3 thói quen khiến bạn giảm 20 năm tuổi thọ, nguy cơ ung thư tăng gấp 25 lần và gặp tới 200 vấn đề sức khỏe

CTV
Nếu bạn không muốn đoản thọ thì cần tránh xa 3 thứ dưới đây. Dù chỉ mắc một cũng có thể khiến bạn giảm tuổi thọ hàng chục năm.

Hút thuốc làm tăng nguy cơ ung thư lên 25 lần

Hút thuốc lá chính là kẻ thù lớn của tuổi thọ. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ, 480.000 người ở quốc gia này chết mỗi năm do hút thuốc, trung bình cứ 5 người thì có 1 người tử vong vì hút thuốc. Hút thuốc gây ra 90% tỷ lệ tử vong do ung thư phổi và 80% các bệnh phổi khác, làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch vành và đột quỵ 2-4 lần và tăng nguy cơ ung thư lên ít nhất 25 lần. 

Dù vậy, nhiều người vẫn không thể từ bỏ được sở thích hút thuốc lá và thậm chí còn lấy ví dụ về cựu Thủ tướng Anh Winston Churchill đã sống đến 91 tuổi dù hút thuốc nhiều năm làm hình mẫu. Trên thực tế, một số ít người có "gen trường thọ" giúp bảo vệ họ khỏi những tác hại nghiêm trọng do hút thuốc gây ra, nhưng chưa chắc bạn đã có. Sự thật là chúng ta không có cách nào biết cựu Thủ tướng Churchill sẽ sống được bao lâu nếu ông không hút thuốc. Theo thống kê, hút thuốc lá có thể làm giảm 10 năm tuổi thọ của bạn.

Lý do khiến nhiều người khó bỏ thuốc là chất nicotin trong đó khiến não tiết ra dopamin, một chất dẫn truyền thần kinh khiến cơ thể cảm thấy hạnh phúc. Và chúng sẽ kích hoạt các phần của não quyết định rằng cơ thể chúng ta thích hành vi này cho dù nó không hề có lợi. 

Hiện nay, có nhiều cách để giúp bạn bỏ thuốc như nhai kẹo cao su, miếng dán cai thuốc hoặc thuốc cai thuốc lá. Tuy nhiên trước khi áp dụng các biện pháp, bạn nên tham khảo ý kiến chuyên gia. 

Uống rượu hại gan, tụy, gây ra hơn 200 vấn đề sức khỏe

Uống rượu là một trong 3 yếu tố gây hại nhất cho tuổi thọ. Mặc dù uống rượu vang đỏ vừa phải có thể có tác động tích cực đến sức khỏe tim mạch, sức khỏe não bộ và quá trình trao đổi chất, nhưng tất cả các loại rượu, kể cả rượu vang đỏ đều làm giảm tuổi thọ.

Uống nhiều rượu và thường xuyên có thể gây hại cho gan, tuyến tụy, dẫn đến huyết áp cao, tăng nguy cơ đau tim và đột quỵ, gây rối loạn hệ thống miễn dịch, khiến bệnh Alzheimer khởi phát sớm và gây ra ít nhất 200 loại vấn đề sức khỏe.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, uống rượu quá mức gây ra khoảng 3 triệu ca tử vong trên toàn thế giới mỗi năm, chiếm khoảng 1/20 tổng số ca tử vong. Dù không gây tử vong ngay lập tức nhưng lạm dụng rượu có thể gây ra các vấn đề sức khỏe và giảm tuổi thọ của bạn.

Tác dụng phụ đáng sợ nhất của rượu là gây ung thư. Khi bạn uống rượu, rượu sẽ bị phân hủy thành một hợp chất gọi là acetaldehyde (CH3CHO) bởi một loại enzyme có tên là Alcohol dehydrogenase (ADH).  Acetaldehyde là một chất gây ung thư, làm tăng nguy cơ mắc 5 loại ung thư có cả ung thư vú và ung thư đại trực tràng.

Ngoài ra, uống quá nhiều rượu dẫn đến lượng đường trong máu thấp, điều đó khiến bạn cảm thấy đói và ăn quá nhiều. Kết quả là những người nghiện rượu nặng có nguy cơ béo phì cao hơn 70% so với những người uống ít hoặc không uống.

Lợi ích sức khỏe của rượu vang đến nay vẫn còn gây tranh cãi. Cho dù rượu vang cung cấp resveratrol tốt cho sức khỏe nhưng để nhận được đủ lượng chất này, bạn cần uống tới 3 lít rượu vang đỏ. Điều này không tốt cho sức khỏe. Trên thực tế, bạn có thể lấy resveratrol từ nho, đậu phộng, việt quất và nam việt quất, không cần phải mạo hiểm uống rượu.

Ăn quá nhiều đường dẫn đến béo phì, tiểu đường, bệnh Alzheimer

Đường cũng có thể là kẻ giết người và cũng là thứ mà ít người ngờ đến nhất. Ăn một lượng đồ ngọt vừa phải cần thiết cho quá trình tổng hợp năng lượng và giúp não hoạt động tốt. Nếu lượng đường trong máu của bạn quá thấp (hạ đường huyết), bạn có thể bị tim đập nhanh, mệt mỏi và lú lẫn.

Tuy nhiên, đường có nhiều dạng khác nhau, ở trong hầu hết các loại thực phẩm chúng ta ăn, và trừ khi bạn bị tiểu đường hoặc tiền tiểu đường, nếu không bạn ít có khả năng gặp vấn đề hạ đường huyết.

Đường có ở khắp mọi nơi trong chế độ ăn uống của chúng ta từ ngũ cốc, đồ nướng, trái cây, nước xốt, nước ngọt, bánh kẹo... gần như mọi thực phẩm chế biến sẵn đều chứa đường. Vì vậy, việc tiêu thụ quá nhiều đường rất dễ xảy ra. Theo thời gian, lượng đường dư thừa sẽ bào mòn tuyến tụy khiến tuyến tụy không còn sản xuất insulin, hoặc "đóng cửa" các tế bào không tiếp nhận glucose nữa. Khi bạn tiêu thụ nhiều đường hơn mức cơ thể cần, nó sẽ biến thành chất béo.

Sự kết hợp của các tình trạng trên có thể dẫn đến một loạt vấn đề sức khỏe mà các bác sĩ thường gọi là kháng insulin. Kháng insulin làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch hoặc tiểu đường tương ứng 14-23% hoặc 42- 66%. Tiêu thụ quá nhiều đường còn dễ dẫn tới béo phì và béo phì làm giảm tuổi thọ từ 5 đến 20 năm.

Hãy nhớ rằng, không chỉ có loại đường trắng mà bạn dùng để nêm nếm đồ ăn mới là đường. Trái cây - loại thực phẩm lành mạnh cũng chứa nhiều nhiều đường fructose, nên ăn ở mức độ vừa phải.

Nước ép trái cây chứa nhiều đường cô đặc. Các thực phẩm giàu carbohydrate bao gồm bánh mì, gạo và các loại ngũ cốc khác và nhiều loại rau cũng sẽ được phân hủy thành đường glucose. Tiêu thụ nhiều carbohydrate không chỉ khiến bạn béo lên và tăng khả năng kháng insulin, thậm chí có thể gây bất lợi cho sức khỏe não bộ.