Ngày 7/11, chia sẻ với Tuổi trẻ, BS Nguyễn Thị Hồng Lan - Trưởng khoa Nội B Bệnh viện Bệnh nhiệt đới (TP.HCM) cho biết ê kíp các bác sĩ Khoa Cấp cứu - Hồi sức tích cực - Chống độc người lớn (ICU) và khoa nội B vừa điều trị thành công bệnh nhân N.T.M.P. (33 tuổi, ngụ tỉnh Đồng Nai) mắc sốt xuất huyết Dengue nặng với tổng chi phí điều trị hơn 260 triệu đồng.
Cụ thể, vào tháng 10/2022, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng mắc sốt xuất huyết mức độ rất nặng, gan đã tổn thương, suy hô hấp. Các bác sĩ đã tiến hành cho bệnh nhân thở máy, truyền máu, dùng kháng sinh...
Sau hơn 2 tuần điều trị, bệnh nhân được chuyển về khoa Nội B để tiếp tục điều trị. Sau gần một tháng điều trị, bệnh nhân đã hồi phục, chức năng thận đã cải thiện, ăn uống tốt và đã xuất viện vào ngày 7/11.
BS Lan cho biết thêm do bệnh nhân đã dùng nhiều kỹ thuật cao, phương pháp điều trị đặc hiệu và thời gian điều trị kéo dài nên tổng chi phí lên đến hơn 260 triệu đồng, thế nhưng bệnh nhân lại không có bảo hiểm y tế (BHYT) nên phải tự chi trả toàn bộ số tiền này.
Cũng trong khoảng thời gian này, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM cũng tiếp nhận điều trị cho bệnh nhân L.T.K. (22 tuổi, ngụ Vĩnh Long) với khoản viện phí gần 140 triệu đồng do không có BHYT, theo Người lao động.
Bệnh nhân K. nhập viện trong tình trạng vào sốc sốt xuất huyết có suy gan, thận, xuất huyết, nhưng đo được huyết áp. Ngay lập tức, các bác sĩ đã tiến hành chống sốc cho bệnh nhân, truyền máu, thay huyết tương, dùng thuốc. May mắn, một tuần sau tình trạng của bệnh nhân đã ổn định.
Tuy nhiên, gan của bệnh nhân hồi phục lâu nên phải nằm viện lâu, dẫn đến nhiễm trùng bệnh viện nghi ở phổi, phải dùng kháng sinh. Kèm theo đó, bệnh nhân phải lọc máu vì suy thận. Hiện bệnh nhân K. tiếp tục được điều trị tại khoa ICU.
Lý giải thêm về số tiền viện phí lên đến hàng trăm triệu đồng, BS Nguyễn Hoàng Anh - Khoa Cấp cứu - Hồi sức tích cực - Chống độc người lớn, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới (TP.HCM) phân tích, khi bệnh nhân vào sốc thì phải dùng những phương pháp chữa trị đặc biệt hàng chục triệu đồng, những loại thuốc nặng lên đến tiền triệu mỗi liều, và các chế phẩm lọc máu cũng không rẻ. Số lượng sử dụng trong suốt quá trình là rất nhiều nên tiền viện phí cao là điều hiển nhiên.
"Nếu bệnh nhân có BHYT thì sẽ đỡ gánh nặng viện phí. Nhưng thật không may, rất nhiều bệnh nhân sốt xuất huyết nặng lại chủ quan, không mua BHYT dẫn đến gia đình lâm vào cảnh khó khăn" - bác sĩ Hoàng Anh cho biết.
BS Lan khuyến cáo người dân nên chủ động mua BHYT và chú ý mốc thời gian thẻ BHYT có hiệu lực, tránh trường hợp thẻ hết hạn mà không biết. Khi có BHYT, người bệnh sẽ giảm gánh nặng chi phí điều trị nếu không may mắc bệnh, đặc biệt là bệnh nặng với thời gian nằm viện điều trị kéo dài.
Linh Chi (T/h)