Bệnh đậu mùa khỉ có nguy hiểm không? Mắc bệnh đậu mùa khỉ liệu có dễ chết?

CTV
Việt Nam mới ghi nhận trường hợp đầu tiên mắc bệnh đậu mùa khỉ. Vậy căn bệnh này có dễ lây lan và bệnh đậu mùa khỉ có nguy hiểm không?

Bệnh đậu mùa khỉ là gì?

Bệnh đậu mùa khỉ là là một bệnh truyền nhiễm từ động vật do virus đậu mùa khỉ gây ra. Điều này có nghĩa là nó có thể lây lan từ động vật sang người. Nó cũng có thể lây lan từ người sang người khác và từ môi trường sang người.

Các triệu chứng của bệnh đậu mùa khỉ?

Bệnh đậu mùa khỉ có thể gây ra một loạt các dấu hiệu và triệu chứng. Một số người mắc bệnh với các triệu chứng nhẹ nhưng một số khác có thể có biểu hiện nặng hơn và cần được chăm sóc tại cơ sở y tế.

Các triệu chứng phổ biến nhất của bệnh đậu mùa khỉ được xác định trong đợt bùng phát năm 2022 bao gồm sốt, nhức đầu, đau cơ, đau lưng, suy nhược cơ thể và sưng hạch bạch huyết. Sau đó xuất hiện phát ban hoặc đi kèm phát ban kéo dài 2-3 tuần. Phát ban có thể xuất hiện ở mặt, lòng bàn tay, lòng bàn chân, vùng bẹn, bộ phận sinh dục. Nó cũng có thể được tìm thấy trong miệng, cổ họng, hậu môn hoặc âm đạo, hoặc trên mắt.

Các tổn thương ngoài da có số lượng từ một đến vài nghìn. Các vết tổn thương da ban đầu phẳng, sau đó thành mụn nước trước khi đóng vảy, khô lại và bong ra, một lớp da non mới được hình thành bên dưới.

Các triệu chứng thường tự biến mất hoặc khi được chăm sóc y tế chẳng hạn như dùng thuốc giảm đau hoặc sốt. Người bệnh vẫn có khả năng lây nhiễm virus cho đến khi tất cả các vết mụn đóng vảy, bong ra và hình thành một lớp da mới.

Hình ảnh về các tổn thương trên da khi mắc bệnh đậu mùa khỉ. (Nguồn: UK Health Security Agency)

Mắc bệnh đậu mùa khỉ có chết không?

Bệnh đậu mùa khỉ có nguy hiểm không hay có gây tử vong không là điều mà rất nhiều người quan tâm. Trong hầu hết các trường hợp, các triệu chứng của bệnh đậu mùa khỉ sẽ tự biến mất trong vòng vài tuần. Tuy nhiên, ở một số bệnh nhân có thể dẫn đến các biến chứng y tế và thậm chí tử vong. Dựa trên các đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ trước đây, trẻ sơ sinh, trẻ em và những người bị suy giảm miễn dịch tiềm ẩn có thể có nguy cơ cao mắc các triệu chứng nghiêm trọng hơn và tử vong do bệnh đậu mùa khỉ.

Các biến chứng của bệnh đậu mùa khỉ bao gồm nhiễm trùng da thứ phát, viêm phổi, lú lẫn và các vấn đề về mắt. Các biến chứng gần đây hơn bao gồm viêm tuyến tiền liệt (vết loét và sưng bên trong trực tràng gây đau) và đau hoặc khó khăn khi đi tiểu.

Trong quá khứ, có 1%-10% trường hợp tử vong vì bệnh đậu mùa khỉ. Lưu ý, tỷ lệ tử vong ở các bối cảnh khác nhau có thể khác nhau do nhiều yếu tố, như khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Tỷ lệ này cũng có thể đã được ước tính quá cao vì việc giám sát bệnh đậu mùa khỉ thường bị hạn chế trước đây.

Tại các quốc gia đang bùng phát bệnh đậu mùa khỉ đã báo cáo một số trường hợp tử vong. Điều này nhấn mạnh thực tế rằng bệnh đậu mùa khỉ là một căn bệnh nguy hiểm và mọi người nên tiếp tục chủ động bảo vệ bản thân và những người xung quanh.

Bệnh đậu mùa khỉ lây qua đường nào?

Bệnh đậu mùa khỉ lây từ người sang người như thế nào?

Bệnh đậu mùa khỉ lây từ người sang người khi tiếp xúc gần gũi với người bị bệnh đậu mùa khỉ. Tiếp xúc gần có nghĩa là mặt đối mặt (chẳng hạn như nói chuyện, hít thở hoặc hát gần nhau); da kề da (chẳng hạn như chạm hoặc quan hệ tình dục qua đường âm đạo/hậu môn); miệng-miệng (chẳng hạn như hôn); hoặc tiếp xúc miệng với da (chẳng hạn như quan hệ tình dục bằng miệng hoặc hôn lên da).

Về cơ chế lây truyền bệnh đậu mùa khỉ qua không khí vẫn chưa được hiểu rõ và đang được nghiên cứu thêm.

Nói chuyện gần, hôn, quan hệ tình dục,... là những hành vi tiếp xúc gần có thể lây truyền virus đậu mùa khỉ. (Ảnh minh họa)

Hiện các chuyên gia vẫn đang tìm hiểu về khả năng lây nhiễm của những người bị bệnh đậu mùa khỉ trong bao lâu, nhưng nói chung, người bệnh được coi là vẫn có khả năng lây bệnh cho tới khi tất cả các tổn thương đã đóng vảy, lớp vảy đã bong ra và hình thành một lớp da mới và tất cả các vết loét trên mắt và cơ thể (trong miệng, cổ họng, mắt, âm đạo và hậu môn) đã lành.

Môi trường sống cũng có thể bị nhiễm virus đậu mùa khỉ. Ví dụ, khi người bệnh chạm vào quần áo, giường, khăn tắm, đồ vật, thiết bị điện tử và các bề mặt. Người khác có thể bị nhiễm virus khi chạm vào những đồ vật này nếu họ có vết thương hở hay trầy xước trên người hoặc vô tình để những đồ vật mang mầm bệnh chạm vào mắt, miệng mũi hoặc các màng nhầy khác của họ. Cơ chế này gọi là lây truyền qua vật trung gian (fomite).

Người khác cũng có thể bị nhiễm bệnh khi hít phải vảy da hoặc virus từ quần áo, giường hoặc khăn tắm. Trong đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ hiện nay, các chuyên gia vẫn đang cố gắng tìm hiểu xem liệu phương thức lây truyền này có đóng vai trò chính lây truyền bệnh hay không.

Virrus đậu mùa khỉ cũng có thể lây truyền từ mẹ sang thai nhi trong quá trình mang thai, trong hoặc sau khi sinh qua tiếp xúc da kề da, hoặc từ cha mẹ mắc bệnh đậu mùa khỉ sang trẻ sơ sinh hoặc trẻ nhỏ khi tiếp xúc gần.

Mặc dù đã ghi nhận các ca bệnh đậu mùa khỉ không có triệu chứng nhưng vẫn chưa rõ những người này có thể lây bệnh hoặc liệu nó có thể lây lan qua các chất dịch cơ thể khác hay không. Các nhà khoa học đã phân lập được virus đậu mùa khỉ sống từ tinh dịch, nhưng vẫn chưa xác định được liệu có thể lây truyền bệnh qua tinh dịch, dịch âm đạo, nước ối, sữa mẹ hoặc máu hay không. Nghiên cứu đang được tiến hành để tìm hiểu thêm về việc liệu mọi người có thể lây bệnh đậu mùa khỉ thông qua việc trao đổi các chất dịch này trong và sau khi có triệu chứng nhiễm bệnh hay không.

Bệnh đậu mùa khỉ lây từ động vật sang người như thế nào?

Bệnh đậu mùa khỉ có thể lây sang người khi họ tiếp xúc vật lý với động vật bị nhiễm bệnh như linh trưởng, động vật gặm nhấm trên cạn, linh dương hoặc sóc. Con người có thể nhiễm virus từ động vật thông qua vết cắn hoặc vết xước hoặc các hoạt động như săn bắn, lột da, bẫy, chế biến, nấu nướng thịt động vật hoặc tiếp xúc với xác động vật.

Bệnh đậu mùa khỉ có thể lây từ người sang động vật không?

Khả năng lây truyền bệnh đậu mùa khỉ từ người sang vật nuôi (chó) vẫn đang được tìm hiểu. Những người đã xác nhận hoặc nghi ngờ mắc bệnh đậu mùa khỉ nên tránh tiếp xúc gần gũi với động vật, bao gồm vật nuôi (như mèo, chó,...), gia súc và động vật hoang dã.

Ai có nguy cơ mắc bệnh đậu mùa khỉ?

Những người sống chung hoặc tiếp xúc gần (bao gồm cả quan hệ tình dục) với người bị bệnh đậu khỉ có nguy cơ mắc bệnh cao nhất. Nhân viên y tế nên tuân thủ các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát lây nhiễm để bảo vệ bản thân trong khi chăm sóc bệnh nhân bị bệnh đậu mùa khỉ.

Trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ và những người bị suy giảm miễn dịch tiềm ẩn có thể có nguy cơ mắc các triệu chứng nghiêm trọng hoặc tử vong do bệnh đậu mùa ở khỉ. Phụ nữ mang thai mắc bệnh đậu mùa khỉ cũng tăng nguy cơ sảy thai hoặc thai chết lưu.

Trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ có thể có nguy cơ mắc các triệu chứng nghiêm trọng hoặc tử vong do bệnh đậu mùa ở khỉ. (Ảnh minh họa)

Phòng ngừa bệnh đậu mùa khỉ như thế nào?

Ở những quốc gia có động vật mang bệnh đậu mùa khỉ, mọi người nên tránh tiếp xúc với động vật hoang dã, đặc biệt là những động vật bị bệnh hoặc đã chết (kể cả thịt và máu của chúng) nếu không có đồ bảo hộ. Nấu chín kỹ thực phẩm có nguồn gốc động vật.

Để giảm nguy cơ lây bệnh đậu mùa khỉ từ người sang người, cần hạn chế tiếp xúc gần với những người đã nghi ngờ hoặc xác nhận mắc bệnh đậu mùa ở khỉ. Thường xuyên rửa tay sạch bằng xà phòng và nước hoặc dung dịch rửa tay chứa cồn.

Thường xuyên làm sạch và khử trùng môi trường có thể bị nhiễm vi rút từ người mắc bệnh. Thường xuyên cập nhật thông tin về bệnh đậu mùa khỉ ở khu vực bạn sinh sống và trao đổi cởi mở với những người bạn tiếp xúc gần (đặc biệt là có quan hệ tình dục) về bất cứ triệu chứng nào bạn hoặc họ có.

Nếu bị bệnh đậu mùa khỉ nên làm thế nào?

Nếu bạn bị bệnh đậu mùa khỉ, các chuyên gia y tế sẽ tư vấn xem bạn nên được chăm sóc tại bệnh viện hay tại nhà. Điều này sẽ phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng, liệu bạn có các yếu tố nguy cơ gặp triệu chứng nặng hay không và liệu bạn có thể giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm cho người khác hay không.

Nếu bạn được khuyên nên cách ly ở nhà, bạn không nên ra ngoài. Bảo vệ những người khác mà bạn sống cùng càng nhiều càng tốt bằng cách:

- Yêu cầu bạn bè và gia đình cung cấp những thứ bạn cần

- Sinh hoạt trong phòng riêng

- Sử dụng phòng tắm riêng hoặc vệ sinh sau mỗi lần sử dụng

- Làm sạch và khử trùng các bề mặt thường xuyên chạm vào bằng xà phòng và nước và chất khử trùng gia dụng

- Tránh quét/hút bụi (điều này gây phát tán các phân tử vi rút và làm lây nhiễm cho người khác).

- Sử dụng đồ dùng, vật dụng, thiết bị điện tử riêng biệt hoặc vệ sinh kỹ bằng xà phòng và nước/chất khử trùng trước khi dùng chung

- Không dùng chung khăn tắm, ga trải giường hoặc quần áo

- Tự giặt giũ đồ của riêng mình (thay ga gối, quần áo và khăn mặt cẩn thận, không giũ mạnh, đặt các đồ này vào túi nilon trước khi mang ra máy giặt và giặt đồ bằng nước nóng > 60 độ C)

- Mở cửa sổ để thông gió

- Khuyến khích mọi người trong nhà rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước hoặc chất khử trùng tay có cồn

Nếu bạn không có phòng riêng hoặc buộc phải tiếp xúc gần gũi với người khác trong khi cách ly ở nhà, hãy cố gắng hết sức để hạn chế rủi ro bằng cách:

- Tránh chạm vào nhau

- Thường xuyên vệ sinh tay bằng xà phòng và nước hoặc chất khử trùng tay có cồn

- Che vết tổn thương trên da bằng quần áo hoặc băng gạc

- Mở cửa sổ trong nhà

- Đảm bảo bạn và người cùng chung sống phải đeo khẩu trang y tế

- Duy trì khoảng cách ít nhất 1 mét với những người khác

- Nếu người khác phải giặt quần áo cho bạn, khuyên họ đeo khẩu trang và dùng găng tay dùng một lần, thực hiện các biện pháp phòng ngừa khi giặt đồ được liệt kê ở trên.