Hà Nội phấn đấu hết năm 2023 có 75,5% trường công lập đạt chuẩn Quốc gia
Thông tin trên Nhân Dân, theo kế hoạch xây dựng trường công lập đạt chuẩn quốc gia thành phố Hà Nội năm 2023, thành phố phấn đấu đến hết năm 2023 sẽ có 75,5% trường công lập đạt chuẩn quốc gia và đến năm 2025, đạt mức 80-85% trường công lập các cấp đạt chuẩn quốc gia.
Mục tiêu của thành phố là tiếp tục duy trì, giữ vững nâng cao chất lượng các trường đã đạt chuẩn quốc gia, bảo đảm công nhận lại các trường đạt chuẩn quốc gia đến hạn công nhận lại.
Đồng thời, phấn đấu năm 2023, Hà Nội công nhận mới tăng thêm 130 trường công lập đạt chuẩn quốc gia, trong đó, cấp mầm non có 46 trường; cấp tiểu học 53 trường; cấp trung học cơ sở 28 trường; cấp trung học phổ thông 3 trường.
Đến hết năm 2023, thành phố Hà Nội phấn đấu có 1.730 trường công lập các cấp đạt chuẩn quốc gia.
Số trường công lập đạt chuẩn quốc gia đến hết năm 2023 của thành phố sẽ là 1.730 trường, đạt tỉ lệ 75,5% tổng số trường học trên địa bàn. Năm 2022, tỉ lệ này đạt 72,4%.
Để đạt được các chỉ tiêu trên, thành phố đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp như: Tăng cường vai trò lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền; Đẩy mạnh công tác truyền thông về công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia; Thực hiện tốt quy hoạch mạng lưới trường, lớp học trên địa bàn thành phố; Đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị theo hướng kiên cố hóa, hiện đại hóa và đạt chuẩn quốc gia; Hoàn thiện các tiêu chí, tiêu chuẩn, quy chuẩn về cơ sở vật chất trường học; Nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo toàn diện; Xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục;…
Tp.HCM: Sốt xuất huyết vào tháng cao điểm, tay chân miệng tiếp tục tăng nhanh
Theo Sức khỏe & Đời sống, Sở Y tế Tp.HCM cho biết, trong tháng 6 năm 2023, số ca mắc sốt xuất huyết và tay chân miệng trên địa bàn Thành phố đều tăng nhanh.
Cụ thể, trong tháng 6, toàn Thành phố ghi nhận 758 ca bệnh sốt xuất huyết nâng tổng số ca mắc 6 tháng đầu năm 2023 lên 8.519 ca (giảm 61,5% so cùng kỳ năm 2022). Không ghi nhận trường hợp tử vong do sốt xuất huyết (cùng kỳ năm 2022 ghi nhận 12 trường hợp). Tình hình thu dung, điều trị trong tháng 6 là 331 ca sốt xuất huyết.
Hiện có 111 trường hợp đang điều trị nội trú, trong đó có 10 trường hợp sốt xuất huyết nặng (tỉ lệ bệnh nhân nặng từ tỉnh chuyển đến chiếm khoảng 70%), và có 04 ca đang thở máy.
Số ổ dịch được ghi nhận trong 6 tháng đầu năm 2023 giảm 62% so với cùng kỳ năm 2022. Mặc dù số ca mắc và số ổ dịch ghi nhận thấp hơn năm trước nhưng đã có dấu hiệu dịch bệnh bắt đầu gia tăng từ tuần 24 đến nay.
Theo quy luật diễn tiến dịch bệnh hàng năm tại Thành phố, mùa cao điểm của bệnh sốt xuất huyết đã bắt đầu tăng vào tuần thứ 24, dịch sẽ tiếp tục tăng cao trong tháng 7 và dự kiến sẽ kéo dài đến hết tháng 10 hàng năm.
Đồng thời, qua giám sát điểm nguy cơ, tỉ lệ phát hiện có lăng quăng tại các điểm nguy cơ được giám sát là gần 48% (49/103 điểm), đây là con số đáng báo động, tỉ lệ này sẽ cao hơn nữa khi Thành phố mưa nhiều hơn và không có những biện pháp quyết liệt để kiểm soát các điểm nguy cơ.
Bên cạnh đó, trong tháng 6 Thành phố đã ghi nhận 2.690 ca bệnh tay chân miệng. Trong đó, có 569 ca nội trú và 2.121 ca ngoại trú. Trong số 569 ca nhập viện điều trị trong tháng 6, có 118 ca nặng (tỉ lệ bệnh nhân từ các tỉnh chuyển đến chiếm gần 76%) và tất cả đều là trẻ em dưới 6 tuổi. Chưa ghi nhận trường hợp tử vong do bệnh tay chân miệng của Tp.HCM.
Tổng số ca mắc tay chân miệng trong 6 tháng đầu năm 2023 là 4.500 ca (thấp hơn 47% so với cùng kỳ năm 2022). Tuy số ca mắc thấp hơn cùng kỳ năm ngoái nhưng với nguyên nhân gây bệnh là Enterovirus (EV71) - chủng virus có độc lực cao, có thể gây bệnh nặng và thậm chí tử vong, là tác nhân gây ra các vụ dịch lớn vào các năm 2011 và 2018. Ngành Y tế dự báo số ca mắc và số ca nặng sẽ tiếp tục gia tăng trong những tuần sắp tới và có thể kéo dài nếu không quyết liệt có các biện pháp dự phòng bệnh.
Theo ghi nhận, số ca mắc tay chân miệng đã bắt đầu tăng liên tục từ tuần 19 đến nay, số ca bệnh nặng cũng gia tăng theo. Số ca mắc trong tháng 6 cao hơn rất nhiều so với số ca mắc hàng tháng từ tháng 01 đến tháng 5.
Cùng với sốt xuất huyết, tổng số ổ dịch tay chân miệng trong 6 tháng là 125 (70 ổ dịch trong trường học và 55 ổ dịch tại cộng đồng) cũng tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ năm 2022 (64 ổ dịch).
Trước dự báo tình hình dịch bệnh sẽ gia tăng, Ngành Y tế đã chủ động triển khai hàng loạt các biện pháp phòng chống dịch bệnh ngay từ tháng 5 và tập trung nhiều hoạt động trong tháng 6.
Sở Y tế thông tin, để phòng bệnh sốt xuất huyết, mỗi người, mỗi nhà chủ động truy tìm và loại bỏ nơi sinh sản của muỗi truyền bệnh. Người dân khi phát hiện các điểm nguy cơ, có thể phản ánh lên ứng dụng Y tế trực tuyến.
Để phòng bệnh tay chân miệng, người chăm sóc trẻ và trẻ em cần thường xuyên rửa tay, vệ sinh các vật dụng, đồ chơi của trẻ, bàn ghế, sàn nhà... Nếu phát hiện trẻ có dấu hiệu mắc bệnh, phụ huynh hãy đưa trẻ đến khám tại các cơ sở y tế.
Va chạm với xe ô tô tải, 2 người trên xe máy tử vong
Thông tin trên Nhà báo & Công luận, ngày 6/7, Công an thành phố Kon Tum (tỉnh Kon Tum) cho biết, trên địa bàn vừa xảy ra vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng giữa xe máy và ô tô tải khiến hai người tử vong.
Trước đó, vào khoảng 16h30 phút ngày 5/7, Nguyễn Hữu H.(26 tuổi, thường trú tại phường Hội Thương, Tp.Pleiku, tỉnh Gia Lai) điều khiển xe ô tô tải biển kiểm soát 81C-037.47 lưu thông theo hướng từ huyện Sa Thầy đi thành phố Kon Tum.
Khi đi đến Km02+ 800 tỉnh lộ 675, đoạn thuộc thôn Măng La, xã Ngok Bay, thành phố Kon Tum đã va chạm với xe máy biển kiểm soát 82B1-862.28 đi theo hướng ngược lại.
Hậu quả, vụ tai nạn khiến A K. (45 tuổi) và A Kan (40 tuổi) thường trú tại thôn Kở Tu, xã Hơ Moong, huyện Sa Thầy bị thương được đưa tới Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum cấp cứu. Tuy nhiên do vết thương quá nặng, 2 bệnh nhân đã tử vong sau đó.
Cả 2 phương tiện đều hư hỏng nặng, trong đó xe ô tô tải bị lật nghiêng bên đường
Hiện nguyên nhân vụ việc đang được điều tra, làm rõ.
Trúc Chi (t/h)