Sự tích ngày ông Công ông Táo (sự tích vua bếp)
Theo giáo sư Trần Ngọc Thêm trong Cơ sở Văn hóa Việt Nam, ngày xưa có hai vợ chồng nghèo khổ, sau một năm mất mùa, người chồng phải đi làm ăn xa, nhiều năm bặt tin không về. Người vợ để tang chồng, sau đó, nối duyên với một người đã cưu mang nàng.
Một ngày kia, trong khi người chồng mới đi vắng, người chồng cũ bỗng trở về. Lúc này, người vợ chỉ biết ôm chồng cũ khóc than rồi đem cơm rượu cho ăn. Sợ điều tiếng, người vợ bảo chồng cũ ra đống rơm núp tạm. Người chồng mới về nhà, vào bếp lấy tro bón ruộng nhưng không có, bèn đốt đống rơm, vô tình giết người chồng cũ.
Thấy chồng cũ chết oan uổng trong đống rơm, người vợ thương xót nên nhảy vào lửa cùng chết. Người chồng mới thấy vậy, thương vợ nên cũng nhảy vào lửa chết theo dù chưa hiểu đầu đuôi câu chuyện.
Trời thấy ba người sống đầy tình nghĩa nên phong cho họ làm vua Bếp để được gần nhau mãi mãi và để lửa luôn đốt nóng tình yêu của họ. Trong bộ ba đó, người chồng mới là Thổ Công trông nom việc trong bếp, người chồng cũ là Thổ Địa trông coi việc trong nhà và người vợ là Thổ Kỳ trông coi việc chợ búa.
Ngoài ra, tác giả Nhất Thanh trong Đất lề quê thói cho biết theo học phái Lão Tử, ông Công là một vị thần trông coi việc thiện, ác của từng gia đình để cuối năm lên tâu Ngọc Hoàng.
Theo Nhất Thanh, người dân không suy nghĩ về sự khác biệt giữa các truyền thuyết, họ chỉ biết thành kính phụng thờ, tin tưởng thần lực uy quyền. Họ thường nghĩ đến Táo quân khi trong nhà có việc không suôn sẻ.
Vì sao thả cá chép ngày ông Công ông Táo
Giải thích về lý do cũng như ý nghĩa phóng sinh cá chép, ông Nguyễn Cung Hà Phó Chủ nhiệm bộ môn Cận Tâm Lý thuộc Viện Nghiên cứu và Ứng dụng tiềm năng con người; Phó giám đốc trung tâm nghiên cứu và ứng dụng văn hóa Á Đông cho biết: "Các gia đình thả cá chép trong ngày 23 tháng Chạp là dựa trên sự tích cá chép vượt vũ môn và hóa rồng. Trong tất cả các loài sống dưới nước chỉ có cá chép là có thể vượt qua vũ môn lên trời và hoá thành rồng được".
Trao đổi thêm với PV, ông Nguyễn Hào Hùng nguyên là Cán bộ nghiên cứu Viện nghiên cứu Đông Nam Á và từng là Phó Tổng biên tập Tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á cho hay không thể thay thế cá chép bằng con vật nào khác trong ngày cúng ông Công ông Táo: "Cá chép là phương tiện đi lại duy nhất không thể thay thế để Táo quân về trời. Do đó, không thể thay cá chép bằng con vật khác. Huống hồ cá chép đã trở thành biểu tượng của văn hóa: Cá hóa long (hóa rồng), cá vượt vũ môn (tôn vinh sự học thành đạt), thể hiện sự từ bi của người Việt (phóng sinh) đẹp như thế dễ gì thay được".
Chính vì thế, theo quan niệm dân gian, cá chép phải được thả trước giờ Ngọ (12h trưa ngày 23 tháng Chạp) mới kịp lên thiên đình. Nhiều gia đình thường lựa chọn sông, suối, hồ nước gần nhà để thả cá. Tuy nhiên, thả cá thế nào cho đúng ý nghĩa cũng là vấn đề được mọi người lưu tâm.
Ý nghĩa thả cá chép ngày cúng ông Công ông Táo
Tác giả Minh Đường trong Nghi lễ dân gian – Nghi lễ cúng gia tiên cho hay trong các vị thần, Táo quân là vị thần theo sát cuộc sống của mọi người với vai trò là tay chân của Ngọc Hoàng đến với muôn nhà.
Thường ngày, Táo quân ghi lại những công tội, tốt xấu của mọi người để đến ngày trở về trời báo cáo với Ngọc Hoàng, làm cơ sở để thưởng cho cái tốt và phạt cái xấu. Vì vậy, để được Táo quân phù trợ, người ta thường làm lễ tiễn đưa ông Táo về chầu trời rất trọng thể.
Theo giáo sư Trần Ngọc Thêm, một năm mở đầu bằng Tết Nguyên Đán và kết thúc bằng Tết ông Táo vào 23 tháng Chạp. Đến đêm 30 tháng Chạp, ông Táo trở về cùng gia đình bước vào năm mới. Như vậy, hệ thống lễ Tết làm thành một chu trình khép kín, âm dương chuyển hóa cho nhau.
Ngoài ra, ông cũng lý giải về mối quan hệ giữa Thổ Công (địa thần ) với ông bà tổ tiên (nhân thần). Cụ thể, Thổ Công định đoạt phúc họa cho cả nhà nên là vị thần quan trọng nhất nhưng ông bà tổ tiên được tôn kính nhất.
Để không làm mất lòng ai, người dân xếp cho tổ tiên ngự tại bàn thờ tôn kính nhất ở gian giữa, còn Thổ Công ở gian bên trái (theo Ngũ hành, bên trái - phương Đông là nơi quan trọng thứ hai sau trung tâm).
Tuy địa vị kém nhân thần nhưng quyền lực của địa thần lại lớn hơn, Thổ Công được coi là Đệ nhất gia chi chủ. Mỗi khi giỗ cha mẹ, người dân đều phải khấn Thổ Công trước rồi xin phép cho cha mẹ được về "phối hưởng".
Trúc Chi t/h