10 món đặc sản của tỉnh Bắc Kạn, ăn một lần nhớ cả đời

Ngoài cảnh đẹp non nước hữu tình của hồ Ba Bể, Bắc Kạn còn có những đặc sản dân tộc đặc trưng khiến bước chân lữ khách du lịch nơi đây phải lưu luyến.

Đến với Bắc Kạn, các bạn không những có cơ hội tham quan khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp mà còn được thưởng thức các loại đặc sản mang đậm bản sắc của đồng bào dân tộc nơi đây.

1. Cá nướng Pác Ngòi

Cá nướng Pác Ngòi có chất lượng tuyệt vời, thơm ngon, chắc thịt. Ảnh: cungphuot.info

Cá trong hồ Ba Bể có rất nhiều, thường được người dân đánh bắt thủ công, số lượng cá không nhiều nhưng chất lượng thì thật tuyệt vì thịt cá trắng, chắc và có vị ngọt. Người ta chọn lấy loại cá chỉ nhỏ bằng ngón tay cái, loại cá này vừa giống như cá bống, vừa giống con cá nẹp ở xuôi để làm món cá nướng.

Để có được món cá nướng, người dân nơi đây đã phải trải qua một quá trình chế biến cá, dù không khó nhưng lại mất thời gian. Cá tươi sau khi được đánh bắt chọn những con đều nhau, mổ lấy ruột bỏ đi và rửa sạch, sau đó cho vào chõ đồ chín tới.

Tiếp đến người ta dùng nẹp tre để tạo thành kẹp, mỗi kẹp chừng 8 – 10 con. Đem những kẹp cá phơi cho khô ngoài nắng. Phơi khoảng 3 – 4 nắng là được.

Khi ăn, ta chỉ việc gỡ cá ra khỏi nẹp tre và dùng cồn để nướng (giống như nướng mực), hoặc để cả kẹp cá mang nướng trên bếp than (nướng bằng than cá sẽ ngon hơn). Không cần nướng quá kỹ vì cá đã đồ một lần rồi. Ta chỉ nướng sơ cho cá vừa chín tới. Nướng kỹ quá cá sẽ bị đắng và khô ăn sẽ kém ngon.

2. Lợn sữa quay

Thịt lợn quay nóng hổi, thơm nức mũi. Ảnh: cungphuot.info

Lợn sau khi chọc tiết thì dùng nước nấu lá ổi để cạo sạch lông, mổ moi và làm sạch trong bụng rồi nhồi vào trọng bụng lợn các nguyên liệu như quả mắc mật, tai hồi, thảo quả, quế chỉ … rồi đem quay trên than hồng.

Khi quay thì thường xuyên lấy khăn nhúng nước lau chú lợn để phần da lợn ở ngoài không bị cháy, khi lợn gần chín thì dùng que xăm thủng lợn để nước và mỡ chảy ra. Sau đó, chúng ta sẽ bỏ lợn ra khoảng 1 tiếng cho bớt nóng và để khi chặt thịt miếng thịt bày ra đĩa không bị nát.

Đĩa thịt lợn quay vàng xộm thơm lừng ngon lành đến ứa nước miếng. Cắn miếng thịt quay có vị ngọt của thịt chín tới, vị thơm của lá mác mật, vị ngậy của thịt nướng, miếng thịt được tẩm ướp đậm đà, ăn một lần sẽ nhớ mãi.

3. Mắm tép Ba Bể

Mắm tép được làm đơn giản nhưng rất tốn cơm. Ảnh: cungphuot.info

Tép tươi mang về trộn đều với 1 bát cơm, 1 thìa muối, 1 chút rượu. Tất cả sau đó được cho vào lọ, đậy kín và ủ trong khoảng 1 tháng là có thể ăn được.

4. Tôm chua Ba Bể

Tôm chua Ba Bể. Ảnh:cachnauan.net

Tôm chua là món ăn ngon của Bắc Kạn, có mặt ở nhiều nơi và nhiều vùng chế biến nhưng tôm chua ở Khang Ninh- Ba Bể có một hương vị rất riêng biệt của vùng miền núi Việt bắc. Du khách đến Bắc Kạn mà không được thưởng thức tôm chua Ba Bể thì thật sự đáng tiếc.

Hiện nay cứ 5 ngày một phiên tôm chua được bày bán tại chợ Khang Ninh (trên đường du khách vào tham quan hồ Ba Bể) bởi lẽ nó không chỉ là món ăn quen thuộc của đồng bào miền núi nữa mà nó đã được nhiều du khách thập phương biết đến.

5. Bánh Coóc Mò

Bánh Coóc Mò. Ảnh: Thủy Phương Nông

Coóc mò cũng là một loại bánh được bà con các dân tộc Bắc Kạn hay làm. Mới nhìn qua nhiều người nhầm là bánh gio vì hình thức bánh coóc mò cũng giống như vậy . Bánh cũng được gói theo hình chóp nhưng lá gói bánh lại là lá chuối.

Bánh coóc mò ăn có vị đậm và thơm bởi được làm từ gạo nếp nương và lạc nhân đỏ . Ăn không ngán, mùi vị hợp với nhiều người, bánh coóc mò rất hợp với những bữa điểm tâm buổi sáng.

6. Lạp xường Bắc Kạn

Ảnh: Nhà hàng Nguyễn Văn Khoa

Lạp xường được làm bằng bàn tay của người Bắc Kạn có mùi của nắng vùng cao, mùi của khói bếp, thoảng mùi gừng, mùi rượu, mùi mắc mật thơm một cách đặc biệt. Vị dai của lòng, vị ngọt của thịt nạc, vị béo của mỡ hòa quyện với nhau, ăn thật ngon miệng.

7. Bánh trứng kiến

Bánh trứng kiến (tiếng Tày gọi là “pẻng rày”), nguyên liệu gồm: Trứng kiến, bột gạo, lá non của cây vả. Làm bánh trứng kiến việc vất vả nhất là đi lấy trứng kiến về để làm nhân bánh. Trước hôm làm bánh người ta vào rừng tìm trứng kiến. Loại kiến đen có thân nhỏ, đuôi nhọn, đi lại khá nhanh và thường làm tổ trên cây vầu.

Vỏ bánh thì đơn giản hơn rất nhiều, gạo nếp được xay cho nhuyễn và cô thành bột dẻo, những người có kinh nghiệm khi làm bánh trứng kiến thường pha một tỷ lệ nhất định bột gạo tẻ vào chung với bột nếp, chất lượng bánh sẽ ngon hơn. Bên ngoài bọc những chiếc lá vả xanh non để làm áo cho những chiếc bánh.

Để làm nhân bánh người ta phi thơm hành rồi cho trứng kiến vào rang cho thơm phức và béo ngậy, việc này cũng phải hết sức khéo léo vì nếu quá lửa trứng sẽ cháy nát hết. Sau khi nhân bánh được chuẩn bị xong người ta sẽ tiến hành làm bánh. Bột gạo được dát mỏng vừa phải, dày cỡ nửa phân rồi áp vào lá vả non.

Tiếp đến là cho trứng kiến đã xào rải đều trên mặt miếng bột, sau đó gói miếng bột vào để bọc lấy nhân bánh, để bánh được đẹp hơn người ta cố gắng thật khéo tay để bánh được vuông vức. Cuối cùng là bọc bên ngoài một lớp lá vả bánh tẻ rồi cho vào nồi đồ như đồ xôi độ 30 phút là chín.

Theo bà con người Tày đối với bánh trứng kiến không thể thay lá vả bằng loại lá khác. Khi ăn cũng đừng tìm cách bóc tách lớp lá vả non bên trong đi bởi phải ăn cả lớp lá này thì bánh mới bùi và ngon hơn rất nhiều, mà có muốn bóc cũng rất khó bởi lá vả non sau khi được hấp chín đã dính chặt vào bánh.

8. Bánh ngải

Ảnh: cachnauan.net

Mỗi dân tộc đều sáng tạo ra những loại bánh có hương vị khác nhau, có một loại bánh mà chỉ người Tày mới có đó là bánh ngải. Bánh ngải có màu xanh đặc trưng của thiên nhiên, hình thù và cách làm gần giống với bánh dày của người miền xuôi.

Muốn bánh thơm, dẻo phải chọn loại nếp nương và không được lẫn dù chỉ một hạt gạo tẻ. Bánh ngải là thứ bánh rất dễ ăn, mát và không ngấy, nếu ai đã từng ăn một lần sẽ không quên mùi vị của loại bánh dân dã này. Vị hăng hăng, thơm thơm là lạ của lá ngải như dung hòa cái dẻo, cái ngọt của nếp, của đường, miếng bánh có sự tươi non của đồi nương, cái hoang dã của lá rừng.

9. Xôi Đăm Đeng

Ảnh: Ngọc Kim/cungphuot.info

Xôi Đăm Đeng là món ăn đặc sắc của người dân miền núi phía Bắc từ bao đời nay. Xôi Đăm Đeng thường có trong những phiên chợ, ngày cưới hay dịp lễ, tết của người dân tộc miền núi phía Bắc, đặc biệt là vào dịp tết thanh minh (3/3 âm lịch).

Món xôi này rất độc đáo vì được nấu từ gạo nếp nương và tất cả màu sắc của xôi không tạo ra bằng phẩm màu mà bằng hương sắc của cây cỏ. Người ta lấy lá của cây cẩm và vài loại lá khác đun lên, chắt nước ra, ngâm gạo nếp vào khoảng vài giờ rồi mang đồ trên chõ gỗ. Nước ngâm gạo phải nóng già thì khi chín xôi mới có độ dẻo.

Xôi Đăm Đeng có một mùi thơm đặc trưng của cây cỏ, không thể lẫn với bất cứ loại xôi nào khác. Hạt xôi bóng đẹp nhưng không ướt, khi nguội hạt xôi se lại nhưng vẫn mềm, dẻo và thơm. Xôi Đăm Đeng thường được ăn với muối vừng hoặc ruốc tùy theo khẩu vị từng người. Người dân Bắc Kạn quan niệm rằng ăn xôi này sẽ mang lại nhiều may mắn và tốt lành.

10. Khâu nhục

Ảnh:cachnauan.net

Là món ăn đặc biệt mang đậm tính dân tộc của nhân dân Bắc Kạn. Ai đã một lần được thưởng thức thì khó có thể quên bởi mùi vị của món ăn rất hấp dẫn , không chỉ thơm ngon,béo ngậy mà còn rất bùi.

Món khâu nhục làm cũng lắm công phu, khoai được chọn phải là khoai môn Bắc Kạn, bên trong lòng khoai có vân màu tím . Thịt lợn phải là thịt ba chỉ ngon, luộc sơ qua,dùng tăm tre chọc bì thật kĩ ,tẩm ướp gia vị rồi đem quay.

Món khâu nhục làm cầu kì nhưng ăn lại rất ngon nên người dân Bắc Kạn thường dành vào những dịp đặc biệt như lễ tết, cưới hỏi và vào nhà mới . Chỉ cần thử một chút bạn cũng đủ cảm nhận được hết hương vị của món đặc sản này, vị béo ngậy của thịt, vị thơm của khoai dã hầm bở… tất cả đều kết tinh trong món ăn.

Ngưòi Bắc Kạn rất tự hào vì ngoài đặc sản cơm lam, bánh gio, tôm chua… còn có thêm món khâu nhục và họ không bỏ qua cơ hội để giới thiệu đặc sản của quê hương mình với thực khách gần xa.

Theo Ngọc Giang/Tin Nhanh Online