Sáng 5/10, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai cho biết các bác sĩ vừa tiến hành phẫu thuật cho bệnh nhi 3 tuổi bị đoạn xương cá đâm thủng ruột.
Bệnh nhi bị xương cá đâm thủng ruột là bé trai L.Q.P (quê Thanh Hóa, tạm trú Đồng Nai). Trước đó, vào ngày 1/10, bệnh nhi P. nhập viện trong tình trạng đau bụng, kèm theo sốt, bỏ ăn. Qua thăm khám, bác sĩ chẩn đoán bé có dấu hiệu viêm ruột nên cho siêu âm thì phát hiện có dị vật đâm thủng ruột.
Ngay sau đó, các bác sĩ đã tiến hành mổ nội soi, lấy ra một đoạn xương cá dài 1,5 cm đâm thủng vào thành ruột, đồng thời may lỗ thủng và làm sạch ổ bụng. Đến nay sức khỏe bệnh nhi đã hồi phục, hết đau bụng, không ói, không sốt.
Mẹ của bệnh nhi cho biết, trước khi bé có biểu hiện bất thường bà đã cho con ăn cháo cá thu. Trong lúc ăn, bé xem tivi, có thể vì vậy nên đã vô tình nuốt đoạn xương vào bụng.
Trước đó, tháng 1/2020, Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP.HCM) đã tiếp nhận trường hợp bé gái 1 tuổi bị 7 mảnh xương cá mắc khắp đường thở khi ăn cháo.
Theo gia đình, cách đó vài ngày, bé gái có ăn cháo cá. Có vẻ khi đút người nhà không để ý, không loại bỏ hết xương nên bé đã nuốt lần lượt tới 7 mảnh xương vào cơ thể. Đến lúc đó, bé mới bắt đầu bị sặc, tím tái, khó thở nên người nhà mới hốt hoảng đưa đi viện.
Cách xử trí khi trẻ bị hóc xương
Theo ThS.BS Nguyễn Văn Nhôm, Phó khoa Hồi sức Tích cực, bệnh viện Quốc tế City TP.HCM, khi trẻ bị hóc xương, các phụ huynh cần bình tĩnh và xử lý kịp thời theo các bước sau:
- Bước 1: Ngừng cho bé ăn rồi nhẹ nhàng trấn an tinh thần bé. Trẻ nhỏ hóc xương thường quấy khóc, cần dỗ bé nín để tránh xương cá không bị kẹt sâu hơn.
- Bước 2: Yêu cầu bé há miệng và dùng đèn pin soi để kiểm tra cổ họng của bé. Nếu phát hiện xương mắc ở cổ họng bạn cần bình tĩnh dùng kẹp y tế để gắp xương ra. Trong quá trình xử lý, cha mẹ cần nhẹ nhàng, trấn an tinh thần để bé không ngọ nguậy có thể gây tổn thương vùng họng.
- Bước 3: Cho trẻ uống nước vài lần, nếu bé uống không có dấu hiệu đau đớn nghĩa là đã hết hóc xương. Những trẻ lớn hơn sau khi cho uống nước bạn có thể hỏi bé có còn đau không.
- Bước 4: Trong trường hợp nếu không phát hiện thấy xương cá nằm ở cổ họng mà bé vẫn có biểu hiện đau đớn, la khóc, gia đình nên đưa bé đến bệnh viện để các bác sĩ xử lý kịp thời, vì có thể xương đã đi sâu xuống thực quản bạn không thể nhìn thấy được.
Biện pháp phòng tránh hóc xương cá cho trẻ
- Hạn chế vừa cười, vừa nói khi đang ăn cá.
- Gỡ bỏ xương cá ngay trong đĩa (bát), không nên cho cả miếng cá vào miệng rồi mới sử dụng lưỡi và răng để gỡ xương ra.
- Nên cho con ăn cá phi-lê vì hầu hết xương đã được gỡ bỏ trong quá trình chế biến.
- Không nên ăn cá cùng với cơm hoặc bún (mỳ). Hãy để trẻ ăn riêng cá.
- Cha mẹ hãy xé cá thành những miếng nhỏ sau đó mới ăn để con có thể cảm nhận hoặc thấy được những mẩu xương nhỏ li ti. Nhớ dặn con đừng nhai rối và nuốt vội mỗi khi ăn cá.