Liên quan đến sự việc cặp song sinh tím tái sau tiêm phòng vắc xin, sau đó một trẻ đã tử vong tại BV Sản Nhi tỉnh Vĩnh Phúc, hiện cơ quan chức năng đang tiến hành các biện pháp nghiệp vụ để sớm đưa ra kết luận cuối cùng.
Hiện thi thể bé trai tử vong đã được giao cho người thân để đưa về nhà trưa 11/9, bé còn lại đang được điều trị đặc biệt tại Bệnh viện Nhi Trung ương.
Một lãnh đạo Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, kết quả xét nghiệm ban đầu cho thấy, bé trai được viện tiếp nhận và cấp cứu có tình trạng rối loạn chuyển hóa axít béo. Đây là một trong hai thể phổ biến của rối loạn chuyển hóa bẩm sinh và là bệnh do đột biến gene hiếm gặp, chỉ có thể phát hiện qua xét nghiệm chuyên sâu.
Trưa 11/9, thi thể bé trai tử vong sau tiêm vắc xin đã được giao cho gia đình về lo hậu sự. Ảnh: Nguyễn Hạnh.
Những năm qua, Bệnh viện Nhi Trung ương đã gặp gần 10 trường hợp tử vong sau tiêm vắc xin viêm gan B nhưng nguyên nhân không phải do tiêm phòng. Các chuyên gia cho biết, thời điểm tiêm vắc xin viêm gan B thường là sau sinh trong khi triệu chứng bệnh rối loạn chuyển hóa bẩm sinh cũng hay nặng lên lúc trẻ được bú sau một ngày.
“Hiện chúng tôi tích cực điều trị cho bé sơ sinh được chuyển từ Vĩnh Phúc xuống và có tiên lượng nặng”, vị lãnh đạo Bệnh viện Nhi Trung ương chia sẻ.
Hội chứng rối loạn chuyển hóa axít béo là một hội chứng bẩm sinh, có ảnh hưởng tới khả năng phân giải mỡ của trẻ sơ sinh. Ở những trẻ khỏe mạnh, cơ thể sẽ sử dụng glucose từ tinh bột và đường để tạo ra năng lượng, cung cấp cho các hoạt động sống. Khi nguồn năng lượng từ glucose cạn kiệt thì cơ thể sẽ huy động nguồn năng lượng dự trữ từ chất béo. Tuy nhiên, ở những trẻ mắc hội chứng chuyển hóa axit béo thì sẽ không thể sử dụng được chất béo để sản sinh năng lượng. Bệnh khiến nồng độ đường huyết của trẻ luôn ở mức thấp, tích lũy nhiều chất độc hại trong máu trẻ.
Nếu được chẩn đoán và điều trị sớm, hầu hết các trẻ mắc rối loạn chuyển hóa axit béo đều có thể sống khỏe mạnh bình thường. Tuy nhiên, nếu không được điều trị, tình trạng này có thể dẫn tới nhiều vấn đề về sức khỏe nghiêm trọng như: Thiếu máu, khó thở, tổn thương não, hôn mê, tổn thương tim, gan, phổi, chậm phát triển trí tuệ và nhận thức, co giật, động kinh,... thậm chí dẫn tới tử vong.
Thông tin mới nhất vụ trẻ tử vong sau tiêm vắc xin tại Vĩnh Phúc: Hai bé song sinh được thụ tinh trong ống nghiệm
Liên quan đến vụ việc hai bé song sinh bị tím tái, sau đó một trẻ tử vong sau tiêm vắc xin viêm gan B tại BV Sản Nhi tỉnh Vĩnh Phúc, hiện bệnh viện đã có thông tin ban đầu về sự việc.
Theo lãnh đạo Bệnh viện, ngày 8/9, sản phụ Đ.T.Y (sinh năm 1991, quê xã Hoàng Đan, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc) nhập viện mang song thai 38 tuần/IVF (thụ tinh trong ống nghiệm). Sau khi nhập viện theo dõi, sản phụ được mổ lấy thai vào 7h30 ngày 9/9. Hai bé trai chào đời có cân nặng lần lượt là 2,9kg và 3kg. Sau sinh, sản phụ và các em bé hoàn toàn khỏe mạnh.
Khoảng 10 giờ ngày 10/9, hai bé được tiêm vắc xin viêm gan B, sau đó theo dõi tại Khoa Sản của bệnh viện và không ghi nhận bất thường nào. Đến 11h45, một trong hai bé đột ngột tím tái, xuất hiện khó thở, suy hô hấp và nhanh chóng được các bác sĩ cấp cứu nhưng cháu không qua khỏi.
Gia đình đau đớn, búc xúc sau khi một trong hai bé song sinh tử vong sau tiêm vắc xin. Ảnh cắt từ clip.
Đến 15 giờ, cháu bé thứ 2 cũng xuất hiện triệu chứng tương tự và được các bác sĩ tại viện điều trị, cấp cứu và chuyển tới Bệnh viện Nhi Trung ương vào chiều cùng ngày.
Bệnh viện đã báo cáo vụ việc với cơ quan chức năng và phối hợp với Sở Y tế, Công an tỉnh Vĩnh Phúc điều tra nguyên nhân trẻ tử vong, hiện chưa có kết luận.
Vắc xin viêm gan B được tiêm miễn phí trong Chương trình tiêm chủng mở rộng và tiêm phòng vắc xin viêm gan B được xem là biện pháp hữu hiệu nhất phòng tránh bệnh viêm gan B hiện nay.
Vắc xin phòng viêm gan B đã được ghi nhận an toàn và có hiệu quả cao. Tuy nhiên, vẫn có thể có trường hợp phản ứng nhẹ sau tiêm như: Cảm giác đau, đỏ hoặc sưng nhẹ tại chỗ tiêm (với khoảng 15% người lớn, 5% trẻ em), sốt nhẹ (khoảng 1-6%). Một số phản ứng dị ứng cũng như biến chứng do vắc xin này là rất hiếm như nổi ban, khó thở, chiếm tỷ lệ khoảng 1/600.000 liều.
Tổ chức Y tế khuyến cáo, tất cả trẻ chào đời cần được tiêm phòng vắc xin viêm gan B càng sớm càng tốt sau khi sinh, tốt nhất trong vòng 24 giờ đầu để phòng lây truyền vi rút viêm gan B từ mẹ sang con, hiệu quả tới 80-85%. Nếu trẻ tiêm vắc xin viêm gan B muộn sau khi sinh thì việc phòng tránh lây truyền sẽ giảm, cụ thể nếu tiêm vắc xin viêm gan B vào 7 ngày sau khi sinh, khả năng phòng lây nhiễm từ mẹ sang con chỉ đạt 50-57%.
Ngoài ra, tiêm vắc xin viêm gan B sớm không chỉ có hiệu quả tốt phòng lây truyền viêm gan từ mẹ sang con trong khi sinh mà còn giúp trẻ sơ sinh sớm được bảo vệ phòng lây truyền viêm gan B từ các thành viên khác trong gia đình, người chăm sóc trẻ hoặc từ những trẻ khác qua tiếp xúc trực tiếp với vết xước, chảy máu. Đây chính là thời gian vàng để có được hiệu quả bảo vệ cao nhất của vắc xin viêm gan B trong phòng bệnh này.