Bản tin 20/9: Giáo viên không được mượn phòng của trường để tổ chức dạy thêm

Giáo viên không được mượn phòng của trường để tổ chức dạy thêm; Việt Nam dự kiến "dư thừa" 1,5 triệu đàn ông vào năm 2034...

Giáo viên không được mượn phòng của trường để tổ chức dạy thêm

Xã hội - Bản tin 20/9: Giáo viên không được mượn phòng của trường để tổ chức dạy thêm

Ảnh minh họa.

Theo báo Vietnamnet, Sở GD&ĐT Nam Định có văn bản gửi các trường THPT, Phòng GD&ĐT trực thuộc yêu cầu chấn chỉnh việc dạy thêm, học thêm.

Ông Vũ Đức Thọ, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Nam Định cho biết hiện nay có tình trạng một số cơ sở giáo dục và giáo viên đang tổ chức dạy thêm, học thêm không đúng với quy định. Điều này dẫn đến hoạt động này không thực sự hiệu quả, tạo dư luận không tốt đối với học sinh, phụ huynh và xã hội.

Do đó, Sở GD&ĐT Nam Định yêu cầu các đơn vị không được dùng bất cứ hình thức nào để ép buộc học sinh học thêm. Học sinh có nhu cầu học thêm tự nguyện viết đơn xin học thêm và được gia đình đồng ý, bố mẹ hoặc người giám hộ phải ký vào đơn.

Các trường phải thực hiện đúng quy định về thời gian, thời lượng, các yêu cầu chung về dạy thêm, học thêm trong nhà trường và theo đúng kế hoạch dạy thêm, học thêm đã báo cáo; tuyệt đối không dạy thêm học thêm đối với học sinh đã được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày; không dạy thêm với học sinh tiểu học, trừ trường hợp bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kĩ năng sống, dạy Tiếng Anh theo Đề án 1792 của UBND tỉnh Nam Định.

Ngoài ra, các trường không dạy quá 5 buổi/tuần đối với lớp 9, 12; không quá 4 buổi/tuần với các khối lớp còn lại của cấp trung học; không dạy quá 4 tiết/buổi, không tổ chức dạy thêm học thêm vào ngày Chủ nhật, ngày lễ và sau 17h30 phút các ngày trong tuần.

Đối với giáo viên hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập không được tổ chức dạy thêm học thêm ngoài nhà trường; có thể tham gia dạy thêm học thêm ngoài nhà trường nhưng không được dạy thêm với học sinh mà giáo viên đang dạy chính khóa khi chưa được sự cho phép của hiệu trưởng quản lý giáo viên đó.

Sở GD&ĐT Nam Định yêu cầu các trường không tự ý cho giáo viên trong trường mượn hoặc thuê cơ sở vật chất, tài sản nhà trường để tổ chức dạy thêm học thêm. Nếu cho cá nhân, tổ chức mượn hoặc thuê cơ sở vật chất, tài sản nhà trường để tổ chức dạy thêm học thêm, nhà trường phải xây dựng đề án báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định.

Tại Nghệ An, Sở GD&ĐT cũng quyết định tạm dừng việc liên kết dạy kỹ năng sống trong các nhà trường, đồng thời rà soát các trung tâm, thẩm định chương trình dạy kỹ năng sống. Sau khi tạm dừng, việc dạy kỹ năng sống cho học sinh vẫn được các nhà trường triển khai thông qua lồng ghép, tích hợp vào các môn học, hoạt động trải nghiệm...

Sở GD&ĐT Nghệ An cho hay việc dạy và học phải được triển khai theo tinh thần tự nguyện, không được ép buộc. Riêng các trung tâm ngoài nhà trường nếu đủ điều kiện đảm bảo theo quy định vẫn được hoạt động theo đúng các văn bản hướng dẫn và theo nhu cầu phụ huynh. Đồng thời, Sở GD&ĐT tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc hoạt động của các trung tâm giáo dục kỹ năng sống này.

Năm nay, Sở GD&ĐT An Giang cũng ban hành công văn chấn chỉnh việc nuôi giữ, chăm sóc học sinh tiểu học ngoài giờ học chính khóa tại các cơ sở ngoài nhà trường.

Sở GD&ĐT An Giang yêu cầu Trưởng phòng GD&ĐT chỉ đạo hiệu trưởng các trường tiểu học thực hiện nghiêm túc, đúng quy định về hoạt động nuôi giữ, chăm sóc học sinh ngoài giờ học chính khóa; không được tổ chức dạy thêm, học thêm dưới bất kỳ hình thức nào tại cơ sở nuôi giữ và chăm sóc học sinh.

Nhà trường và giáo viên tuyệt đối không dùng các biện pháp trực tiếp hay gián tiếp để gợi ý hay ép buộc học sinh tham gia.

Sở GD&ĐT tỉnh Phú Thọ trước đó cũng ban hành công văn về việc chấn chỉnh hoạt động dạy thêm, học thêm.

Việt Nam dự kiến "dư thừa" 1,5 triệu đàn ông vào năm 2034

Xã hội - Bản tin 20/9: Giáo viên không được mượn phòng của trường để tổ chức dạy thêm (Hình 2).

Theo VTV, Việt Nam dự kiến có 1,5 triệu nam giới dư thừa vào năm 2034. Số liệu mới nhất từ Tổng cục Thống kê cũng cho thấy, con số này sẽ tăng lên 2,5 triệu vào 25 năm sau đó.

Theo Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Bộ Y tế, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ở Việt Nam tuy xuất hiện muộn so với các nước nhưng tăng nhanh và lan rộng. Số liệu mới nhất năm 2022 của Tổng cục Thống kê cho thấy, tỉ số giới tính khi sinh là 112,1 trẻ trai/100 trẻ gái.

Hiện 6 vùng kinh tế - xã hội trên cả nước đều xảy ra tình trạng này, đặc biệt tại đồng bằng sông Hồng và vùng miền núi trung du phía Bắc. Cả nước có 21 tỉnh, thành phố có tỉ số giới tính khi sinh cao hơn mức trung bình cả nước như: Sơn La, Nghệ An, Hà Nội…

Nam giới bị dư thừa có thể phải đối mặt với những khó khăn nghiêm trọng khi tìm kiếm bạn đời, trì hoãn hôn nhân hoặc sống độc thân.

Thương tâm bé gái 15 tuổi tử vong do mắc bệnh Whitmore

Xã hội - Bản tin 20/9: Giáo viên không được mượn phòng của trường để tổ chức dạy thêm (Hình 3).

Bệnh Whitmore là một bệnh nhiễm trùng ở người và động vật do vi khuẩn Burkholderia Pseudomalle gây ra.

Trao đổi với báo Giao Thông, ông Lê Đăng Khoa, Giám đốc Bệnh viện Nhi Thanh Hóa cho biết, bệnh nhi 15 tuổi (quê ở xã Tiên Trang, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hoá) mắc bệnh Whitmore đã tử vong dù được tích cực điều trị.

Điều tra dịch tễ cho thấy, từ ngày 22-30/8 vừa qua, bé gái có biểu hiện đau họng, ho, sốt cao, uống nhiều nước, sụt 7kg trong vòng 10 ngày, gia đình tự mua thuốc điều trị tại nhà nhưng không đỡ. Đến ngày 1/9, gia đình đưa bé đến Phòng khám An Phúc ở xã Tiên Trang khám và lấy thuốc theo đơn về điều trị nhưng bệnh diễn biến ngày càng nặng với biểu hiện mệt mỏi, sốt cao, ăn uống kém...

Sau khi đưa đến bệnh viện, người nhà đưa bé đến Bệnh viện 71 Trung ương làm các xét nghiệm cơ bản thì kết quả có chỉ số đường huyết cao, tiểu tiện không tự chủ, co giật toàn thân 2 cơn, mỗi cơn kéo dài 5-10 phút.

Ngày 4/9, bé gái được chuyển đến Bệnh viện Nhi Thanh Hóa trong tình trạng nguy kịch, suy tuần hoàn hô hấp, thở nấc, đồng tử 2 bên 3mm, nhịp tim không đều, nhanh, có nhịp ngoại tâm thu...

Sau khi tiến hành các xét nghiệm, bệnh nhi được phát hiện các chỉ số về bạch cầu, hồng cầu, định lượng Pro-calcitonin máu... đều tăng cao. Xét nghiệm cấy máu phát hiện bệnh nhi có vi khuẩn gây bệnh Brukholderia pseudomallei (bệnh Whitmore).

Theo đánh giá ban đầu, bệnh nhi bị viêm phổi nặng, suy gan, suy thận; có bệnh lý kèm theo là tiểu đường và béo phì. Bệnh nhi được điều trị hồi sức tích cực, thở máy, lọc máu, điều trị kháng sinh, điều chỉnh đường huyết.

Tuy nhiên, diễn biến bệnh ngày càng nặng. Bệnh nhi tử vong trong tình trạng suy đa tạng, phải lọc máu nhiều lần.

Trước đó, vào tháng 11/2022, tại Thanh Hóa cũng đã ghi nhận 2 bệnh nhân mắc Whitmore, trong đó trường hợp ở thị xã Nghi Sơn cũng đã tử vong trong tình trạng suy đa tạng, sốc nhiễm khuẩn, hoại tử ruột sau thời gian điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương.

Trúc Chi (t/h)