Liên tiếp xảy ra ngộ độc sau bữa ăn bán trú: Cảnh báo về chất lượng của bếp ăn học đường

Liên tiếp xảy ra các vụ học sinh bị ngộ độc thực phẩm sau khi ăn bán trú đã gióng lên hồi chuông báo động về chất lượng bữa ăn học đường.

Vừa qua, vụ hàng loạt học sinh tại trường Pascal và Isaac Newton (Hà Nội) ngộ độc phải nhập viện sau khi ăn tại trường đã một lần nữa cho thấy khâu quản lý thực phẩm tại bếp ăn học đường còn lỏng lẻo.

Cụ thể, tại trường liên cấp tiểu học - THCS Pascal, 8 học sinh có vấn đề đường tiêu hoá (như đau bụng, buồn nôn, không đi ngoài). Trong đó, 3 học sinh nhập viện, hiện sức khoẻ đã ổn định. Thức ăn nghi ngờ trong bữa ăn ngày 15/4 là món cá ba sa.

Trong sáng 16/4, 106 học sinh trường Pascal đã nghỉ học vì nhiều lý do. Dù nhiều em không có biểu hiện ngộ độc nhưng phụ huynh lo lắng nên muốn đảm bảo an toàn cho con.

Trong khi đó, trường phổ thông quốc tế Newton cũng ghi nhận 15 học sinh có biểu hiện nghi ngộ độc, trong đó 3 em nhập viện, hiện sức khoẻ đã ổn định; 12 trường hợp còn lại triệu chứng nhẹ, được theo dõi tại nhà. Thức ăn nghi ngờ là bánh pizza xúc xích trong bữa phụ chiều 15/4.

Ngay sau sự việc xảy ra, chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội đã phối hợp với cơ quan chức năng của quận Bắc Từ Liêm đã tiến hành kiểm tra đơn vị cung cấp bữa ăn bán trú và bếp ăn của 2 trường học để làm rõ.

Trước đó, ngày 24/2, tại trường tiểu học Vĩnh Thủ (Quảng Trị) cũng đã xảy ra tình trạng học sinh sau khi ăn bữa trưa có biểu hiện lâm sàng như mệt mỏi, chóng mặt, đau bụng, buồn nôn... 25 học sinh của các lớp 3B, 4B, 5A đã được đưa đến Trung tâm Y tế huyện Vĩnh Linh để khám, theo dõi sức khỏe. Sau khi được thăm khám, 18 học sinh phải nhập viện để theo dõi và điều trị, 07 học sinh trở về trường học bình thường.

Năm 2020, các bậc phụ huynh cũng từng rất lo lắng khi thông tin suất ăn của học sinh trường THCS và THPT Thực nghiệm Khoa học giáo dục (quận Ba Đình, Hà Nội) trong bữa trưa ngày 23/11 đã xuất hiện giòi sống.

n-ban-tru-resize-1618710131.jpg
Bữa ăn bán trú của học sinh tại trường học. Ảnh minh họa

Ngay khi phát hiện sự việc, nhà trường đã mời đại diện đơn vị cung cấp suất ăn là Công ty Hà Thành - đến trực tiếp làm biên bản xác nhận sự việc. Ban đại diện cha mẹ học sinh trường và lớp đã làm việc với nhà trường, yêu cầu nhà trường ngừng ký hợp đồng với đơn vị cung cấp suất ăn, đồng thời thống nhất phương án tự tổ chức bếp ăn từ ngày 30/11/2020.

Tại TP.HCM, ngày 13/9/2020, 98 học sinh Trường tiểu học Bình Trưng Đông (quận 2) ngộ độc thực phẩm, 20 em đã nhập viện sau khi ăn bữa xế ở trường. Nguyên nhân ngộ độc được các cơ quan chức năng đánh giá ban đầu do ăn bánh su kem.

Trước những bất an về chất lượng bữa ăn học đường, ông Nguyễn Thanh Đề - Vụ trưởng vụ Giáo dục Thể chất (bộ GD-ĐT) cho biết, ngay trước thềm năm học mới, bộ đã có nhiều công văn chỉ đạo tăng cường công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trong các cơ sở giáo dục; tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình, chính quyền địa phương trong việc giáo dục, hướng dẫn trẻ em, học sinh thực hiện các quy định về an toàn thực phẩm. Đồng thời yêu cầu các nhà trường kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc thực phẩm và các khâu chế biến, bảo quản, vận chuyển thực phẩm trong các cơ sở giáo dục.

Tuy nhiên, nhiều vụ việc ngộ độc đã xảy ra, liên quan đến bữa ăn của học sinh ở trường. Điều này cho thấy việc kiểm tra, giám sát bữa ăn học đường ở nhiều nơi vẫn mang tính hình thức, thiếu khách quan, nguồn gốc, chất lượng thực phẩm chưa đảm bảo.

Để bảo vệ con em mình, hiện phụ huynh ở nhiều cơ sở giáo dục đã trực tiếp tham gia vào việc giám sát, quản lý bếp ăn. Đây là việc làm cần thiết, tăng thêm lực lượng ngăn chặn thực phẩm không bảo đảm an toàn tuồn vào trường học.

Để bữa ăn của trẻ ở trường được an toàn, bà Phạm Khánh Phong Lan - Trưởng ban Quản lý ATTP TP.HCM - cho rằng, lãnh đạo các trường học, cơ quan quản lý vấn đề an toàn thực phẩm ở địa phương cần tăng cường công tác quản lý, kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc thực phẩm đưa vào trường học. Cần lựa chọn những đơn vị uy tín, đảm bảo mọi điều kiện, chất lượng để cung cấp bữa ăn học đường. Hơn nữa, với môi trường giáo dục và đối tượng phục vụ là các em học sinh thì công tác kiểm soát thực phẩm đầu vào là rất quan trọng, chứ đừng để xảy ra vi phạm rồi mới chạy theo xử lý.