20 bệnh nền nguy trở nặng và tử vong cao khi mắc COVID-19

Ngày 21/12, bộ Y tế đã có công văn khẩn gửi UBND các tỉnh, thành phố về việc hướng dẫn quản lý, bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ mắc COVID-19,

Ngày 21/12, bộ Y tế đã có công văn khẩn gửi UBND các tỉnh, thành phố về việc hướng dẫn quản lý, bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ mắc COVID-19, theo Sức khỏe & Đời sống.

Bộ Y tế cho biết tình hình dịch COVID-19 hiện nay vẫn đang diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia trên thế giới với các biến thể mới được ghi nhận có khả năng lây lan nhanh và gây nguy hiểm như Delta (B.1.617), Omicron (B.1.1.529).

Trong đó nhóm có nguy cơ lây nhiễm cao với mức độ bệnh tăng nặng và tử vong cao khi mắc COVID-19 là nhóm người trên 50 tuổi, người có bệnh nền, người chưa được tiêm chủng hoặc chưa tiêm chủng đầy đủ.

20 benh nen de tro nang

Ảnh minh họa. Ảnh: Sức khỏe & Đời sống.

Theo bộ Y tế có 20 bệnh nền có nguy cơ cao khi mắc COVID-19, đó là:

1. Đái tháo đường

2. Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và các bệnh phổi khác

3. Ung thư (đặc biệt là các khối u ác tính về huyết học, ung thư phổi và bệnh ung thư di căn khác).

4. Bệnh thận mạn tính

5. Ghép tạng hoặc cấy ghép tế bào gốc tạo máu

6. Béo phì, thừa cân

7. Bệnh tim mạch (suy tim, bệnh động mạch vành hoặc bệnh cơ tim)

8. Bệnh lý mạch máu não

9. Hội chứng Down

10. HIV/AIDS

11. Bệnh lý thần kinh (bao gồm cả chứng sa sút trí tuệ)

12. Bệnh hồng cầu hình liềm, bệnh thalassemia, bệnh huyết học mạn tính khác

13. Hen phế quản

14. Tăng huyết áp

15. Thiếu hụt miễn dịch

16. Bệnh gan

17. Rối loạn do sử dụng chất gây nghiện

18. Đang điều trị bằng thuốc corticosteroid hoặc các thuốc ức chế miễn dịch khác.

19. Các bệnh hệ thống.

20. Bệnh lý khác đối với trẻ em: Tăng áp phổi nguyên hoặc thứ phát, bệnh tim bẩm sinh, rối loạn chuyển hóa di truyền bẩm sinh, rối loạn nội tiết bẩm sinh mắc phải.

Ngoài ra, tại công văn này, bộ Y tế cũng hướng dẫn nhóm nguy cơ khác là người trên 50 tuổi; phụ nữ có thai.

Bộ Y tế lưu ý khi thực hiện việc cách ly, theo dõi, điều trị tại nhà cho người mắc COVID- 19 thuộc nhóm nguy cơ cao cần tuân thủ các hướng dẫn chuyên môn về cách tự chăm sóc và theo dõi sức khỏe tại nhà; cấp phát thuốc điều trị COVID-19 theo quy định.

Đồng thời hướng dẫn người bệnh khi cảm thấy khó thở (thở hụt hơi, khó thở tăng lên khi vận động, nhịp thở khi nghỉ ngơi > 20 lần/phút hoặc đo SpO2 < 96%) phải liên hệ ngay với bác sĩ để được tư vấn, hỗ trợ, đánh giá tình trạng bệnh, sơ cấp cứu và chỉ định chuyển cơ sở điều trị kịp thời.

Thực hiện chăm sóc, điều trị bệnh nền cho người mắc COVID-19 thuộc nhóm nguy cơ cao tại nhà hoặc tại các cơ sở điều trị cần có tư vấn và phối hợp của cán bộ chuyên khoa tương ứng với bệnh nền của người mắc COVID-19.

Tách riêng người thuộc nhóm nguy cơ để thực hiện việc theo dõi sức khỏe, cách ly đảm bảo việc giảm thiểu thấp nhất nguy cơ mắc COVID-19.

Tổ chức các biện pháp phát hiện sớm người mắc bệnh không lây nhiễm (bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường, ung thư, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản...) để quản lý điều trị kịp thời.

Quản lý, theo dõi sức khỏe, hướng dẫn, tư vấn người mắc bệnh không lây nhiễm bảo đảm chế độ ăn uống, vận động thể lực, tuân thủ điều trị và tự chăm sóc, theo dõi tại nhà.

Tính từ 16h ngày 20/12 đến 16h ngày 21/12, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 16.325 ca nhiễm mới, trong đó 9 ca nhập cảnh và 16.316 ca ghi nhận trong nước (tăng 1.350 ca so với ngày trước đó) tại 62 tỉnh, thành phố (có 11.309 ca trong cộng đồng).

Tính từ ngày 27/4/2021 đến nay, số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 1.566.261 ca, trong đó có 1.157.273 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Trong ngày 20/12 có 981.748 liều vaccine phòng COVID-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 140.438.803 liều, trong đó tiêm mũi 1 là 76.115.342 liều, tiêm mũi 2 là 62.959.544 liều, tiêm mũi 3 (tiêm bổ sung/tiêm nhắc và mũi 3 của vaccine Abdala) là 1.363.917 liều.