Adenovirus có thật sự đáng sợ?
Mới đây, thông tin nhiều trẻ nhập viện, 6 trường hợp tử vong do nhiễm Adenovirus khiến nhiều phụ huynh hoang mang, lo lắng.
Theo thống kê, tính đến ngày 12/9/2022, tổng số ca nhiễm Adenovirus được ghi nhận tại Bệnh viện Nhi trung ương là 412 ca, nhiều hơn cả năm 2021 và tăng hơn 44,1% so với cùng kỳ, trong đó đã có 6 trường hợp bệnh nhân tử vong có nhiễm Adenovirus. Chỉ tính riêng trong tuần 5/9-11/9, Bệnh viện đã ghi nhận 151 trường hợp dương tính với Adenovirus, tăng gần 2,2 lần so với tuần trước đó.
Vậy Adenovirus có thật sự đáng sợ đến vậy? TS.BS Trương Hữu Khanh - Chuyên gia về bệnh truyền nhiễm, nguyên trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh (BV Nhi đồng 1) cho rằng, khi đã mắc bất cứ bệnh nào thì cũng không nên chủ quan, tuy nhiên cũng đừng quá hoang mang vì đôi khi mắc bệnh tâm lý còn đáng lo hơn.
Theo TS Trương Hữu Khanh, Andenovirrus không phải virus mới lạ, cha mẹ không nên quá hoang mang, lo lắng.
Đối với Adenovirus, bác sĩ Trương Hữu Khanh cho rằng, đây là virus “cũ rích” và “xưa như trái đất”. Loại virus này cùng với virus hợp bào RSV và cúm vẫn gây bệnh quanh năm, có năm ít, có năm nhiều. “Sở dĩ mọi người bàn tán nhiều vì hiện nay trẻ được hòa nhập, đến trường, khi có triệu chứng thì được đi khám, làm xét nghiệm và phát hiện ra virus. Nó cũng giống như “cúm trái mùa” cách đây mấy tháng vậy, không nên quá lo lắng”, bác sĩ Khanh chia sẻ.
Tuy là virus lưu hành và không mới nhưng bác sĩ Khanh cho rằng cũng không nên chủ quan, vì khi nhiễm cũng có thể bị sốt, ho, sổ mũi, viêm đường hô hấp, đau mắt đỏ và tùy từng trẻ sẽ có triệu chứng nặng nhẹ khác nhau. Với những trẻ suy giảm miễn dịch, đề kháng kém, có bệnh nền thì cha mẹ cần chú ý hơn vì dễ dẫn tới diễn biến nặng.
“Hiện chưa có thuốc đặc hiệu và vắc xin phòng Adenovirus nên việc tự trang bị kiến thức phòng bệnh như đeo khẩu trang (virus lây qua hô hấp), rửa tay và bổ sung dinh dưỡng, nâng cao đề kháng là rất quan trọng”, bác sĩ Khanh nói.
Bệnh nhi nhiễm Adenovirus đang được điều trị tại Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Nhi Trung ương. (Ảnh: Lê Hiếu)
Phòng bệnh không khó, trẻ cơ địa khỏe đa số tự khỏi
PGS.TS Lê Thị Hồng Hanh - Giám đốc Trung tâm Hô Hấp, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, để phòng bệnh lý hô hấp nói chung và viêm phổi do virus Adeno nói riêng, chúng ta cần đảm bảo chế độ dinh dưỡng đặc biệt cho trẻ. Trẻ có sức đề kháng tốt sẽ chống đỡ tốt hơn với virus đường hô hấp cũng như các virus khác. Ít nhất 6 tháng đầu nên nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ và cho bú kéo dài đến 2 tuổi.
Đối với trẻ ăn dặm, PGS Hanh khuyến cáo nên đảm bảo chế độ dinh dưỡng hợp lý theo khuyến cáo của WHO. Ngoài ra, phụ huynh cũng lưu ý vệ sinh mũi họng cho trẻ thường xuyên bằng cách nhỏ mũi với nước muối hàng ngày. Tránh để trẻ nhiễm lạnh.
“Chúng tôi đặc biệt khuyến cáo phụ huynh cũng như trẻ cần rửa tay sát khuẩn thường xuyên, đeo khẩu trang khi đến nơi công cộng. Ngoài ra, trẻ cũng cần được tiêm chủng đầy đủ vắc xin để phòng các bệnh lý về hô hấp khác”, bác sĩ Hanh nói.
Cũng theo bác sĩ, người chăm sóc cần tránh để trẻ tiếp xúc với nguồn lây bệnh. Khi trẻ sốt nhưng không đáp ứng với thuốc hạ sốt hoặc bị mệt, ho nhiều, gia đình cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để khám kịp thời. Với trường hợp trẻ mắc Adenovirus khi nhập viện cũng sẽ được cách ly, tránh lây nhiễm trẻ khác và chủ yếu được điều trị triệu chứng.
Đeo khẩu trang, vệ sinh tay sạch sẽ là biện pháp phòng bệnh hiệu quả. (Ảnh minh họa)
PGS Hanh cũng trấn an, trẻ có cơ địa khỏe mạnh khi mắc Adenovirus có thể tự khỏi nhưng với bệnh nhân có bệnh nền, sức đề kháng kém thì dễ suy hô hấp. Nếu không được chẩn đoán sớm, điều trị sớm, người bệnh có thể tử vong.
Một điểm PGS Hanh lưu ý là triệu chứng viêm phổi do Adenovirus rất dễ nhầm lẫn với viêm phổi do virus đường hô hấp khác hoặc vi khuẩn khác khi cũng có các triệu chứng là hắt hơi, sổ mũi, sốt. Tuy nhiên, viêm phổi do Adenovirus khiến bệnh nhân sốt rất cao, rét run, có ho, khò khè.
Theo thông tin từ PGS Hồng Hanh, hầu hết bệnh nhân nhiễm Adenovirus vào Trung tâm Hô hấp đều có viêm phổi, khó thở hoặc suy hô hấp. Đầu tháng 8 đến nay, viện đón hơn 70 bệnh nhân, hầu hết là viêm phổi nặng, trong đó 30-40% suy hô hấp. Hiện trung tâm đang điều trị cho 25 bệnh nhân viêm phổi do Adenovirus, trong đó khoảng 15 bệnh nhân thở oxy nhưng không có bệnh nhân nào nặng.
Bá sĩ Hanh cho biết, hầu hết các trường hợp tử vong xảy ra trên bệnh nhân có cơ địa đặc biệt như mắc bệnh nền suy dinh dưỡng, còi xương, tim bẩm sinh, suy giảm miễn dịch, bệnh phổi mãn tính…