Bản tin 27/7: Bộ GD&ĐT lên tiếng về 52.000 học sinh lớp 1 bị xếp loại chưa hoàn thành

Bộ GD&ĐT lên tiếng về 52.000 học sinh lớp 1 bị xếp loại chưa hoàn thành; Thông tin mới nhất vụ 5 nhân viên thoát nước mắc kẹt dưới cống, 1 người tử vong...

 Bộ GD&ĐT lên tiếng về 52.000 học sinh lớp 1 bị xếp loại chưa hoàn thành

Theo báo cáo tổng kết năm học 2022-2023 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cả nước có 105.734 học sinh chưa hoàn thành chương trình, chiếm tỉ lệ 1,14% trên tổng số hơn 9,2 triệu học sinh tiểu học. Trong đó, lớp 1 có 52.456 học sinh xếp loại chưa hoàn thành, chiếm tỉ lệ 2,9% trên tổng số 1.763.961 học sinh lớp 1 của cả nước.

Trao đổi với báo Công Thương, ông Thái Văn Tài - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ Giáo dục và Đào tạo), trong số hơn 52.000 em đó, học sinh vùng dân tộc thiểu số, học sinh lớp ghép, khuyết tật chiếm tương đối nhiều.

Vụ Giáo dục Tiểu học cũng nhận định, có hai nguyên nhân chính của vấn đề: Thứ nhất, lớp 1 là năm đầu tiên của bậc học vô cùng đặc biệt với nhiều yêu cầu về kỹ năng cần đạt, năng lực cần đạt cũng như tạo nền tảng vững chắc để học sinh thuận lợi học các năm tiếp theo. Quan điểm của Bộ Giáo dục và Đào tạo là quản lý chặt chẽ khối lớp đầu tiên của cấp học, vì nếu lỏng lẻo ở đây sẽ tạo khoảng trống dẫn đến nhiều nguy cơ không thể khắc phục được về sau, trong đó có nguy cơ tái mù chữ và ngồi nhầm lớp.

Thứ hai, trước thềm năm học vừa qua, kết quả khảo sát cho thấy có khoảng 2% trẻ 5 tuổi chưa được đi học mầm non. Con số này rơi vào đối tượng trẻ ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn và có cả phần ảnh hưởng bởi yếu tố dịch bệnh. Không được học mẫu giáo, khi vào lớp 1, trẻ sẽ gặp nhiều khó khăn hơn. Ngoài ra, năm học 2022-2023 cũng là năm đầu tiên học sinh toàn quốc được đi học trực tiếp trọn vẹn sau dịch Covid-19 ít nhiều ảnh hưởng đến chất lượng nói chung.

Quan điểm của Bộ Giáo dục và Đào tạo là quản lý chặt chẽ khối lớp đầu tiên của cấp học vì nếu lỏng lẻo sẽ tạo khoảng trống dẫn đến nguy cơ không thể khắc phục được về sau, trong đó, có nguy cơ tái mù chữ và ngồi nhầm lớp.

Về giải pháp tăng cường chất lượng giáo dục tiểu học trong thời gian tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến Dự thảo Thông tư về dạy học Tiếng Việt cho trẻ em là người dân tộc thiểu số trước khi vào lớp 1. Theo đó, sẽ có những nội dung bù đắp kiến thức, kết nối chương trình giáo dục mầm non và bậc tiểu học và nhiệm vụ này được các trường tiểu học thực hiện tại trường trước khi bước vào khai giảng năm học mới. Các nhà trường vẫn sẽ phải làm chặt chẽ nhiệm vụ đánh giá, giám sát chất lượng, không báo cáo chạy theo thành tích.

Đối với học sinh chưa hoàn thành, Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các nhà trường sẽ phải có kế hoạch dạy bù những phần kiến thức, nội dung các em chưa hoàn thành để học sinh đạt được mục tiêu cần đạt. Việc này nhằm đảo bảo quyền lợi của học sinh, tránh trường hợp học sinh ngồi nhầm lớp. Ngoài ra, tiếp tục tăng cường giám sát thực chất chất lượng dạy học

Tp.HCM: Tăng nhanh số ca bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết

Xã hội - Bản tin 27/7: Bộ GD&ĐT lên tiếng về 52.000 học sinh lớp 1 bị xếp loại chưa hoàn thành

Ảnh minh họa.

Pháp luật Việt Nam dẫn nguồn trung tâm Kiểm soát bệnh tật Tp.HCM tiếp tục cập nhật về tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết và tay chân miệng tính đến tuần 29/2023.

Tính từ ngày 17/7 đến ngày 23/7 (tuần 29), số ca mắc bệnh tay chân miệng tiếp tục tăng nhanh tại Tp.HCM, với 2.356 ca bệnh được ghi nhận, tăng gấp 1,6 lần so với trung bình 4 tuần trước là 1.455 ca.

Tất cả các quận huyện đều ghi nhận số ca mắc tay chân miệng trong tuần 29, tăng so với trung bình 4 tuần trước. Các quận, huyện có số ca mắc trên 100.000 dân cao bao gồm quận Bình Tân, huyện Bình Chánh và quận Tân Phú.

Trong tuần 29, Tp.HCM cũng ghi nhận 256 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết, tăng 12,2% so với trung bình 4 tuần trước. Các quận huyện có số ca mắc trên 100.000 dân cao bao gồm Quận 1, huyện Bình Chánh và Quận 8.

Để phòng bệnh sốt xuất huyết, mỗi người, mỗi nhà chủ động truy tìm và loại bỏ nơi sinh sản của muỗi truyền bệnh. Người dân khi phát hiện các điểm nguy cơ, có thể phản ánh lên ứng dụng Y tế trực tuyến. Để phòng bệnh tay chân miệng, người chăm sóc trẻ và trẻ em cần thường xuyên rửa tay, vệ sinh các vật dụng, đồ chơi của trẻ, bàn ghế, sàn nhà... Nếu phát hiện trẻ có dấu hiệu mắc bệnh, phụ huynh hãy đưa trẻ đến khám tại các cơ sở y tế.

Thông tin mới nhất vụ 5 nhân viên thoát nước mắc kẹt dưới cống, 1 người tử vong

Xã hội - Bản tin 27/7: Bộ GD&ĐT lên tiếng về 52.000 học sinh lớp 1 bị xếp loại chưa hoàn thành (Hình 2).

Lực lượng chức năng phong toả hiện trường để điều tra nguyên nhân. Ảnh: PC07.

Theo báo Tuổi Trẻ, chiều 26/7, thông tin từ Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ (PC07) Công an Tp.HCM cho biết lúc 9h20, Trung tâm chỉ huy nhận được tin báo tại địa chỉ 3A20 đường Trần Văn Giàu, xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh, TP.HCM xảy ra sự cố có nhiều người bị mắc kẹt dưới cống.

Lực lượng Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ Công an huyện Bình Chánh đã điều hai xe chuyên dụng cùng 12 chiến sĩ đến hiện trường, triển khai công tác cứu người.

Sau khi lực lượng chức năng cử người đeo mặt nạ, bình khí và tiếp cận bên dưới cống thì phát hiện và vớt được một người đã tử vong tên K.L. (38 tuổi), đưa lên mặt đất.

Đồng thời lực lượng chức năng cũng phát hiện bốn người khác đang bị thương, mắc kẹt dưới cống, gồm Võ Huỳnh Bảo Anh (36 tuổi), Diệp Bảo Cường (33 tuổi), Trần Trung Bình (43 tuổi) và Ngô Khải Minh (22 tuổi) nên đưa vào Bệnh viện Chợ Rẫy cấp cứu.

Các nạn nhân được xác định là nhân viên của công ty thoát nước, trong quá trình dọn vệ sinh dưới cống thì gặp sự cố, bị mắc kẹt.

Theo một lãnh đạo UBND xã Phạm Văn Hai, nguyên nhân có thể trong quá trình nhóm công nhân dọn vệ sinh dưới cống bị thiếu oxy dẫn đến sự việc.

Hiện lực lượng chức năng vẫn đang phong tỏa, khám nghiệm hiện trường, điều tra vụ việc.

Trúc Chi (t/h)