21 năm trả nợ ân tình của cậu bé ăn xin khiến triệu người rơi nước mắt, hành động của người chị Bồ Tát mới đáng kinh ngạc

Khi Hà Vinh Phong gặp lại Đới Hạnh Phần, anh lập tức viết một tấm séc trị giá một triệu tệ, tặng, nhưng "người chị Bồ Tát" đã từ chối.
a-1735360820-3476-1735451537-1735532921.jpg
Chị em Hà Vinh Phong và Đới Hạnh Phần trong chương trình "Cảm ơn bạn đã đến" năm 2016, lan tỏa câu chuyện lòng tốt. Ảnh: QQ

Năm 1993, khi cô Đới Hạnh Phần mới 24 tuổi, trên đường từ huyện về nhà tại làng Dương Phủ, huyện Tiên Cư, thành phố Đài Châu, tỉnh Chiết Giang, phát hiện có ba thiếu niên bám theo mình. Sau khi hỏi thì cô biết được, 3 đứa trẻ bị mất trộm tiền nên đi theo xin đồ ăn, theo QQ.

Cô Đới dẫn chúng về nhà, kể lại câu chuyện cho bố mẹ. Cả nhà chuẩn bị bữa ăn thịnh soạn nhất có thể cho ba đứa trẻ đang trong cơn đói lả. Nhìn thấy Hà Vinh Phong, đứa trẻ nhỏ bé 17 tuổi, đi đôi giày bong đế, chân sưng lên, cô Đới còn đun nước nóng cho cậu ngâm chân và bôi thuốc mỡ lên vết thương. Cô tìm đôi giày tươm tất đưa cho cậu.

Sáng hôm sau, trước khi chia tay, cô Đới đã chuẩn bị đồ ăn khô và chia đều 30 tệ (nửa tháng lương của cô khi đó) cho cả ba, cùng những lời dặn dò của một người chị: "Khi đi làm xa, hãy sống thành thật và giữ chữ tín. Có uy tín mới kiếm được tiền".

Với sự chăm chỉ và không ngừng nỗ lực, Hà Vinh Phong từng bước từ một cậu bé ăn xin trở thành một người làm thuê, rồi thành chủ một nhà máy. Anh cho biết vì tuân thủ nguyên tắc trung thực và giữ chữ tín nên đã bị một số kẻ phá đám, hãm hại, có lần bị đánh phải nhập viện. Song cũng nhờ nguyên tắc làm người này, anh được tin tưởng, sự nghiệp càng ngày càng thăng tiến.

Sau 10 năm, Hà Vinh Phong trở thành một doanh nhân có tiếng. Mỗi khi gặp được khách hàng từ Chiết Giang hay Thẩm Dương, anh đều nhờ họ giúp tìm kiếm thông tin về Hạnh Phần. Đến tận năm 2014, một khách hàng đã giúp anh tìm ra ân nhân.

Hóa ra, Đới Hạnh Phần đã rời làng Dương Phủ từ nhiều năm trước. Cô cùng chồng mở một quán ăn nhỏ ở Lâm Hải. Và tên mà anh Hà ghi nhớ cũng bị sai khiến công việc tìm kiếm trong nhiều năm không có kết quả.

Khi Hà Vinh Phong gặp lại Đới Hạnh Phần, thấy cửa hàng nhỏ của chị chỉ có vài chiếc bàn, biết việc làm ăn không dễ dàng. Vì vậy, anh lập tức viết một tấm séc trị giá một triệu tệ, tặng cho "người chị Bồ Tát".

"Lúc đó tôi nghĩ rằng đây là việc nên làm. Bao nhiêu năm qua tôi tìm chị ấy chỉ để báo ơn", anh chia sẻ.

Nhưng Đới Hạnh Phần lập tức từ chối. "Em đã thành đạt, chị rất vui. Em nhớ tình nghĩa của chị còn quý hơn tấm séc này".

Tấm lòng của chị làm Hà Vinh Phong càng thêm trân trọng. Anh quyết định tặng số tiền đó cho các tổ chức từ thiện và còn sản xuất bộ phim "Một đời chị em", lấy cảm hứng từ câu chuyện này để lan tỏa lòng tốt trong cộng đồng.

Từ đó, mỗi dịp lễ tết, Hà Vinh Phong đều cùng vợ đến Chiết Giang thăm gia đình Đới Hạnh Phần. Hơn cả ơn nghĩa, họ như người thân ruột thịt.