...