5 trường hợp không đổi từ CMND sang CCCD gắn chíp sẽ bị phạt

Luật Căn cước công dân 2014 và các văn bản pháp luật liên quan vẫn chưa đặt ra cơ chế xử phạt về việc không đổi thẻ Căn cước công dân (CCCD), mà chỉ có quy định về việc xử phạt liên quan đến CMND.

Cụ thể Điểm b Khoản 1 Điều 9 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định về vi phạm quy định về quản lý, sử dụng CMND. Theo đó, người dân sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng nếu không thực hiện đúng quy định của pháp luật về cấp mới, cấp lại, đổi CMND.

Cùng với đó, Điều 5 Nghị định 05/1999/NĐ-CP quy định về đổi, cấp lại CMND thì những trường hợp sau đây phải làm thủ tục đổi CMND: CMND hết thời hạn sử dụng; CMND hư hỏng không sử dụng được; thay đổi họ, tên, chữ đệm, ngày, tháng, năm sinh; thay đổi nơi đăng ký hộ khẩu thường trú ngoài phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; thay đổi đặc điểm nhận dạng và trường hợp bị mất CMND thì phải làm thủ tục cấp lại.

5 truong hop khong doi tu cmnd sang cccd gan chip se bi phat
Ảnh minh họa

Như vậy, công dân nếu thuộc 5 trường hợp phải đổi và 1 trường hợp phải đề nghị cấp lại nêu trên (hiện tại khi đổi/cấp lại từ CMND thì công dân sẽ được cấp CCCD gắn chíp) mà không thực hiện thủ tục cấp đổi/cấp lại sang CCCD gắn chíp sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 200.000 đồng.

Trường hợp không bắt buộc đổi từ chứng minh nhân dân sang căn cước công dân

Khoản 1,2 Điều 38 Luật Căn cước công dân 2014 quy định về hiệu lực thi hành và quy định chuyển tiếp như sau:

1. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1 tháng 1 năm 2016.

2. Chứng minh nhân dân đã được cấp trước ngày Luật này có hiệu lực vẫn có giá trị sử dụng đến hết thời hạn theo quy định; khi công dân có yêu cầu thì được đổi sang thẻ căn cước công dân.

Như vậy, nếu chứng minh nhân dân được cấp trước ngày 1/1/2016 thì vẫn có giá trị sử dụng đến hết thời hạn 15 năm theo quy định. Công dân không phải bắt buộc đổi chứng minh nhân dân đang còn thời hạn sử dụng sang thẻ căn cước công dân gắn chíp.