Với chỉ số AQI 172 đo được vào sáng 3/9, Hà Nội xếp trên Kuala Lumpur (Malaysia) - 155, Thâm Quyến (Trung Quốc) - 153, Hong Kong - 137, Trùng Khánh (Trung Quốc) - 118, Mumbai (Ấn Độ) - 113...
Các khu vực có chất lượng không khí xấu là Tây Hồ -177, Trâu Quỳ - 174, khu vực trung tâm thành phố - 172, Quốc Oai và Thạch Thất cùng 170.
Còn theo trang quan trắc không khí PamAir, chất lượng không khí tại nhiều điểm của Hà Nội vượt ngưỡng 200 đơn vị (mức rất xấu). Chỉ số đo được tại quận Ba Đình là 201, Ô Chợ Dừa là 203, khu vực Hoàn Kiếm là 209. Đáng chú ý, khu vực Nam Từ Liêm chỉ số còn lên mức 220, Thanh Xuân 221 và Minh Khai 215.
Không khí Hà Nội chạm mức xấu sáng nay. Ảnh: AirVisual.
Theo lý giải của đại diện Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội, thành phố đang vào khoảng thời gian giao mùa, kèm theo nhiều sương mù vào sáng sớm, trời ít hoặc gần như không có gió, khiến ô nhiễm tích tụ trong lòng đô thị. Bên cạnh đó, chất lượng không khí suy giảm một phần do người dân đốt vàng mã hôm rằm tháng 7, chất ô nhiễm tích tụ chưa thoát hết.
"Hết tháng 9, thành phố sẽ lại vào chu kì không khí xấu trong năm, dự kiến chất lượng không khí sẽ duy trì ở mức này và cải thiện không đáng kể từ giờ đến cuối năm", vị này dự báo chất lượng không khí sẽ suy giảm nhiều hơn vào tháng 11, 12.
Đây không phải lần đầu tiên Hà Nội lọt vào danh sách của AirVisual các thành phố ô nhiễm không khí nhất thế giới. Vào mùa lạnh từ tháng 10 đến tháng 3 hàng năm, Hà Nội thường xuyên đứng đầu bảng. Trong đó phải kể đến cuối năm 2019, khi chất lượng không khí ở thủ đô nhiều lần chạm ngưỡng nguy hại.
Vừa qua, UBND Hà Nội đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường khẩn trương lựa chọn 30-50 vị trí để lắp đặt trạm quan trắc môi trường, hoàn thành trong quý I. Sở có trách nhiệm phối hợp với Sở Y tế đề xuất xây dựng nội quy, quy chế công bố thông tin quan trắc và chỉ số chất lượng không khí tuân thủ tiêu chí, tiêu chuẩn của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Tuy nhiên, số lượng trạm quan trắc được lắp thêm vẫn rất ít.