Tạp chí Forbes vừa công bố danh sách những tỷ phú giàu nhất thế giới năm 2021. Tài sản của các tỷ phú được thống kê đến ngày 5/3.
Theo danh sách này, Việt Nam có 6 đại diện góp mặt, nhiều hơn 2 người so với năm 2020.
Với khối tài sản trị giá 7,3 tỷ USD, tỷ phú Phạm Nhật Vượng- Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vingroup (MCK: VIC) đứng đầu danh sách các tỷ phú USD Việt Nam.
Các tỷ phú USD còn lại của Việt Nam là bà Nguyễn Thị Phương Thảo- "nữ tướng" của hãng Hàng không Vietjet Air (MCK: VJC), Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát (MCK: HPG) Trần Đình Long, Chủ tịch Công ty Ô tô Trường Hải (Thaco) Trần Bá Dương; Chủ tịch Techcombank Hồ Hùng Anh và Chủ tịch Masan Nguyễn Đăng Quang.
Sở hữu khối tài sản tỷ USD, các tỷ phú Việt kể trên hầu hết đều làm giàu từ hai bàn tay trắng.
Chủ tịch Tập đoàn Vingroup Phạm Nhật Vượng
Ông Phạm Nhật Vượng sinh ra trong một gia đình nghèo cùng với 3 người anh em nữa. Cha ông từng là sỹ quan phòng không miền Bắc còn mẹ bán hàng rong.
Năm 1987, nhờ thành tích xuất sắc về toán học, ông Vượng đã giành được một suất học bổng du học tại Matxcơva.
Ông khởi nghiệp với việc mở một cửa hàng ăn tại nhà số 5, cao tốc Aminevskoe, nơi có nhiều người Việt sinh sống vào những năm 1990.
Đến năm 1993, ông lập thương hiệu Mivina và bắt đầu sản xuất mỳ ăn liền sau khi vay 10.000 USD từ những người bạn Việt Nam và tiếp tục vay Ngân hàng châu Âu để mở rộng sản xuất sang các sản phẩm khác như rau thơm khô đóng gói, bột khoai tây, soup, …
Thương hiệu “Mivina” nhanh chóng trở nên phổ biến ở đất nước Ukraine. Đến năm 2004, mức tiêu thụ mỳ Mivina ở Ukraine đạt mức cao kỷ lục, 97% người tiêu dùng sử dụng loại sản phẩm này.
Năm 2000, song song với việc điều hành công việc kinh doanh ở Ukraine, ông Vượng mở 2 công ty tại Việt Nam. Ông bắt đầu thu lợi nhuận từ các doanh nghiệp Ukraine đầu tư bất động sản ở Việt Nam sau khi thành lập Vinpearl năm 2000 và Vingroup vào năm 2002.
Năm 2007, Vingroup niêm yết trên sàn chứng khoán và hiện là một trong 5 công ty có vốn hóa lớn nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam.
Nữ tướng Vietjet Nguyễn Thị Phương Thảo
CEO Vietjet Air từng đỗ đại học Ngoại thương rồi du học ở Đông Âu. Bà từng chia sẻ, sáng đi học, chiều về làm kinh doanh.
Khi đó, bà kinh doanh đủ thứ từ hàng điện tử, máy tính, máy fax đến băng đĩa... Bà cũng đưa về các mặt hàng như sắt thép, phân bón... Chỉ sau 3 năm, bà Thảo sở hữu 1 triệu USD khi mới 21 tuổi.
Ngoài là "nữ tướng" Vietjet, bà Thảo còn vô cùng nổi bật trong lĩnh vực tài chính với Ngân hàng HDBank với vai trò Phó chủ tịch.
Cũng tại đây, nữ tỷ phú USD tự thân Nguyễn Thị Phương Thảo có thêm danh hiệu “nữ hoàng mua sắm”, bởi đây là ngân hàng giữ kỷ lục về số thương vụ mua lại và bán vốn chiến lược.
Hai tỷ phú họ Trần là Trần Đình Long và Trần Bá Dương có điểm chung là xuất phát từ nghề cơ khí và trong quá trình xây dựng sự nghiệp đều có dính một chút tới bất động sản.
Chủ tịch Hòa Phát Trần Đình Long khởi nghiệp bằng Công ty TNHH Thiết bị Phụ Tùng Hòa Phát thành lập cùng bạn, chuyên buôn đồ cũ từ Nga về.
Từ năm 1992- 1996, ông đảm nhận chức vụ chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Giám đốc công ty. Năm 1996-2005, ông giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT công ty thuộc nhóm Hòa Phát. Hiện, ông là Chủ tịch của Tập đoàn Hòa Phát.
Hòa Phát cũng kinh doanh bất động sản, không lớn, nhưng đủ nổi tiếng với 2 khu chung cư Mandarin Garden 1 và 2 tại Hà Nội, ngoài ra còn một số chung cư khác mang thương hiệu Hòa Phát.
Quy mô bất động sản của ông Trần Đình Long chắc còn xa mới bằng Khu đô thị Đại Quang Minh tại TP.HCM có liên quan tới ông Trần Bá Dương. Nhưng với ông Dương, sản xuất cơ khí - ô tô mới là niềm đam mê và tự hào.
Sinh ra trong một gia đình nghèo khó, ông Trần Bá Dương phải đi làm kiếm tiền từ sớm. Sau khi tốt nghiệp Đại học Bách khoa TP.HCM, ông làm kỹ thuật viên xưởng sửa chữa nhà máy đại tu ôtô Đồng Nai.
Đến năm 1997, ông thành lập công ty ô tô Trường Hải (Thaco).
Bạch Hiền (t/h) - Người Đưa Tin Pháp Luật