Tin tức 24h: Người phụ nữ đến bệnh viện nhảy từ tầng 8 xuống đất, tử vong

CTV
Cơ quan chức năng xác định, nạn nhân không phải là bệnh nhân điều trị hoặc đến chăm sóc người nhà thuộc các khoa phòng của Bệnh viện tỉnh Hoà Bình.

Người phụ nữ đến bệnh viện nhảy từ tầng 8 xuống đất, tử vong

Theo thông tin từ UBND phường Đồng Tiến (thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình), khoảng 11h ngày 2/7, bảo vệ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình phát hiện 1 người phụ nữ tử vong dưới nền đất khu nhà B9.

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình, nơi xảy ra sự việc người phụ nữ nhảy từ tầng 8 xuống đất tử vong.

Sau khi tiếp nhận tin báo, lực lượng công an đã tiến hành phối hợp với bảo vệ và các khoa trong bệnh viện tiến hành xác minh, xác định nạn nhân là chị Bùi Thị H. (sinh năm 1984, trú xã Phong Phú, huyện Tân Lạc) nhảy từ khu vực lan can tầng 8 tòa nhà B9 (khoa nội hô hấp lao).

Quá trình kiểm tra tại các khoa phòng nạn nhân trên không phải là bệnh nhân điều trị hoặc đến chăm sóc người nhà thuộc các khoa phòng của Bệnh viện tỉnh Hòa Bình.

Hiện vụ việc đang được cơ quan chức năng điều tra, làm rõ.

TP HCM: Mưa ngập khắp nơi, người và xe "bơi" về nhà

Đến khoảng 16 giờ ngày 2-7, đường Nguyễn Văn Khối (quận Gò Vấp, TP HCM) vẫn còn ngập sâu trong nước. Mưa vẫn còn trút xuống khu vực này nhưng mức độ đã giảm đi đáng kể. 

Các xe di chuyển qua khu vực ngập gặp rất nhiều khó khăn. Một số xe chết máy, buộc người dân phải dắt bộ. Hàng quán hai bên đường buôn bán ế ẩm. Nước dâng cao cũng tràn vào một số nhà dân. 

Đường Nguyễn Văn Khối ngập nặng sau mưa lớn.

Nhiều con hẻm trên đường Nguyễn Văn Khối cũng chung số phận khi nước ngập lênh láng. Cách đó không xa, đường Phan Huy Ích (quận Gò Vấp) cũng chìm trong biển nước sau cơn mưa lớn. Tuy nhiên, nước rút khá nhanh trên đoạn đường này. Khoảng 15 phút sau khi mưa ngưng thì con đường này cũng hết ngập. 

Người dân gặp nhiều khó khăn khi đi qua đoạn ngập.

Trước đó, vào khoảng 14 giờ cùng ngày, trận mưa lớn trút xuống nhiều địa phương của TP HCM. Đây cũng là ngày thứ 4 liên tiếp TP HCM đón mưa lớn vào buổi chiều và gây ngập cho nhiều tuyến đường trên địa bàn. 

Xe bị chết máy, người dân phải dùng chân "bơi" qua đoạn ngập.

Theo Đài khí tượng thuỷ văn khu vực Nam Bộ, trận mưa xuất hiện trong chiều nay tại TP HCM đã nối tiếp chuỗi ngày mưa lớn kéo dài nhất kể từ đầu năm đến nay. 

Đợt mưa lớn kéo dài này xuất hiện cách đây khoảng 7 ngày. 

Cũng theo đơn vị này, nguyên nhân chính gây ra đợt mưa kéo dài này là do hội tụ gió ở tầng thấp, cộng với gió mùa Tây Nam cường độ trung bình.

Nước ngập lênh láng.

Trong khoảng từ 1-2 ngày tới, TP HCM vẫn còn mưa nhiều, sau đó giảm dần. Từ ngày 5 đến 6-7 trở đi nhiễu động trên cao hoạt động gây mưa nhiều trở lại cho khu vực. 

Một cửa hàng kê hàng hóa lên cao.

Một phương tiện bị chết máy.

Đường Nguyễn Văn Khối liên tiếp ngập nước trong những ngày qua.

Một con hẻm tại quận Gò Vấp ngập sâu trong nước.

Nước ngập gần nửa bánh xe.

Đường Phan Huy Ích cũng liên tiếp ngập trong những ngày qua.

Người dân dắt xe bị chết máy qua đoạn ngập.

Trong tháng 7, biển Đông có thể xuất hiện 1 - 2 cơn bão và áp thấp nhiệt đới

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia, trong tháng 7, bão và ATNĐ có khả năng xuất hiện từ 1 - 2 cơn trên khu vực Biển Đông và có thể ảnh hưởng đến khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ.

Từ tháng 7 - 9, có khoảng 6 - 8 cơn bão và  ATNĐ hoạt động trên Biển Đông, trong đó có khoảng 2 - 4 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền. Cơ quan khí tượng cũng đưa ra cảnh báo cần đề phòng những cơn bão có diễn biến phức tạp cả về quỹ đạo cũng như cường độ.

Ảnh bão chụp từ vệ tinh.

Theo thống kê, trung bình mỗi năm có 5 - 7 cơn bão và ATNĐ ảnh hưởng đến nước ta, trung bình mỗi tháng có 0,58 cơn. Tuy nhiên, năm nay do ảnh hưởng El Nino nên trung bình mỗi tháng có khoảng 0,42 cơn, ít hơn trung bình nhiều năm khoảng 28%. Ngoài ra, trong điều kiện El Nino, bão và ATNĐ thường tập trung vào giữa mùa bão (các tháng 7, 8, 9).

Trước đó, trong tháng 6, không có cơn bão và ATNĐ nào ảnh hưởng đến nước ta. ATNĐ đầu tiên trong năm xuất hiện ở Biển Đông vào ngày 5/5. Sau 2 ngày di chuyển, ATNĐ đã suy yếu thành một vùng áp thấp và tan trên khu vực giữa Biển Đông.

Khởi tố vụ án sạt taluy khiến 7 người thương vong ở Đà Lạt

Ngày 2-7, Đại tá Trần Vĩnh Phú - Trưởng Công an TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng cho biết đã khởi tố vụ án để điều tra hành vi vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại địa bàn phường 10, TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng vào rạng sáng 29-6.

Công trình xây dựng có taluy bị sập.

Theo đại tá Trần Vĩnh Phú, ngay sau khi xảy ra sự việc, được sự chỉ đạo của Giám đốc Công an tỉnh Lâm Đồng, cơ quan này đã xác định có dấu hiệu vi phạm nên đã chỉ đạo cơ quan cảnh sát điều tra tập trung xác minh, điều tra.

Đến thời điểm hiện tại, sau hơn ba ngày quyết liệt điều tra, công an TP Đà Lạt đã xác định được dấu hiệu phạm tội nên đã khởi tố vụ án để điều tra theo quy định của pháp luật.

Trước đó, khuya ngày 29-6, tại 1 con hẻm ở đường Hoàng Hoa Thám, phường 10, thành phố Đà Lạt đã xảy ra vụ sạt bờ taluy cao 30 mét khiến 5 người bị thương và 2 vợ chồng công nhân xây dựng quê tỉnh Phú Yên tử vong.

Vị trí sạt lở là công trình taluy chắn đất có tổng chiều dài 381 mét, kết cấu bê tông cốt thép kết hợp hệ cọc vây 2 lớp D400.

Hiện trường khu vực taluy bị sập.

Công trình này được xây dựng trên bốn thửa đất thuộc tờ bản đồ số 4 và được UBND TP Đà Lạt cấp giấy phép xây dựng ngày 29-3-2021.

Công trình do công ty Cổ phần xây dựng Lê Nguyễn Lâm Đồng làm nhà thầu thi công và thiết kế xây dựng; nhà thầu thẩm tra thiết kế là công ty TNHH Hà Phát Thịnh.

Thời điểm xảy ra sự cố, hạng mục taluy đã hoàn thành thi công khoảng một năm trước, hiện chủ đầu tư công trình đang đắp đất để tạo mặt bằng thi công.

Vụ sạt gây thiệt hại về người và tài sản

Đoạn taluy xảy ra sự cố nằm dọc theo ranh đất công trình phía taluy âm (trùng hành lang an toàn đường điện theo phân khu B1), gồm hai cấp taluy cách nhau 1,2 m; chiều dài khoảng 29 m...

Hậu quả là một công trình hộ dân đã bị chôn vùi, sụp đổ toàn bộ; ba công trình của hộ dân bị ảnh hưởng, hư hỏng, hạ tầng khu vực bị hư hỏng (điện, nước, đường giao thông.

Ngay trong ngày 29-6, tỉnh Lâm Đồng đã tạm đình chỉ công tác Trưởng phòng Quản lý đô thị TP Đà Lạt để kiểm tra, kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của cá nhân liên quan trong việc cấp phép xây dựng và kiểm tra giám sát xây dựng khu vực vừa xảy ra sạt lở tại phường 10.

UBND TP Đà Lạt cũng có văn bản yêu cầu các cán bộ, công chức liên quan không rời khỏi địa phương để phục vụ điều tra.

Hà Nội: Dự kiến học phí trường công năm học 2023-2024 cao nhất 300.000 đồng/tháng

Theo đó, Nghị quyết áp dụng với đối tượng: Là trẻ em mầm non và học sinh phổ thông đang theo học tại các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên công lập; cơ sở đào tạo khác thực hiện chương trình giáo dục phổ thông chưa tự bảo đảm chi thường xuyên (không bao gồm cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao) trên địa bàn thành phố Hà Nội;

Các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên công lập, cơ sở đào tạo khác thực hiện chương trình giáo dục phổ thông chưa tự bảo đảm chi thường xuyên (không bao gồm cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao) trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Mức thu học phí năm học 2023-2024 bằng mức sàn của khung học phí theo quy định của Chính phủ tại khoản 2 Điều 9 Nghị định số 81/2021/NĐ-CP, cụ thể như sau:

Mức học phí năm học 2023-2024 đối với các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn Hà Nội áp dụng cho khu vực thành thị là 300.000 đồng/tháng/học sinh; khu vực nông thôn là 100.000 đồng/tháng và khu vực miền núi là 50.000 đồng/tháng.

Trong trường hợp phải học online, học phí sẽ được áp dụng bằng 75% mức quy định. Cụ thể, mức học phí năm học 2023-2024 đối với các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn Hà Nội áp dụng cho khu vực thành thị là 225.000 đồng/tháng/học sinh; khu vực nông thôn là 75.000 đồng/tháng và khu vực miền núi là 38.000 đồng/tháng.

UBND TP.Hà Nội cho rằng, việc quy định mức thu học phí đối với học sinh tiểu học dùng làm căn cứ để thực hiện mức hỗ trợ tiền đóng học phí cho các đối tượng học sinh tiểu học tư thục thuộc đối tượng được hưởng chính sách miễn giảm học phí theo quy định (Theo quy định tại khoản 1 Điều 14 Nghị định số 81/2021/NĐ-CP học sinh tiểu học trường công lập thuộc đối tượng không phải đóng học phí).

Mức học phí năm học 2023-2014 khối các trường công lập tại Hà Nội cao nhất là 300.000 đồng/tháng/học sinh. Ảnh minh họa: Tiền phong

UBND TP.Hà Nội cũng đề nghị áp dụng mức học phí theo hình thức học trực tuyến, trong trường hợp xảy ra thiên tai, dịch bệnh, các sự kiện bất khả kháng. Cụ thể:

+ Đối với các tháng có thời gian học cả tháng theo hình thức học trực tiếp hoặc hình thức học trực tuyến (online): Áp dụng mức thu học phí của tháng đó theo mức đã được quy định tương ứng theo hình thức học và vùng của cấp học.

+ Đối với các tháng đồng thời áp dụng cả hai hình thức học trực tiếp và trực tuyến (online): Căn cứ thời gian học tập của học sinh tại đơn vị để áp dụng mức thu học phí của tháng đó. Trường hợp thời gian học tập theo hình thức học trực tiếp từ 14 ngày trở lên thì thực hiện thu theo hình thức học trực tiếp; trường hợp thời gian học tập theo hình thức học trực tuyến từ 14 ngày trở lên thì thực hiện thu theo hình thức học trực tuyến (bao gồm cả số ngày nghỉ theo quy định của pháp luật) và mức thu học phí tương ứng đã được quy định đối với vùng của cấp học.

Tổng thời gian thu học phí (theo hình thức học trực tiếp, trực tuyến) phải đảm bảo nguyên tắc tổng số tháng thu học phí trong năm không vượt quá 9 tháng/năm.

Tờ trình số 212/TTr-UBND sẽ được HĐND TP. Hà Nội xem xét, thông qua tại Kỳ họp HĐND thường kỳ diễn ra trong tuần sau.