LTS: "Không vạch áo cho người xem lưng” là tâm niệm của rất nhiều người Việt. Chính vì thế mà “vạn bất đắc dĩ” họ mới để người ngoài biết câu chuyện của gia đình mình. Lý do để “vạch áo” của họ khiến những người biết chuyện chỉ biết thở dài xót xa…
Đắng lòng cha “đưa” con ra tòa
Với kinh nghiệm nhiều năm hành nghề luật sư, từng ngày từng giờ vẫn luôn miệt mài trong hành trình bảo vệ công lý, luật sư Phạm Hồng Kiên – Giám đốc công ty Luật Cán Cân Việt đã tiếp xúc với rất nhiều các vụ án từ đơn giản đến phức tạp. Thế nhưng, đã nhiều năm trôi qua, luật sư Kiên vẫn không thể quên vụ người cha già đau đớn tố cáo con mình trước tòa chỉ những mong con hiểu vẹn tròn được chữ hiếu.
Tối muộn ngày 28/12/2018, công ty Luật Cán Cân Việt đóng cửa muộn hơn mọi ngày khi đôi vợ chồng già xuất hiện. Họ run rẩy cầm trong tay xấp tài liệu nhăn nhúm được bọc gói cẩn thận. Với khuôn mặt mệt mỏi, người đàn ông tự giới thiệu mình là Nguyễn Văn An (SN 1936) cùng vợ là bà Hoàng Thị Mai (SN 1939), cùng trú tại thị xã Sơn Tây, Hà Nội.
Khi được hỏi về mục đích tìm đến công ty luật, người đàn ông cất tiếng nói: “Tôi muốn tố cáo con trai ruột. Muốn nó phải chịu tội trước pháp luật”. Câu nói dứt khoát nhưng chất chứa bao nỗi uất hận, đau đớn của 1 người cha khiến luật sư Kiên không khỏi xót xa.
Theo ông An, nguồn cơn của câu chuyện bắt đầu từ hai chữ “tài sản”. Từ thuở còn bàn tay trắng, ông An cùng vợ chăm chỉ làm ăn, cùng nhau khai hoang cải tạo bãi rác tại Sơn Tây để xây dựng căn nhà nhỏ. Sau này, cơ sở hạ tầng phát triển, mảnh đất này thuộc về phường Trung Hưng, thị xã Sơn Tây với diện tích là 348 m2.
Khi con trai lấy vợ và sinh con gái đầu lòng, thương con ở chật chội, ông quyết định cho con trai là Nguyễn Văn Trung (SN 1962) ra 1 ngôi nhà trên mảnh đất đó để ở cho tiện sinh hoạt. Đến năm 2004, vợ chồng ông An đến làm nhà và sinh sống trên cùng mảnh đất với vợ chồng Trung. Cả hai gia đình nhỏ sử dụng lối đi chung. Do thấy con chưa tu chí làm ăn nên vợ chồng ông An quyết định chưa làm thủ tục cho con để anh này làm Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Và cũng từ đây, bi kịch gia đình xảy ra với vợ chồng ông An.
Để khẳng định quyền sử dụng đất là của mình, Trung đã thực hiện kế hoạch gây ức chế, tra tấn tinh thần của bố mẹ đẻ. Mỗi ngày, Trung lại chửi rủa bố mẹ, vứt bỏ quần áo, đồ dùng cá nhân của ông bà ra đường. Nhẫn tâm hơn, khi bà Mai đang ở nhà một mình, Trung liền lấy con dao gí vào cổ, đuổi mẹ ra khỏi nhà. Cực chẳng đã, vợ chồng ông phải dọn về ở cùng cậu con trai út. Tuy nhiên, Trung vẫn chưa từ bỏ ý định. Đỉnh điểm là ngày 10/6, vì muốn bố mẹ không còn liên quan đến mảnh đất đó, Trung đã tự ý dùng dao chém 12 tấm tôn lợp mái nhà của ông An và phá vỡ bồn cầu mà bố mẹ đang sử dụng. Đường cùng, người cha già phải nhờ đến sự can thiệp của pháp luật.
Bản án và nỗi đau
Tại phiên tòa sơ thẩm được mở tại TAND thị xã Sơn Tây, ông Nguyễn Văn An nói trong nước mắt: “Việc đi tố con trai do chính mình nuôi nấng, chăm bẵm từ khi còn đỏ hỏn là sự vô phúc cho gia đình chúng tôi. Cả đời tôi lam lũ nuôi con trưởng thành, mong nó sống cho phải đạo, biết nghĩa, biết hiếu. Nhưng đến cuối đời lại bị chính con trai mình miệt thị bằng những ngôn từ đau đớn nhất. Lòng tham đã làm hoen ố tình thân”.
Luật sư Kiên cho biết, dù giận con đến đâu nhưng lòng bao dung của người cha vẫn luôn hiện hữu. Khi tố cáo con, thật tâm, ông An không mong con rơi vào cảnh tù tội. Tất cả những việc ông làm chỉ để mong cậu con trai tĩnh tâm lại mà sống với cha mẹ cho phải đạo…
“Cũng tại phiên tòa, ông An liên tục nhận trách nhiệm về bản thân khi chưa dạy được con biết sống có trên có dưới, làm tròn đạo hiếu. Đáng tiếc, vì lòng tham vô đáy, Nguyễn Văn Trung không một chút ăn năn, vẫn liên tục thách thức bố mẹ và xúc phạm đấng sinh thành”, luật sư Kiên nhớ lại.
Chưa bao giờ luật sư Kiên thấy phiên tòa nào mà tất cả những người có mặt đều phải dùng khăn lau nước mắt khi nghe bị hại trình bày. Họ căm phẫn người con trai bất hiếu bao nhiêu thì thương cho đôi vợ chồng già lưng còng, mắt kém bấy nhiêu.
Sau cùng, TAND thị xã Sơn Tây – TP.Hà Nội tuyên bố Nguyễn Văn Trung phạm tội Hủy hoại tài sản và xử phạt 6 tháng cải tạo không giam giữ. Đồng thời buộc Trung phải bồi cho vợ chồng ông An gần 6 triệu đồng. Khi HĐXX công bố mức án, nước mắt người cha lăn dài trên gò má. Với phán quyết trên, ông An là người “thắng kiện”. Nhưng “chiến thắng” này càng chỉ khiến đôi vợ chồng già thêm cay đắng, muộn phiền bởi người thua kiện lại là “núm ruột” của chính ông bà…
*Tên các nhân vật đã được đổi
“Kết thúc phiên tòa, con trai “dính” tiền án, người đau xót nhất vẫn là ông Nguyễn Văn An. Người cha già không ngừng nhìn con gào thét đòi kháng cáo với ánh mắt bất lực. Ông vẫn không ngừng hi vọng, sau bản án này, con trai ông sẽ thực sự tỉnh ngộ, bởi với lòng bao dung của người cha, ông không hề muốn thiên hạ gọi núm ruột tình thân của mình là kẻ bất hiếu”, luật sư Kiên trăn trở. |