Ai cũng nói ăn khuya gây béo phì nhưng để bụng đói rồi ngủ có tốt không? Hóa ra lý do bạn tăng cân là vì điều này

CTV
Nhiều người bị đói buổi đêm nhưng vì sợ béo nên không dám ăn, nhưng khi để bụng đói đi ngủ thì lại cồn cào khó chịu, ngủ không ngon giấc. Vậy ăn khuya hay nhịn đói rồi ngủ gây hại hơn?

Con người hiện đại phải làm thêm giờ, thức khuya đã trở thành cuộc sống bình thường, nhiều người bắt đầu cảm thấy đói và muốn ăn, thậm chí nếu không ăn sẽ không ngủ được.

Tuy nhiên một số người cho rằng ăn trước khi đi ngủ không tốt cho sức khỏe, thà để bụng đói còn tốt hơn nhưng có người lại cho rằng nếu đói đến mức không ngủ được thì cũng đâu có lợi. Vậy ăn trước khi ngủ hay để bụng đói rồi ngủ, cái nào có hại hơn?

Ăn khuya có lợi hại ra sao?

Ăn khuya hay nhịn đói đi ngủ, cái nào có hại hơn? (Ảnh minh họa)

1. Ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ

Nếu bạn ăn khuya, đường tiêu hóa có thể tích tụ một lượng lớn thức ăn chưa tiêu hóa trong khi ngủ, khiến thời gian làm việc của đường tiêu hóa kéo dài, ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ, tăng nguy cơ khó ngủ và mất ngủ.

2. Tăng gánh nặng cho dạ dày

Ăn khuya sẽ khiến đường tiêu hóa không được nghỉ ngơi đầy đủ, làm tăng gánh nặng tiêu hóa đường tiêu hóa, có thể gây viêm dạ dày, loét dạ dày tá tràng và các bệnh khác.

3. Gây bệnh tim mạch

Nếu ăn nhiều đồ dầu mỡ, kích thích trong thời gian dài như đồ nướng, lẩu… có thể dẫn đến tăng lipid máu, từ đó làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch như xơ vữa động mạch, bệnh mạch vành,...

4. Béo phì

Một trong những tác hại mà mọi người hay nhắc đến nhất nếu ăn vặt buổi tối là gây béo phì. Người ta thường cho rằng tăng cân chủ yếu do lượng đường trong máu tăng nhanh, insulin chuyển hóa lượng đường dư thừa trong máu thành chất béo và tích tụ trong cơ thể. Ban đêm, mọi người ít vận động nên lượng đường trong máu không thể được tiêu thụ hiệu quả nên bị dư thừa và chuyển hóa thành chất béo, dẫn đến tăng cân.

Nỗi lo lớn nhất khi ăn khuya là gây béo phì. (Ảnh minh họa)

Tuy nhiên, một nghiên cứu của Nhật Bản có thể bác bỏ ý kiến ​​đó. Đại học Okayama, Nhật Bản đã khảo sát 1.573 người trung niên và cao tuổi từ 40 đến 74 tuổi, ghi chép lại thói quen ăn uống và lượng đường trong máu của họ. Kết quả cho thấy dù họ có ăn trước khi đi ngủ 2 tiếng thì lượng đường trong máu cũng không có sự thay đổi đáng kể trong cơ thể, đồng nghĩa với việc ăn vặt đêm khuya chưa chắc đã là nguyên nhân chính gây tăng cân.

Các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng, trên thực tế, chỉ số BMI (chỉ số khối cơ thể), thói quen uống rượu, hút thuốc và các thói quen khác trong thời gian dài có tác động lớn hơn đến lượng đường trong máu.

Cần có thêm nhiều nghiên cứu để xác định liệu ăn uống gần giờ đi ngủ có thể gây tăng cân, béo phì hay không. 

Nhịn đói khi ngủ thì sao?

Ăn trước khi đi ngủ có vẻ như sẽ gây ra nhiều vấn đề cho giấc ngủ vậy có nên để bụng đói rồi ngủ hay không? Thực tế, nếu để bị đói trước khi đi ngủ sẽ dẫn đến giấc ngủ không ngon, ảnh hưởng đến tinh thần và khiến bạn béo hơn

Bác sĩ người Đài Loan Guo Yuxiang, chuyên gia về thần kinh tự chủ, gợi ý rằng nếu bạn quá đói để ngủ, bạn có thể ăn một bữa khuya vừa phải để ngủ ngon hơn. Bác sĩ cho biết khi bạn đói thường ngủ không ngon, nếu bạn không ngủ ngon, bạn có thể mất kỷ luật trong ăn uống và béo lên.

Mất ngủ cũng sẽ làm hao tổn năng lượng, lúc này trung khu thần kinh sẽ phát đi thông điệp bổ sung năng lượng, khiến cơ thể luôn muốn ăn, không có lợi cho việc giảm cân.

Nhịn đói ngủ có thể khiến bạn ngủ không ngon giấc, dẫn tới ăn uống mất kiểm soát. (Ảnh minh họa)

Ăn trước khi đi ngủ thế nào để không gây tăng cân, ảnh hưởng sức khỏe?

Vì ăn khuya điều độ sẽ không béo, vậy bạn nên ăn như thế nào? Bác sĩ Guo Yuxiang gợi ý một số điều lưu ý sau:

- Tốt nhất nên ăn trước khi ngủ 2 tiếng: Nếu bạn thường đi ngủ lúc 12 giờ và cảm thấy đói lúc 11 giờ, thì hãy ăn thêm đồ ăn nhẹ vào lúc 10 giờ. Bằng cách này, chúng ta có thể cố gắng để thức ăn được tiêu hóa một cách cơ bản trước khi đi ngủ.

- Tổng lượng calo của bữa ăn nhẹ trước khi đi ngủ không được vượt quá 200 calo. Đồ ăn nên ít béo, ít calo, dễ tiêu hóa để không gây gánh nặng cho dạ dày.

- Protein và carbohydrate là không thể thiếu. Tryptophan trong protein có thể ổn định thần kinh và giúp ngủ ngon, nhưng các axit amin khác có thể khiến con người cảm thấy dễ chịu hơn, vì vậy carbohydrate phải được sử dụng để kích hoạt insulin, chuyển hóa các axit amin này và làm cho tryptophan hoạt động tốt.

Ngoài ra, bác sĩ He Qing, phó trưởng nhóm dinh dưỡng của Hiệp hội dinh dưỡng đường ruột và đường tiêu hóa Quảng Đông, Trung Quốc cho biết, bệnh nhân xơ gan thích hợp ăn khuya. Vì đối với những bệnh nhân như vậy, việc bổ sung bữa ăn vào tối muộn có thể giúp cơ thể hấp thụ chất dinh dưỡng và cung cấp nguyên liệu cho quá trình sửa chữa tế bào gan. Nên ăn các loại thực phẩm giàu chất bột đường, hoặc tăng cường hợp lý các loại thực phẩm như protein và vitamin, điều này càng có lợi cho quá trình hồi phục bệnh.