Án Nước ngoài-Luật Việt Nam: Bố gả con gái thiểu năng cho 3 người để lừa tiền sính lễ

Một ông bố người Trung Quốc đã kiếm được một khoản tiền lớn từ việc gả con gái cho 3 người đàn ông khác nhau trong 4 năm.

Án Nước ngoài:

Chiêu lừa tiền sính lễ của ông bố họ Tạ

Theo The Paper, mới đây, một người đàn ông họ Tạ ở làng Liên Nguyên, tỉnh Hồ Nam (Trung Quốc) đã bị bắt sau khi lừa gả con gái thiểu năng cho 3 người đàn ông khác nhau để lấy tiền sính lễ trong khoảng thời gian từ 2018 – 2021.

Khi gả con gái, ông Tạ đều nói cô đã hơn 20 tuổi, là người trưởng thành theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, người thân của một chú rể bị lừa cho biết trên giấy tờ tùy thân, cô gái sinh vào tháng 1/2005 nên chưa đủ tuổi kết hôn theo pháp luật.

Người đàn ông nhận được hơn 90.000 NDT (hơn 300 triệu đồng) từ gia đình họ Trần trong cuộc hôn nhân thứ hai của con gái. Khi gia đình họ Trần phát hiện con dâu đã kết hôn với người khác, ông Tạ không chịu trả lại số tiền này.

Gia đình họ Trần kể trước đó họ không hề biết về chuyện con gái ông Tạ từng kết hôn vì cô chủ yếu sống với bố mẹ ruột. Chú rể là công nhân, thường xuyên đi làm ăn xa, kinh tế khó khăn nên rất khó lấy vợ.

Vì nhà ông Tạ đưa ra mức tiền sính lễ thấp hơn các gia đình khác nên họ mới chấp nhận cuộc hôn nhân này. Thêm vào đó, họ cho rằng con gái ông Tạ còn trẻ và có thể sinh con, điều này khó có thể tìm thấy ở vùng nông thôn.

Sau nhiều lần không lấy lại được tiền sính lễ, vào ngày 3/3, gia đình họ Trần đã làm đơn kiện ông Tạ tội lừa đảo đến các cơ quan chức năng. Ở thời điểm bị cảnh sát địa phương bắt giữ, người đàn ông này đã tiêu hết tiền.

Vụ việc đã được điều tra rõ và gửi kết quả đến Viện kiểm sát. Con gái và người vợ cũng bị thiểu năng của ông Tạ đã được đưa vào các nhà phúc lợi riêng biệt. Ngoài chú rể họ Trần, ông Tạ còn được cho là đã lừa thêm hàng chục nghìn NDT từ 2 người đàn ông khác mà ông ta từng gả con gái.

Sau khi được đăng tải, sự việc nhanh chóng thu hút sự quan tâm của đông đảo cư dân mạng, nhiều người tỏ ra phẫn nộ và chỉ trích việc làm của người đàn ông. Có người thậm chí còn cho rằng ông Tạ không xứng đáng làm bố.

Pháp luật - Án Nước ngoài-Luật Việt Nam: Bố gả con gái thiểu năng cho 3 người để lừa tiền sính lễÔng bố gả con gái cho 3 người đàn ông khác nhau trong 4 năm để lừa tiền sính lễ. Ảnh minh họa: SCMP

Luật Việt Nam:

Có dấu hiệu phạm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Tảo hôn

Trong khoảng thời gian từ 2018 – 2021, người đàn ông họ Tạ đã lừa gả con gái thiểu năng cho 3 người đàn ông khác nhau để lấy tiền sính lễ. Nếu chiếu theo pháp luật hình sự của Việt Nam, hành vi này có dấu hiệu của tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tội danh và hình phạt quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Lừa đảo chiếm đoạt tài sản là một trong số những tội phạm phổ biến trong nhóm tội xâm phạm đến quyền sở hữu đã được quy định cụ thể trong BLHS. Theo đó, lừa đảo chiếm đoạt tài sản là hành vi của tội phạm dùng thủ đoạn gian dối để chủ sở hữu, người quản lý tài sản tin và giao tài sản cho tội phạm để chiếm đoạt tài sản đó. Tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản không chỉ gây thiệt hại về tài sản cho Nhà nước, xã hội và công dân mà còn ảnh hưởng rất lớn đến tình hình an ninh và trật tự xã hội.

Về hành vi khách quan: Hành vi của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản là dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản của người khác mà ngay lúc đó, người bị hại không biết được có hành vi gian dối.

Dùng thủ đoạn gian dối ở đây là đưa ra thông tin giả, không đúng với sự thật nhưng làm cho người bị lừa dối tin đó là thật và giao tài sản cho người phạm tội. Việc đưa ra thông tin giả có thể được thực hiện bằng nhiều cách khác nhau như bằng lời nói, bằng chữ viết (viết thư), bằng hành động, bằng hình ảnh…hoặc kết hợp bằng nhiều cách thức khác nhau.

Trong vụ việc trên, để dễ dàng lừa đảo, ông Tạ đưa ra mức tiền sính lễ thấp hơn các gia đình khác. Và khi con gái đã kết hôn nhưng ông này vẫn tiếp tục gả cô cho chú rể họ Trần để lấy hơn 90.000 NDT (hơn 300 triệu đồng) từ gia đình họ. Hơn ai hết, ông Tạ biết rõ việc con mình đã kết hôn nhưng vẫn tiếp tục gả con lần thứ hai, lần thứ ba, chỉ để lấy tiền sính lễ của nhà trai. Và vì không biết chuyện con gái ông Tạ từng kết hôn (vì cô chủ yếu sống với bố mẹ ruột), nên gia đình các nạn nhân mới bị ông này lừa tiền. Khi gia đình họ Trần phát hiện con dâu đã kết hôn với người khác, đòi lại tiền, ông Tạ không chịu trả.

Như vậy, trong khoảng 4 năm, ông Tạ đã dùng thủ đoạn gian dối, khiến các nạn nhân tin tưởng nên mới kết hôn và trao tiền sính lễ cho ông ta.

Thời điểm hoàn thành tội phạm được xác định từ lúc ông Tạ chiếm giữ tiền sính lễ sau khi đã dùng thủ đoạn gian dối để làm cho nhà trai bị mắc lừa giao tiền cho mình.

Hậu quả của tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản là thiệt hại về tài sản, mà cụ thể là giá trị tài sản bị chiếm đoạt. Khoản 1 của điều luật quy định giá trị tài sản bị chiếm đoạt từ 2.000.000 đồng trở lên mới cấu thành tội phạm. Còn nếu tài sản bị chiếm đoạt dưới 2.000.000 đồng thì phải kèm theo điều kiện đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội này hoặc một trong các tội quy định tại các Điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm hoặc gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ.

Cũng như những tội có cấu thành vật chất khác, hậu quả và hành vi khách quan của tội phạm có mối quan hệ nhân quả với nhau. Hậu quả thiệt hại về tài sản phải được xuất phát từ hành vi lừa dối. Nếu việc thiệt hại về tài sản từ nguyên nhân khác thì sẽ dựa vào những dấu hiệu khách quan để xác định xem có dấu hiệu của tội phạm không và được pháp luật điều chỉnh như thế nào.

Khách thể của tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản là quyền sở hữu tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, cá nhân. Đối tượng tác động của tội phạm này là tài sản, bao gồm vật, tiền. Việc xâm phạm quyền sở hữu cũng thể hiện ở hành vi chiếm hữu bất hợp pháp tài sản của người khác sau khi lừa lấy được tài sản.

Lừa đảo là tội danh có tính chất chiếm đoạt, do lỗi cố ý của chủ thể, mục đích là mong muốn chiếm đoạt được tài sản thuộc sở hữu của người bị hại. Mục đích chiếm đoạt tài sản của người phạm tội bao giờ cũng có trước khi thực hiện thủ đoạn gian dối và hành vi chiếm đoạt tài sản. Ở đây, ông Tạ nhận thức rõ hành vi của mình nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả do hành vi của mình gây ra và mong muốn hậu quả đó xảy ra.

Về hình phạt, điểm a khoản 3 Điều 174 quy định nếu chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, người phạm tội sẽ bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm. Nếu chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên, ông Tạ có thể bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân (khoản 4).

Khi gả con gái, ông Tạ đều nói cô đã hơn 20 tuổi. Tuy nhiên, người thân của 1 chú rể bị lừa cho biết trên giấy tờ tùy thân, cô gái sinh vào tháng 1/2005 nên chưa đủ tuổi kết hôn theo pháp luật. Với hành vi này, ông Tạ có thể bị xem xét, xử lý về tội Tảo hôn, quy định tại Điều 183 BLHS. Theo đó, người nào tổ chức việc lấy vợ, lấy chồng cho những người chưa đến tuổi kết hôn, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm thì bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 30 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm.