Bài toán tiểu học 3 + 5 + 1 nhiều phụ huynh tính mãi không ra đáp án, câu trả lời lại là kỹ năng quan trọng cho trẻ

Tính đi tính lại vẫn không giúp con tìm ra đáp án, người mẹ đành cầu cứu dân mạng.

Để việc học toán của con trở nên hiệu quả thì ngoài việc nhờ sự hỗ trợ của các thầy cô giáo trên lớp, các bậc cha mẹ cần sát sao hơn nữa, quan tâm nhiều tới bài tập toán về nhà của con để có thể hỗ trợ con kịp thời. Bởi không phải toán tiểu học, toán lớp 1 là đơn giản, đôi khi có nhiều lỗ hổng khiến trẻ bị trừ điểm oan mà không biết.

Mới đây trên một nhóm hội các phụ huynh có con học lớp 1, một bà mẹ có tài khoản H.G đã đăng tải bức ảnh chụp một bài toán cùng với lời cầu cứu dân mạng "các mẹ cho em hỏi bài này với ạ".

Theo đó, bài toán đưa ra yêu cầu "Các bạn lớp Nam đang xếp hàng lên xe, biết phía bên phải Nam là có 3 bạn, phía bên trái Nam có 5 bạn. vậy Nam đứng ở vị trí nào? Hãy khoanh vào bạn nam nhé!".

Theo như câu hỏi phía trên thì bài toán sẽ được tính như sau: 3+ 5 + 1= 9. Bởi phải tính cả Nam nữa là 9 bạn học sinh. Tuy nhiên với hình vẽ phía dưới không thể xác định được đâu là bạn Nam bởi chỉ có 8 bạn.

Có lẽ cũng chính vì không tìm ra được đáp án chính xác cho bài toán lớp 1 của con mà bà mẹ kia đã nhờ đến sự hỗ trợ của mọi người.

Phía dưới phần bình luận cũng có khá nhiều bậc phụ huynh bất ngờ với bài toán mà bà mẹ H.G đưa ra và cũng cố gắng tìm xem liệu bài toán này có lỗ hổng hay thách đố, đố mẹo nào không? Tuy nhiên tất cả đều bất lực.

Đọc đi đọc lại bài toán đều không thấy có chỗ nào bất cập cả nên mình cũng không biết tìm bạn Nam ở đâu?

Giá mà bài toán này do cô giao hoặc con chép lại thì còn bảo con chép sai đề nhưng đây là sách giáo khoa in như thế thì khó mà sai được.

Ôi tôi tiến sĩ mà cũng không thể giúp con lớp 1 giải được bài này.

Tôi thường hay mắng con là lười làm toán, toán lớp 1 thì có gì khó nhưng giờ tôi thực sự bó tay với bài toán này.

Tuy nhiên kết quả của bài toán có thể sẽ khiến nhiều người choáng váng. Bởi một vị phụ huynh khác Đỗ.T.M đã chia sẻ kinh nghiệm của bản thân và tiết lộ hóa ra chính xác là quyển sách của bé học sinh đã in sai và chị cũng chụp lại hình ảnh chính xác ở quyển sách của con để đăng tải lên.

Nhiều phụ huynh khác cũng đồng tình với kết quả của mẹ T.M và cho rằng chắc chắn đó là câu trả lời khả quan nhất.

Trên thực tế cũng rất hiếm trường hợp sách in sai nội dung bài toán khiến cả bé và bố mẹ gặp khó khăn khi giải nhưng cũng có trường hợp người ra đề cố tình đánh đố học sinh mà nhiều người lại lầm tưởng là sách in sai. Đó là câu chuyện cũng mới gây xôn xao cách đây ít ngày.

Đây là bài chia sẻ của một bà mẹ hỏi về bài toán đếm hình tam giác của học sinh lớp 1. Người mẹ cho rằng có 8 hình, tuy nhiên có nhiều đáp án khác được đưa ra, người nói 7 hình, người nói 9 hoặc 10 hình nhưng cũng có người đếm được 11 hình nhưng lại không có phương án lựa chọn. Chính vì thế nhiều người cho rằng đề bài đã bị sai hoặc cô giáo làm bài toán bị lỗi.

Tuy nhiên thực tế trường hợp này không phải là sách in sai đề mà là đánh đố học sinh một chút. Nếu học sinh nào để ý kĩ sẽ thấy trong hình có hai 2 đường chéo không chạm góc nhau. Vì vậy chưa thể tạo thành hình tam giác (do không chạm góc nên ngẫu nhiên hình đó là hình chữ nhật, hình thang... có 4 cạnh chứ không phải 3 cạnh). Do đó em học sinh nào phải quan sát thật kỹ mới tìm ra chi tiết này.

Qua đó có thể thấy được tầm quan trọng của việc đọc đề toán, phân tích để giải đề toán với các em học sinh là vô cùng quan trọng. Chính vì thế các bậc cha mẹ cần dặn dò con kĩ càng những kỹ năng khi đọc đề, giải toán:

Đọc kỹ đề bài

Việc rèn luyện cho học sinh thói quen xem kỹ đề bài, câu hỏi là một nhiệm vụ đòi hỏi sự chung sức của phụ huynh và thầy cô. Trong quá trình dạy và học, phụ huynh có thể đọc câu hỏi cùng con và chỉ ra các ý chính trong đề, nói chậm để đảm bảo con hiểu rõ câu hỏi, nếu con chưa hiểu thì đọc lại 2-3 lần.

Bố mẹ hướng dẫn cho con đọc kỹ đề bài, xác định cho được đâu là cái đã cho, đâu là cái phải tìm.

Đặc biệt, khi đọc đề toán, các con cần lưu ý các điểm:

- Hiểu rõ bản chất của đề toán, từ nào chưa hiểu hết ý nghĩa phải tìm hiểu về ý nghĩa của nó.

- Trong bài toán sẽ có những chỗ cố tình đánh lừa, con cần phải bỏ qua chỗ đó và chỉ chú ý vào những chỗ cần thiết.

Ngoài ra, phụ huynh cũng nên lưu ý trẻ nếu phát hiện đề in sai, in mờ, thiếu logic hay có vấn đề gì băn khoăn thì cần hỏi thầy cô giáo ở lớp kịp thời vì đây cũng là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Đây là kỹ năng quan trọng mà học sinh cần phải rèn luyện thêm để tránh các sai sót trong học tập và cả trong đời sống sau này

Tóm tắt đề toán

Với hầu hết các đề toán, bố mẹ có thể gợi ý con tóm tắt đề bằng những đoạn thẳng, ngôn ngữ hoặc ký hiệu ngắn gọn để hiểu hơn. Thông qua đó thiết lập mối quan hệ giữa những cái đã cho và những cái phải tìm.

Lưu ý khi tóm tắt bài toán hãy cố gắng gạt bỏ những thứ yếu lặt vặt không cần thiết và chỉ tập trung suy nghĩ vào những yếu tố chính của đề toán. Sau đó con tìm cách tóm tắt đề bằng hình vẽ mà con hiểu nhất. Trong trường hợp không thể vẽ được thì dùng ký hiệu, ngôn ngữ... để ghi lại vắn tắt, cô đọng.

Phân tích đề toán

Phân tích là bước mà các con sẽ phải tự đặt câu hỏi cho mình rằng "muốn giải được bài toán này, chúng ta cần biết những gì và cần thực hiện những phép tính nào?" Và trong đó cái gì đã có, cái gì cần phải tìm thêm?

Muốn tìm những cái chưa biết cần phải làm phép tính gì?... Cứ như thế con sẽ dần đi đến kết quả của bài toán.

Giải bài toán và thử lại khi tìm được kết quả

Từ những bước đọc, phân tích đề ở phía trên, các con có thể bắt đầu giải bài toán để tìm ra được kết quả. Tuy nhiên sau khi có kết quả, các con cũng đừng vội kết luận đó là kết quả chính xác mà cần dùng đáp án đó thử lại xem có phù hợp với bài toán hay không. Bên cạnh đó cần kiểm tra các lời giải, phép tính mà con thực hiện phía trên đã chính xác, đủ ý hay chưa.

Ngoài ra nếu con có niềm đam mê, hứng thú với môn toán học thì cũng có thể làm tốt bài toán hơn dù có bất kì trường hợp nào xảy ra. Bố mẹ có thể giúp con có hứng thú học toán:

- Bố mẹ cần phải định vị nhận thức của con để xây dựng lộ trình phù hợp. Bố mẹ lên lộ trình phải phụ thuộc vào năng lực của trẻ và cũng không nên dạy quá nhiều cho con. Nếu con có năng lực tư duy toán, phụ huynh cần khuyến khích, còn con kém, các kỹ năng chưa tốt, bố mẹ nên rèn luyện dần.

- Bố mẹ cũng không nên đánh đồng chung, so sánh con với các bạn vì mỗi đứa trẻ khác nhau và đứa trẻ tiềm năng là khi lớn lên mà nên phân bổ, sắp xếp thời gian biểu phù hợp cho con, giúp trẻ kích thích, hứng thú tiếp nhận kiến thức.

- Để tạo hứng thú học toán ở nhà cho con, bố mẹ có thể kể những câu chuyện phù hợp lứa tuổi và có cơ chế cho từng trẻ, khuyến khích chúng khám phá nhằm tạo hứng thú, phát triển hết tư duy.

- Bố mẹ hãy để con tự lực, tự chơi và tự giải quyết trong môi trường an toàn. Tính sáng tạo sẽ giúp con biết cách giải quyết.

CHI CHI