Lọt vào đến trận chung kết World Cup là một kỳ tích của ĐT Croatia . Nhưng nền bóng đá của đất nước với hơn 4 triệu dân này không hề sáng sủa như thành tích mà ĐTQG đạt được. Trái lại, nó có rất nhiều mảng tối.
Bóng đá trong bàn tay tội phạm
Mamic bị cho là ăn chặn tiền của cầu thủ nhiều năm qua.
Ngay trước khi World Cup khởi tranh, Mamic – cựu chủ tịch CLB Dinamo Zagreb – chuyển tới Bosnia & Herzegovina. Một tòa án tại Croatia xác định Mamic phạm các tội như lừa đảo, làm giàu bất chính, trốn thuế và nhiều tội khác.
Trong đó, điều khiến người hâm mộ phẫn nộ nhất là Mamic đã ăn chặn tiền lương của rất nhiều cầu thủ Croatia chơi bóng tại nước ngoài trong suốt sự nghiệp của họ.
Modric, Mandzukic hay Lovren đều có liên quan đến vụ án này. Lời khai của Modric ban đầu chống lại Mamic, nhưng sau đó anh lại quay ngoắt 180. Điều này khiến Modric bị nhiều người căm ghét ngay tại quê nhà.
ĐTQG hỗn loạn
Croatia suýt nữa đã không được dự World Cup 2018.
Croatia trên thực tế không có chiến lược phát triển bóng đá thực sự bài bản. Do có nhiều cầu thủ thi đấu tại nước ngoài, ĐTQG Croatia không phải lúc nào cũng chơi một cách ăn ý.
Cho đến trước thành công ở World Cup 2018 , họ đã trải qua hàng loạt giải đấu thất bại trong gần 20 năm qua. Điểm sáng hiếm hoi là việc lọt vào tứ kết Euro 2008.
Tại Euro 2016, cựu danh thủ Davor Suker đồng thời là Chủ tịch LĐBĐ Croatia bị cho là đã can thiệp vượt quyền HLV, tự ý sắp xếp đội hình và chiến thuật trong các trận đấu.
HLV hiện tại Zlatko Dalic thực tế cũng mới chỉ nắm quyền 2 ngày trước trận cuối cùng vòng loại World Cup 2018. Nếu trận đấu với Ukraine không kết thúc với chiến thắng, Croatia đã mất suất đá play-off vào tay Slovakia chứ đừng nói đến việc tung hoàng ở World Cup.
Ngay ở giải đấu trên đất Nga, HLV Dalic cũng phải đuổi tiền đạo Kalinic và chia tay trợ lý Vukojevic để đảm bảo kỷ luật cho đội tuyển.
Sự "chuyên quyền" của Dinamo Zagreb
Với ngân quỹ vượt trội các CLB khác, Dinamo Zagreb gần như "lũng đoạn" giải VĐQG Croatia. Giải mới tổ chức được 27 mùa thì Dinamo Zagreb đã vô địch tới 19 lần.
Mức độ ảnh hưởng của đội bóng này còn lớn hơn cả Bayern với Bundesliga hay Juventus tại Serie A. Dinamo Zagreb tiêu diệt các đối thủ bằng cách mua lại các ngôi sao và còn "gặt" sạch những tài năng trẻ hứa hẹn.
Ngoài ra, tồn tại nhiều lời đồn đại rằng Dinamo Zagreb sẵn sàng dùng tiền dàn xếp tỉ số để đảm bảo vị thế tại giải quốc nội.
Nhưng không giống như Bayern, Juventus – luôn có tham vọng vươn ra châu Âu - Dinamo Zagreb đúng nghĩa một đội bóng "làm kinh tế". Theo báo cáo từ một trung tâm nghiên cứu bóng đá Thụy Sĩ, CLB này đứng thứ tư trong top các "nhà cung cấp" cầu thủ cho thị trường chuyển nhượng châu Âu.
Dinamo Zagreb thâu tóm các sao trẻ, huấn luyện họ thành tài, rồi bán cho các CLB khắp từ Đức, Anh, Italia cho đến Tây Ban Nha… Tiền thu được họ lại đem đi mua sao trẻ tiếp. Cứ theo vòng quay ấy, Dinamo Zagreb kiếm về những số tiền khổng lồ.
Mục đích kinh tế đạt được, Dinamo Zagreb cũng chẳng thèm muốn gì ở các cúp châu Âu. Họ thi thoảng mới thắng được một trận và dĩ nhiên khó mà tiến xa, cho dù nhiều người đánh giá CLB này đủ sức xây dựng đội hình canh trạnh được tại Europa League.
Nạn hooligan
Các CĐV Croatia đánh lẫn nhau.
Trong trận gặp Séc tại Euro 2016, một hình vô cùng xấu xí xuất hiện trên khán đài. Các CĐV Croatia lao vào… đánh lẫn nhau khiến nhiều người bị thương. LĐBĐ Croatia đã bị phạt 77.000 USD vào thời điểm đó.
Tại giải VĐQG, các trường hợp CĐV quá khích cầm pháo sáng ném nhau và ném xuống khán đài không phải quá hiếm gặp.
Croatia cũng là một trong số các quốc gia bị liệt vào nhóm "cần cảnh giác" về nạn hooligan tại World Cup 2018. May mắn là cho đến thời điểm này, chưa có sự cố nào diễn ra.