Bảo mẫu sau Tết nghỉ luôn, tôi gọi tăng lương 9 triệu/tháng vẫn chê, còn "tố" ngược con chủ nhà

Những lời bảo mẫu nói khiến tôi khá sốc và ân hận vì bao lâu qua đã mải mê làm ăn, bỏ bê chuyện dạy dỗ con.

Tôi cứ nghĩ rằng con nhỏ cần quá trình dài hơi để dạy dỗ tất cả những vấn đề trong cuộc sống nên không để ý quá nhiều đến điều đó. Cho đến khi người bảo mẫu nói ra suy nghĩ của chị, tôi mới giật mình nhận ra.

Vợ chồng tôi làm ăn kinh doanh, có 2 cháu, một bé năm nay học lớp 3 và một bé mới được 2,5 tuổi. Trong năm, để yên tâm đi làm, tôi có thuê một người bảo mẫu qua trung tâm môi giới với mức giá 8 triệu/tháng chỉ để mỗi ngày đưa con lớn đi học và chăm sóc con bé ở nhà, việc cơm nước dọn dẹp nhà cửa đã có một người giúp việc khác làm.

Vì gia đình kinh doanh xuyên Tết nên khi người giúp việc xin về quê nghỉ Tết từ 23 tháng Chạp, chúng tôi đã phải nói khó khăn với chị là ở lại thêm đến 27-28 Tết vì nếu chị về không có ai chăm sóc các con giúp tôi. Nhất là đứa út đã quá quen hơi bảo mẫu hơn 1 năm nay.

Ảnh minh họa

Thấy tôi năn nỉ nên chị cũng ở lại thêm 5 hôm với mức lương cho thêm là 500 nghìn/ngày. Trước khi chị về nghỉ Tết, tôi thanh toán lương và cho thêm thưởng, biếu quà rất chu đáo và chị cũng hẹn là đầu sang năm sẽ quay trở lại để tiếp tục chăm sóc con giúp tôi, còn cụ thể là ngày nào chị sẽ báo sau.

Thế nhưng cho đến ngày hôm qua, sau khi nhiều ngày liền liên lạc với chị đều không có kết quả như mong đợi tôi đã phải hỏi thẳng là chị có quay trở lại hay không mà sao cứ vòng vo mãi chưa lên. Cuối cùng câu trả lời của chị là:

- Gia đình em thông cảm, chị không tiếp tục công việc được nữa đâu. Khi nào có duyên chị sẽ tìm lại em.

- Ôi sao chị nói kiểu gì vậy mà giờ chị mới thông báo với em. Trước Tết chị vẫn vui vẻ hẹn em ra Giêng sẽ quay lại bế con cho em mà sao giờ lại "đánh úp" em vậy? Chị cũng phải cho em một lý do chứ? Em đối xử với chị có đâu đến nỗi nào mà chị lại bỏ rơi em lúc này.

- Xin lỗi em nhưng chị có nhiều cái khó xử khó nói ra mà giờ nói ra cũng không tiện. Chị quyết rồi không thể quay lại nữa, mong em thông cảm.

- Chị ơi giờ mới ra Tết để em tìm giúp việc mới thì rất khó khăn mà công việc của em lại rất bận rộn. Thôi có khúc mắc gì chị cứ lên đây rồi chị em ta cùng từ từ giải quyết. Em tăng lương thêm cho chị 1 triệu, là 9 triệu/tháng nhé.

Thế nhưng dù tăng lương kiểu gì bảo mẫu cũng nhất quyết không quay trở lại, khi gặng hỏi lý do thì chị nói:

- Dù chị là người đi làm thuê nhưng chị cũng có sự tự trọng của một con người. Và khi ở nhà em chị cảm thấy không được tôn trọng, vợ chồng em thì không nói làm gì nhưng ngay cả những đứa con của em cũng không coi chị ra gì, chị thấy chúng nó không hề lễ phép với chị mà coi chị như một tay sai, người ở nên chị rất không hài lòng.

Ảnh minh họa

Con em đi về không biết chào hỏi chị là gì, còn thường xuyên bắt chị ăn đồ ăn thừa của nó rồi còn nói chị là "hạng người thấp kém". Vợ chồng em không có biện pháp giáo dục cứng rắn với con nên chị cảm thấy rất nhục nhã khi làm việc tại gia đình em. Chị đi làm đã nhiều năm nay nhưng chưa gia đình nào đối xử với chị như thế. Vậy nên chị không thể đồng hành cùng em được nữa, chị đã tìm được chỗ làm mới rồi nhé. Chào em!

Thế đó, chị bảo mẫu nói 1 tràng và cúp máy của tôi, nhất quyết không nghe máy lại. Tôi cảm thấy khá choáng váng và hụt hẫng vì những cảm xúc của chị. Tôi thừa nhận cũng vài ba lần cảm thấy con trai có những hành động không đúng đắn với chị bảo mẫu nhưng tôi không ngờ lại có những câu nói và hàng động cư xử tới mức như thế. Tôi thật ân hận vì đã quá mải mê làm ăn mà quên mất dành thời gian dạy dỗ con nhiều hơn, giờ đây vừa không có người trông con mà lại phát hiện ra thằng con trai lớn đã hư hỏng tới mức đó.

Tâm sự từ độc giả myvan...

Quả thực nhiều gia đình khi thuê bảo mẫu, người giúp việc luôn mong muốn người đó phải có tâm, chăm sóc trẻ tốt, làm việc lâu năm với gia đình... mà quên mất rằng để có được những điều này chính bản thân gia chủ bao gồm bố mẹ và con cái cũng phải dành cho họ những sự tôn trọng thiết yếu.

Trong đó, dạy trẻ lễ phép và tôn trọng bảo mẫu là điều cần thiết.

Bố mẹ cần dạy trẻ cách chào hỏi, và thể hiện sự lễ phép đối với bảo mẫu. Đây là những hành vi cơ bản nhất mà mọi đứa trẻ nên có, và càng được coi trọng trong cuộc sống hàng ngày. Ngoài việc chỉ dạy lời chào, cần dạy trẻ cách có thái độ và cách chào phù hợp để thể hiện sự lễ phép của mình.

Bố mẹ cũng nên dạy trẻ cách biết cảm ơn và thể hiện sự lịch sự đối với bảo mẫu. Hãy dạy trẻ biết cảm ơn sự giúp đỡ từ người khác. Khi nhận được sự giúp đỡ từ bảo mẫu, hãy dạy trẻ cách bày tỏ lời cảm ơn và có thái độ lịch sự. Nếu không được dạy bảo, trẻ có thể phát triển suy nghĩ tiêu cực rằng, có tiền hay quyền lực sẽ sai khiến được người khác.

Dạy trẻ biết chia sẻ và cảm thông với bảo mẫu

Bố mẹ cần khơi gợi sự cảm thông của trẻ đối với bảo mẫu. Hãy coi bảo mẫu như một thành viên trong gia đình và tạo sự gần gũi, thân thiết. Hãy chia sẻ một số thông tin cá nhân với bảo mẫu để con trẻ có thể hiểu rõ hơn. Con sẽ tự biết cách ứng xử hợp lý trong từng tình huống.

Tóm lại, trong thời đại ngày nay, hầu hết các gia đình đều bận rộn và nhiều người tìm đến sự trợ giúp từ bảo mẫu. Bảo mẫu đóng một vai trò quan trọng trong gia đình. Vậy nên, bố mẹ cần chú ý đến cách ứng xử và giao tiếp của chính bản thân mình, cũng như các con với bảo mẫu, để có thể yên tâm hơn khi bố mẹ không có mặt ở nhà và giao con cho bảo mẫu chăm sóc.

Ngoài ra, bố mẹ cũng cần làm gương cho con.

Bố mẹ là tấm gương đầu tiên mà con trẻ học tập. Khi giao tiếp với bảo mẫu, bố mẹ cần thể hiện sự tôn trọng đối với họ. Thay vì sử dụng lời ra lệnh hoặc quát tháo, hãy sử dụng từ ngữ tế nhị và mong muốn một cách lịch sự khi yêu cầu bảo mẫu thực hiện một việc gì đó.

Khi bố mẹ tôn trọng và thiết lập mối quan hệ bình đẳng với bảo mẫu, con trẻ chắc chắn sẽ học tập và bắt chước để hình thành thái độ cư xử đúng mực giống như bố mẹ.

Xây dựng mối quan hệ lành mạnh giữa chủ nhà và bảo mẫu

Mối quan hệ giữa chủ nhà và bảo mẫu đôi khi có thể phức tạp. Có thể xảy ra mâu thuẫn giữa hai bên, nhưng họ vẫn liên kết với nhau vì lợi ích chung.

Trong trường hợp này, người lớn không nên truyền tải những ý nghĩ tiêu cực về bảo mẫu cho trẻ, ví dụ như lo ngại rằng bảo mẫu sẽ có ý đồ gì đó với thành viên khác trong gia đình khi không có mặt chủ ở nhà. Việc này có thể ảnh hưởng xấu đến quá trình hình thành nhân cách của trẻ.

THEO PHAN NGUYỄN (GHI)