Theo báo Công an nhân dân, ngày 11/8, thông tin từ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, bệnh viện vừa tiếp nhận nam bệnh nhân 62 tuổi chuyển đến từ Bệnh viện Đa khoa Lai Châu vào cấp cứu trong tình trạng sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng.
Bệnh nhân có tiền sử khỏe mạnh. Một tuần sau khi làm thịt và ăn thịt lợn ốm, bệnh nhân sốt cao, rét run, mệt mỏi, đi ngoài phân lỏng nhiều lần trong ngày nhưng điều trị tại nhà. Hai ngày sau, bệnh nhân đi ngoài phân đen kèm nổ ban xuất huyết hoại tử toàn thân, được gia đình đưa đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lai Châu.
Người bệnh được chẩn đoán sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng, theo dõi liên cầu lợn, co giật toàn thể, được đặt ống nội khí quản, thở máy, duy trì vận mạch...
Sau 1 ngày điều trị không cải thiện, bệnh nhân được chuyển đến Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.
Tại đây, bệnh nhân được chẩn đoán sốc nhiễm khuẩn, nhiễm khuẩn huyết, viêm màng não do vi khuẩn S.suis (liên cầu lợn).
Xem thêm: Ngộ độc sau khi ăn nấm dại, 2 bố con nhập viện
Hiện tại bệnh nhân vẫn đang trong tình trạng sức khỏe nguy kịch, suy đa tạng (suy thận cấp, suy gan), phải sử dụng thuốc an thần, thở máy.
Liên tiếp thời gian gần đây, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương nói riêng và nhiều cơ sở y tế khác nói chung đã tiếp nhận bệnh nhân mắc liên cầu khuẩn lợn, đều trong tình trạng nặng và nguy kịch. Hầu hết các bệnh nhân đều ăn tiết canh, thịt lợn chưa chín, hoặc giết mổ, tiếp xúc với thịt lợn nhiễm bệnh.
Gần đây nhất, theo nguồn tin từ báo Người lao động, nam bệnh nhân bị nhiễm khuẩn huyết, sốc nhiễm khuẩn biến chứng suy đa tạng do nhiễm liên cầu khuẩn lợn.
Bệnh nhân là P.V.B. (47 tuổi, ở TP.Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) được gia đình đưa đến Bệnh viện Bãi Cháy (Quảng Ninh) cấp cứu trong tình trạng đi ngoài phân lỏng nhiều lần, đau bụng từng cơn, nổi vân tím toàn thân, xuất huyết dưới da rải rác...
Người nhà cho biết trước đó 3 ngày, bệnh nhân mua thịt lợn về nhà và trực tiếp chế biến nấu ăn.
Kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhân nhiễm trùng nặng, suy đa tạng. Bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị nhiễm khuẩn huyết, theo dõi liên cầu khuẩn lợn.
Theo các bác sĩ, vi khuẩn gây bệnh liên cầu lợn bị tiêu diệt hoàn toàn khi thực phẩm được nấu chín kỹ. Để phòng tránh bệnh liên cầu lợn, người dân không nên ăn tiết canh và các sản phẩm từ thịt lợn chưa được nấu chín. Không mua bán, vận chuyển, giết mổ lợn ốm chết hoặc sản phẩm từ lợn không đảm bảo vệ sinh; không sử dụng thịt lợn có màu đỏ khác thường, xuất huyết hoặc phù nề.
Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân khi tiếp xúc với lợn, chế biến thịt lợn. Khi có biểu hiện mắc bệnh, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.
Nguyễn Linh (T/h)